Nam Em xin lỗi vì "dùng chùa" ca khúc của nghệ sĩ khác: Sai thì sửa nhưng đừng sai tiếp
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNam Em bị chỉ trích khi hát ca khúc của nghệ sĩ khác mà không xin phép |
Biết sai thì đừng lặp lại
Mới đây, nhạc sĩ Kai Đinh bức xúc về việc Nam Em tự ý dùng ca khúc “Mình yêu đến đây thôi” của anh, đang được Tóc Tiên mua độc quyền.
Kai Đinh viết trên trang cá nhân: "Bài hát "Mình yêu đến đây thôi" vẫn đang trong thời hạn được độc quyền ghi âm/ghi hình/biểu diễn của ca sĩ Tóc Tiên, nhưng bạn Nam Em đã dùng bài hát để đi diễn, và thậm chí ghi hình và up lên kênh Youtube, dù chưa hề nhận được sự đồng ý của tác giả và cả ca sĩ đang có quyền sử dụng. Bài hát được air vào lúc 8 giờ tối, nhưng các bạn gửi email xin phép tác giả vào lúc 8g04. Vậy là xin phép hay thông báo?".
Kai Đinh bức xúc là vì chuyện bản quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam hiện nay đã phát triển hơn trước đây rất nhiều. Các quán cà phê/nhà hàng khi phát nhạc của nghệ sĩ phải mua tài khoản trên các trang nhạc số. Vậy nên, Kai Đinh không thể hiểu được tại sao các nghệ sĩ đồng nghiệp lại sử dụng bài hát của các nghệ sĩ khác nhưng việc tối thiểu nhất là xin phép trước lại không thể làm được.
"Kai xin được nói rõ hơn cho các khán giả hiểu vì sao vấn đề bản quyền quan trọng đến như vậy. Tài sản trí tuệ cũng là tài sản, những người thực hiện dự án như chúng tôi là những người đã phải đầu tư thời gian, tài chính, và công sức để cân đo đong đếm cách sản xuất một bài hát hoàn chỉnh, và mong muốn được khán giả công nhận những nỗ lực đó bằng sản phẩm chỉn chu nhất có thể. Việc sử dụng các ca khúc này một cách tuỳ tiện ảnh hưởng rất lớn đến nghệ sĩ đang sử dụng bài hát. Nói nôm na, ca sĩ Tóc Tiên bỏ tiền và thời gian và công sức ra đầu tư cho một bài hát, và một nghệ sĩ khác cứ thế mang bài hát đi diễn và up lên youtube mà không cần đầu tư gì cả ngoài việc hát lại?", Kai Đinh viết thêm.
Ngay dưới bài viết của Kai Đinh, một số nghệ sĩ khác tiết lộ đây không phải lần đầu tiên Nam Em có hành vi vi phạm bản quyền. Nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền bình luận: "Bạn này còn cover bài em viết lời Việt không xin phép, và không ghi credit tác giả viết lời luôn. Haiz". Bùi Công Nam chia sẻ: "Bữa Nam cũng nhắc nhở 1 lần rồi". Nhạc sĩ - ca sĩ Trần Duy Khang cho biết: "Em cũng bị nè mà chả buồn nói".
Ngay sau khi bị chỉ trích gay gắt, Nam Em đã lên tiếng xin lỗi. "Lời đầu tiên cho phép Nam Em được xin lỗi tất cả các nhạc sĩ, ca sĩ vì sự sơ suất của Nam Em trong sự việc bản quyền âm nhạc mà Nam Em đã hát trong một số hoạt động vừa qua. Nam Em xin nhận mọi lời trách móc vì rõ ràng mình sai, không biện bạch gì cả. Chỉ xin mọi người lượng thứ và những lời góp ý này sẽ giúp Nam Em chuyên nghiệp hơn sau này".
Nam Em cho biết thêm dạo gần đây, cô mới ổn định tinh thần và tìm được niềm vui trong âm nhạc. "Những ca khúc của các anh, chị đã giúp Nam Em vượt qua rất nhiều thứ và truyền cảm hứng đặc biệt để có thể tự tin lan tỏa cho mọi người. Nam Em cũng chưa có được một ê-kíp chuyên nghiệp để làm việc chu toàn trong âm nhạc, mọi thứ còn mới mẻ, nên trong âm nhạc cho phép Nam Em được vừa làm vừa sửa sai. Sai ở đâu thì xin sửa ở đó. Rất mong sự lượng thứ từ mọi người, xin nhận lỗi vì đã tạo ra những chuyện không đáng có và mang đến những điều tiêu cực này", Nam Em cho biết.
Trước đó, Nam Em tham gia 1 số buổi diễn tại phòng trà và hát live nhiều ca khúc. Các video quay lại cảnh Nam Em hát live được đăng lên TikTok và nhận được nhiều lời khen từ khán giả. Cô cũng được nhận xét là người đẹp có giọng hát tốt và có thể phát triển sự nghiệp theo con đường ca hát.
Tuy nhiên, việc "dùng chùa" ca khúc của nghệ sĩ khác khiến Nam Em bị chỉ trích là thiếu chuyên nghiệp. Đa phần các nghệ sĩ Việt đều khá dễ tính nếu như đồng nghiệp xin phép biểu diễn ca khúc của họ. Việc dùng ca khúc của người khác mà không xin phép thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp cũng như thiếu tôn trọng nghệ sĩ sáng tác, ca sĩ đang có quyền sử dụng ca khúc.
Bên cạnh đó, hình ảnh của Nam Em cũng bị ảnh hưởng theo hướng tiêu cực, nhất là khi cô đang thí sinh của cuộc thi Hoa hậu Thế giới Việt Nam.
Cover mà không xin phép sẽ bị xử lý như thế nào?
Đối với việc cover bài hát thì tác phẩm cover sẽ được xem như là một tác phẩm phái sinh của tác phẩm gốc và được qui định tại Khoản 8 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009 và năm 2019).
Người làm tác phẩm phái sinh hay cover bài hát được pháp luật cho phép nhưng phải tuân theo các điều kiện mà pháp luật sở hữu trí tuệ đặt ra.
Cụ thể theo Luật sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009 và năm 2019) thì các điều kiện để làm tác phẩm phái sinh là: Không gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả và phải xin phép; trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả.
Cá nhân, tổ chức thực hiện cover bài hát trái phép hay không xin phép chủ sở hữu quyền tác giả của bài hát đó có thể bị xử phạt hành chính với mức tiền từ 5 đến 10 triệu đồng, kèm theo đó là phải dỡ bỏ bản cover đó trên Internet cũng như trên các phương tiện kỹ thuật số khác. Cụ thể được quy định tại Điều 12 Nghị định 131/2013/NĐ-CP.
Còn đối với những trường hợp hát cover bài hát trực tiếp trước công chúng nhưng không được sự đồng ý cho phép của tác giả, thì người biểu diễn có thể bị xử phạt từ 5 đến 10 triệu đồng. Thêm vào đó, nếu bản cover mà được truyền tải tới công chúng thông qua các thiết bị ghi âm, ghi hình, các phương tiện kỹ thuật khác hay thông qua mạng internet, thì người biểu diễn có thể bị xử phạt từ 10 tới 15 triệu đồng, đồng thời phải khắc phục hậu quả bằng việc gỡ bỏ tác phẩm vi phạm. Những quy định này được quy định tại Điều 13 Nghị định 131/2013/NĐ-CP
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại