Năm 2022: Tăng trưởng kinh tế có thể vượt mục tiêu đề ra
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTheo nhận định của Tổng cục Thống kê, năm 2022, tăng trưởng kinh tế có thể vượt mục tiêu đề ra là 6% - 6,5% |
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, điểm sáng trong bức tranh kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm là đà phục hồi mạnh mẽ của khu vực dịch vụ. Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng sáu tháng đầu năm ước đạt 2,7 triệu tỷ đồng, tăng 11,7% so cùng kỳ. Trong đó, quý 2 đạt 1,3 triệu tỷ đồng, tăng 5,5% so quý trước và tăng 19,5% so cùng kỳ.
Tính chung 6 tháng đầu năm, doanh thu bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và doanh thu du lịch lữ hành đều tăng trưởng ở mức hai con số sau thời gian tăng trưởng âm vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Khách du lịch quốc tế bắt đầu trở lại Việt Nam sau hơn 3 tháng mở cửa hoàn toàn du lịch thay vì chỉ đón các chuyên gia nhập cảnh phục vụ công tác như giai đoạn trước đây. Mức tăng trưởng diễn ra khá đồng đều giữa các thị trường khách du lịch châu Á, châu Âu, châu Mỹ…Tính chung 6 tháng, khách quốc tế đạt 602 nghìn lượt người, gấp gần 7 lần so cùng kỳ năm ngoái.
Các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế như công nghiệp chế biến, chế tạo, xuất khẩu, đầu tư công, sản xuất kinh doanh… đều ghi nhận sự phục hồi tích cực. Lần đầu tiên, cả nước ghi nhận số lượng DN thành lập mới và quay trở lại thị trường trong 6 tháng đầu năm vượt mốc 100 nghìn DN. Trung bình mỗi tháng, cả nước có 19,5 nghìn DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động, số DN rút lui khỏi thị trường là 13,9 nghìn DN.
Trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, gần 50% DN tham gia khảo sát lạc quan đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh sẽ tiếp tục tốt hơn trong quý.
Về lạm phát, Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý 2/2022 tăng 2,96% so quý 2/2021; CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 2,44% so cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,25%.
Các yếu tố làm gia tăng lạm phát trong 6 tháng đầu năm chủ yếu là do giá bán lẻ xăng dầu trong nước bình quân quý 2 tăng 54,92% so cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,98 điểm phần trăm. Tiếp đến là tăng giá gas, giá vật liệt bảo dưỡng nhà ở… Ngược lại, việc ổn định nguồn cung và giảm giá thịt lợn, giảm giá dịch vụ giáo dục, giảm giá thuê nhà ở… đã hỗ trợ tích cực cho kết quả kiềm chế lạm phát.
Để chủ động ứng phó với những thách thức trước áp lực lạm phát gia tăng, trong thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp bình ổn giá, hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế – xã hội.
Các chính sách được ban hành kịp thời giúp ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của DN và đời sống của người dân, giảm áp lực đáng kể lên mặt bằng giá như giảm thuế giá trị gia tăng với một số nhóm hàng hóa và dịch vụ từ 10% xuống 8% từ ngày 1/2/2022; giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2022; giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng đầu năm 2022; giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu từ ngày 1/4/2022. Đến nay, mặt bằng giá trong nước vẫn cơ bản được kiểm soát song áp lực lạm phát trong những tháng còn lại của năm khá lớn.
Về tình hình lạm phát cuối năm, bà Nguyễn Thu Oanh - Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê cho biết diễn biến giá cả hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu trên thế giới đang tiếp tục tăng mạnh trong bối cảnh chiến sự Nga – Ukraine còn phức tạp gây gián đoạn chuỗi cung ứng, đặc biệt là giá xăng dầu tạo áp lực lớn đến chi phí sản xuất của DN và tiêu dùng của người dân.
Cùng với tác động của các gói hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng, kinh tế Việt Nam có khả năng phục hồi mạnh hơn trong các tháng còn lại của năm, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tăng sẽ đẩy giá cả hàng hóa lên cao.
Chính vì vậy, áp lực lạm phát từ nay đến cuối năm là rất lớn, tập trung quý 3, 4 và năm 2023. Trong đó, yếu tố lớn nhất tác động khiến CPI tăng cao 6 tháng cuối năm là giá nguyên nhiên vật liệu thế giới tăng cao, trong khi Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu khẩu. Chỉ trong 6 tháng đầu năm này chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu tăng gần 6,4%, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Do đó, việc đạt được mục tiêu kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2022 ở mức khoảng 4% theo mục tiêu Quốc hội đề ra là một thách thức rất lớn.
Tổng cục Thống kê nhận định, năm 2022, tăng trưởng kinh tế có thể vượt mục tiêu đề ra là 6% - 6,5% nhưng mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% là rất khó khăn. Đáng lưu ý, áp lực lạm phát sẽ gia tăng mạnh hơn từ quý 3/2022 do ảnh hưởng của tăng giá xăng dầu và giá nguyên, nhiên vật liệu thế giới. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại