Mưu sinh giữa lò rèn ngày nắng như đổ lửa
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênDưới cái nắng như thiêu đốt người thợ rèn vẫn cần mẫn bên lò lửa rực đỏ |
Những ngày này, tại Thanh Hóa cũng như miền Trung nắng nóng như nung người, cuộc sống, sinh hoạt của người dân nhiều nơi bị đảo lộn, nền nhiệt thường dao động ở 40 độ C khiến người dân không ai dám đi ra ngoài nếu không có công việc cần thiết.
Thế nhưng, có một làng nghề ở Thanh Hóa vẫn bất chấp cái nắng nóng gay gắt, người dân ngày ngày vẫn mưu sinh bên những lò lửa rực đỏ lên tới cả 1.000 độ C. Đó là làng nghề rèn truyền thống xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa.
Cách UBND xã Tiến Lộc không xa, dưới thời tiết nắng nóng như thiêu đốt những tiếng đe, tiếng búa chan chát vang lên bên hình ảnh người thợ rèn càng hăng say với công việc. Những viên than cháy rực với nhiệt độ hừng hực tỏa ra từ lò rèn, bếp nung và những thanh sắt nóng, khiến những cửa hàng rèn giống như “lò bát quái”, thế nhưng những người thợ nơi đây vẫn miệt mài công việc mưu sinh như thể cái tiết trời khắc nghiệt kia không hề ảnh hưởng đến họ.
Dù là ngày thường hay giữa cái nắng 40 độ của trưa ngày hè tháng 5, khắp từ làng trên xóm dưới, từ các ngõ ngách đều rầm rộ tiếng đe búa của người thợ rèn xã Tiến Lộc.
Là người có thâm niên hơn 30 năm làm nghề rèn cuốc, xẻng, vét... nhập cho khách hàng khắp trong Nam, ngoài Bắc, ông Thiều Ngọc Đỉnh (xã Tiến Lộc) cho biết, ở đây nghề này đa phần là cha truyền con nối, từ bé đã quen với những tiếng đe, tiếng búa từ thời ông bà làm nghề. Lớn lên cái nghề nó vận vào người rồi cứ thế mày mò học việc và làm từ đó đến nay. Nghề rèn khá vất vả, lại độc hại vì ngày ngày tiếp xúc trực tiếp với khí than, nhất là vào mùa hè nắng nóng.
Dưới cái nóng như thiêu đốt, ông Thiều Ngọc Đỉnh vẫn vui vẻ và hăng say với công việc |
"Ngày nay, nhờ tiến bộ khoa học kỹ thuật mà các công đoạn nặng nhọc đã được máy móc hỗ trợ rất nhiều, thế nhưng chiếc bếp lò đỏ lửa là không thể thay thế được, nên làm việc gần bếp lửa, cứ một lúc là mồ hôi, áo quần ướt đẫm. Với tiết trời nắng nóng tới 40 độ C, những người làm nghề lâu năm như chúng tôi không thể nào chịu được, vì thế để tránh nắng, chúng tôi thường dậy từ 4h sáng làm việc tới khoảng 9-10h thì nghỉ, chiều từ 1h tới 18h".
Sản phẩm nghề rèn Tiến Lộc giờ đây không chỉ dừng lại ở những nông cụ truyền thống mà đã đa dạng sản phẩm, chủng loại, số lượng nhiều hơn, chất lượng tốt hơn để phục vụ người tiêu dùng.
Xưởng rèn Kỳ Hói của gia đình anh Lương Văn Kỳ tạo công ăn việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định cho nhiều làm động |
Anh Lường Văn Kỳ (41 tuổi) chủ xưởng rèn Kỳ Hói (xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc) cho hay, cơ sở của gia đình anh có truyền thống từ lâu đời. Hiện tại cơ sở của gia đình đang tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 6 lao động. Những hôm nắng nóng thế này thợ phải làm từ 5h sáng cho mát. Một ngày cơ sở sản xuất ra hàng trăm sản phẩm đảm bảo thu nhập cho người lao động từ 8-10 triệu đồng trên tháng. Ngoài các sản phẩm thông thường sản xuất và bán ra các tỉnh, cơ sở cũng nhận thêm các sản phẩm gia công theo yêu cầu của người sử dụng…
Được biết, nghề rèn truyền thống ở xã Tiến Lộc có từ bao đời nay. Cho đến nay, trong cơ cấu ngành nghề thì nghề rèn đã chiếm 87%. Toàn xã có hơn 9.000 nhân khẩu thì có hơn 2.100 người làm nghề rèn, chưa kể những người làm các nghề kinh doanh liên quan đến nghề rèn. Từ xưa, Tiến Lộc đã nổi tiếng với nghề rèn gắn với tên các làng: làng Ngọ, làng Bùi, làng Sơn. Do tính cần mẫn, khéo léo của thợ rèn nơi đây nên các sản phẩm của nghề rèn ở xã đã được người dân nhiều nơi ưa chuộng.
Một số hình ảnh tại làng rèn Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc được phóng viên ghi nhận ngày 18/5:
Bất chấp thời tiết nắng nóng, khắc nhiệt những chiếc lò rèn nơi đây vẫn không ngừng đỏ lửa |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại