Thứ bảy 23/11/2024 03:53

“Nếu được lựa chọn công việc, tôi vẫn chọn trợ giúp pháp lý”

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Đấy là câu nói đầy tâm huyết từ trợ giúp viên pháp lý (TGVPL) Đỗ Thị Thào, người gắn bó hơn 12 năm với công việc TGPL cho người có công với cách mạng, người nghèo, người yếu thế trong xã hội.
Chị Thào trong một buổi tuyên truyền pháp luật cho học sinh
Chị Thào trong một buổi tuyên truyền pháp luật cho học sinh

Chị Đỗ Thị Thào, TGVPL, Trung tâm TGPL Nhà nước TP Hà Nội đã có hơn 12 năm làm việc tại những địa bàn có diện tích rộng, đi lại nhiều như Phú Xuyên, Mỹ Đức, Ứng Hòa. Mặc dù địa bàn rộng, đi lại xa nhưng với nhiệm vụ được giao, nhiệt huyết trong công việc, chị vẫn miệt mài đi gặp những người được TGPL để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ.

Trao đổi với PV, chị Đỗ Thị Thào cho biết, chị tốt nghiệp ĐH năm 2007 và làm cho một Cty tư nhân về tuyển dụng nhân sự. Năm 2010, chị Thào chuyển về Trung tâm TGPL Nhà nước TP Hà Nội, làm tại chi nhánh ở Phú Xuyên. Thời gian đầu mới vào làm việc, chị gặp rất nhiều khó khăn như lương thấp, nhà neo đơn, chồng đóng quân ở Bình Định xa nhà, nhưng bằng sự quyết tâm, yêu nghề, chị đã cố gắng vượt qua.

Từ tháng 6/2010 đến tháng 8/2014, chị làm việc tại chi nhánh ở huyện Phú Xuyên. Từ tháng 8/2014 đến 8/2020, chị chuyển về phụ trách địa bàn Mỹ Đức-Ứng Hòa. Thời điểm này, không có xe buýt từ Phú Xuyên sang Mỹ Đức, Ứng Hòa nên chị phải di chuyển bằng xe máy. Mặc dù con mới được 17 tháng nhưng yêu cầu công việc nên chị Thào vẫn khắc phục hoàn thành tốt nhiệm vụ, làm việc liên tục tại đó 6 năm, đến tháng 8/2020 chị lại chuyển về chi nhánh ở Phú Xuyên.

“Nói về khó khăn, có thể tôi là người khó khăn nhất trong Trung tâm bởi chồng tôi là bộ đội đóng quân xa nhà, nhà lại neo đơn. Thời gian làm ở Mỹ Đức, Ứng Hòa tôi đang mang thai cháu thứ hai nhưng vẫn một mình xe máy đi làm, có những lúc vừa lái xe vừa ôm bụng bầu vì đường xóc”, chị Thào tâm sự.

Theo chị Thào, trong 12 năm làm TGVPL, chị đã bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nhiều người nhưng chị nhớ nhất là vụ án ở Thường Tín, Hà Nội. Vào tháng 8/2020, chị nhận vụ việc từ một TGVPL lý khác vì đồng chí ấy nghỉ sinh. Khi tiếp cận vụ việc, chị thấy TAND cấp sơ thẩm xét xử bị cáo 10 năm tù về tội “Giết người”. Đọc hồ sơ vụ việc, chị thấy bản án không hợp lý nên chị đã hướng dẫn gia đình làm đơn kháng cáo trong thời hạn lên cấp phúc thẩm. Vụ việc này khá hy hữu bởi mất cả đơn kháng cáo, tức là một ngày đẹp trời, chưa xét xử phúc thẩm nhưng đã có một quyết định thi hành án đối với bị cáo. Nhận được phản ánh về chưa xét xử phúc thẩm đã có quyết định thi hành án, chị Thào đã đi tìm kháng cáo và liên hệ với TAND TP Hà Nội về việc chưa xét xử phúc thẩm mà lại có quyết định thi hành án.

Trong vụ án đó, TAND TP Hà Nội đã tìm hồ sơ ở văn thư và xác định có đơn kháng cáo của bị cáo và bị bỏ sót. Sau đó, vụ án được hủy quyết định thi hành án và chuyển lên tòa án cấp cao để xét xử phúc thẩm. Tại phiên tòa phúc thẩm, chị Thào đã trình bày các lý lẽ, luận cứ cho bị cáo. Sau khi nghị án, HĐXX nhận thấy luận cứ TGVPL phân tích có căn cứ nên đã tuyên bị cáo 7 năm tù. Bị cáo giảm được 3 năm so với mức án ở phiên tòa sơ thẩm. Hiện tại, bản thân chị và gia đình đã làm đơn gửi lên Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng VKSND tối cao xem xét về thủ tục giám đốc thẩm. Nếu được xem xét thì mức án của bị cáo có thể giảm xuống nữa.

“Phương châm của TGPL là luôn đi cùng dân và tôi thấm nhuần cái phương châm này. Khi người dân cần tôi luôn đến tận nơi để chia sẻ về hoàn cảnh gia đình, chia sẻ khó khăn họ đang vướng mắc và tôi cố gắng trong khả năng của mình để giúp đỡ họ”, chị Thào chia sẻ.

Kể về niềm đam mê với nghề, chị Thào cho hay, chị vẫn nhớ câu nói của lãnh đạo Trung tâm TGPL thời kỳ trước đó là “vào trung tâm TGPL thì không giàu” và chị gắn bó với trợ giúp pháp lý như một mối duyên. Và ai hỏi chị, nếu được lựa chọn lại thì có chọn TGPL không, thì câu trả lời của chị là có, bởi trong suốt quá trình hoạt động TGPL của mình, chị gặp được nhiều đối tượng là người yếu thế trong xã hội. Khi đến, chị đã giúp đỡ được họ một phần nào đó về hiểu biết pháp luật và bảo vệ quyền lợi cho họ. Chị Thào nhận ra rằng, hoạt động TGPL rất ý nghĩa trong xã hội hiện đại của chúng ta bây giờ. Mỗi vụ án hoặc vụ việc chị tham gia đem lại hiệu quả cho người được TGPL thì chị cảm thấy rất vui và thấy rằng quyền lợi của người dân đã được đảm bảo. TGPL đã góp phần mang đến sự công bằng trong xã hội, giúp cho người yếu thế trong xã hội, đối tượng của TGPL được đảm bảo quyền và lợi ích tốt nhất.

Yêu công việc trợ giúp pháp lý vì hỗ trợ được nhiều người yếu thế
Trợ giúp pháp lý góp phần hạn chế vụ việc oan sai
Trợ giúp viên pháp lý được tăng lương từ ngày 20/10
Công Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động