Nan giải vấn đề học sinh vi phạm trật tự ATGT
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênLực lượng chức năng tỉnh Vĩnh Phúc bắt giữ ngăn chặn nhiều vụ tụ tập đua xe trái phép, có sự tham gia của các thành viên là học sinh ở một số trường THCS và THPT trên địa bàn tỉnh. |
Phòng Cảnh sát giao thông (PC08), Công an tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, trong những ngày đầu tháng 4 (từ ngày 4-10/4), lực lượng Cảnh sát giao thông đã phát hiện, xử lý, yêu cầu viết bản kiểm điểm đối với 344 học sinh và 11 phụ huynh vi phạm các qui định về trật tự an toàn giao thông.
Thực trạng này là dấu hiệu đáng buồn, cho thấy ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của nhiều học sinh trên địa bàn rất kém. Mặc dù, trong tháng 4-2022, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc đã có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông năm 2022, mục đích nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật giao thông cho cán bộ quản lý (CBQL), giáo viên (GV), học sinh (HS) trong các đơn vị, trường học. Tuy nhiên, thực tế, tình cảnh “nước đổ đầu vịt” đã diễn ra, hiện tại, nhiều học sinh trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc vẫn tái diễn tình trạng vi phạm Luật Giao thông đường bộ.
Hiện tượng học sinh vi phạm Luật Giao thông Đường bộ diễn ra khá phổ biến |
Thống kê của Phòng CSGT, Công an tỉnh Vĩnh Phúc cho thấy, từ ngày 21/4 đến 11/5, trên toàn tỉnh, lực lượng đã phát hiện, nhắc nhở đối với 376 học sinh vi phạm về trật tự an toàn giao thông.
Trong đó, Phòng CSGT tỉnh Vĩnh Phúc phát hiện xử lý 78 trường hợp; Đội CSGT thành phố Vĩnh Yên phát hiện xử lý 73 trường hợp; Công an Phúc Yên phát hiện xử lý 56 trường hợp; huyện Bình Xuyên phát hiện xử lý 49 trường hợp, huyện Yên Lạc phát hiện xử lý 39 trường hợp; huyện Vĩnh Tường phát hiện xử lý 27 trường hợp; huyện Tam Đảo phát hiện xử lý 23 trường hợp; huyện Tam Dương phát hiện xử lý 14, huyện Sông Lô phát hiện xử lý 11 trường hợp, và huyện Lập Thạch có 6 trường hợp.
Có thể thấy, tình trạng học sinh vi phạm các qui định về trật tự an toàn giao thông diễn ra ở tất cả các huyện, thành phố của tỉnh Vĩnh Phúc.
Các lỗi vi phạm chủ yếu của học sinh đó là điều khiển xe gắn máy trên 50cc khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe. Điều khiển xe máy điện chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng ngang, phóng nhanh, lạng lách trên đường… Trong đó, học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông diễn ra ở cả cấp THCS và THPT.
Đây cũng là dấu hiệu rất đáng lo ngại, bởi ở lứa tuổi các em học sinh, tâm sinh lý chưa ổn định, dễ bị kích động, thích đua đòi, thích thể hiện bản thân, dễ sa đà vào những trò vô bổ. Rất dễ bị lôi kéo, dụ dỗ từ các đối tượng xấu, mời tham gia hội nhóm, bầy đàn, hẹn hò tổ chức đua xe trái phép, hoặc nghiêm trọng hơn là thực hiện những phi vụ đua xe, cướp giật gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Đáng chú ý, tại cổng trường, hầu như không có sự nhắc nhở của bảo vệ hay giáo viên để chấn chỉnh tình trạng này.
Việc giáo dục học sinh nghiêm túc chấp hành Luật giao thông đường bộ, đảm bảo an toàn cho học sinh từ nhà đến trường và từ trường về nhà là đòi hỏi cấp thiết. Tuy nhiên, việc này không thể phó mặc cho lực lượng CSGT hay nhà trường, mà chủ yếu rất cần sự phối hợp của gia đình, phụ huynh học sinh hãy gương mẫu chấp hành và nghiêm khắc nhắc nhở con em mình có ý thức tôn trong Luật Giao thông đường bộ. Hình thành thói quen tốt cho con em mình, không vi phạm pháp luật, cần đảm bảo an toàn cho bản thân, và cộng đồng khi tham gia giao thông.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại