Mua xe không giấy tờ, vừa mất tiền vừa vi phạm pháp luật
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNhiều hội nhóm mua bán xe không giấy tờ với hàng chục nghìn thành viên. |
Dù đã có nhiều cảnh báo về hành vi lừa đảo khi mua bán xe máy không có giấy tờ, nhưng nhiều người vì tham giá rẻ nên đã trở thành nạn nhân của các nhóm đối tượng này.
Công khai rao bán xe không giấy tờ
Sau thời gian “im hơi lặng tiếng” thì trong thời gian gần đây, các nhóm mua bán xe máy không giấy tờ lại hoạt động rầm rộ trở lại như “nấm sau mưa” trên nền tảng mạng xã hội Facebook.
Vào ứng dụng này và gõ từ khóa “mua bán xe không giấy”, sẽ xuất hiện hàng chục hội nhóm kín lẫn công khai với hàng nghìn, hàng chục nghìn thậm chí hơn cả trăm nghìn thành viên. Trong các hội nhóm này, mỗi ngày sẽ có hàng loạt thành viên đăng tải các bài viết rao bán … các loại xe đủ thương hiệu với đặc điểm chung là không giấy tờ cùng mức giá rẻ hơn nhiều lần so với giá thị trường.
Tại hội nhóm “Xe máy không giấy tờ toàn quốc” với hơn 60 nghìn thành viên, chiếc xe máy Vision màu đỏ của hãng Honda được tài khoản V. Thiện rao bán 3 triệu đồng cùng thông tin là xe không giấy, đi kèm là số điện thoại để liên hệ. Bên dưới bài đăng là hàng chục tài khoản khác vào hỏi mua và đều được yêu cầu nhắn tin riêng.
Những loại xe có giá vài chục triệu đồng nhưng được rao bán chỉ vài triệu đồng. |
Lướt một vòng trên group này, phóng viên nhận thấy trong này có đủ các dòng xe SH, SH Mode, Vision, Wave, Grande, Lead... được rao bán công khai với giá chỉ từ 5-15 triệu đồng. Đây là mức giá rẻ hơn nhiều so với giá trên thị trường.
Tại các nhóm “Xe máy không giấy tờ Hà Nội”; “Mua bán xe KGT miền Bắc”… cũng có hình thức tương tự khi nhiều tài khoản rao bán các dòng xe mới như: SH, SH Mode, Satria, Exciter, Vision… với điểm chung là không giấy và mức giá chưa đến 10 triệu đồng.
Giá rẻ là những miếng mồi ngon khiến nhiều người sập bẫy. |
Nội dung rao bán thường có điểm chung đó là xe bỏ góp ngân hàng, xe khách cầm đồ nhưng bỏ cọc, xe nhập lậu hải quan về… cần thanh lý giá rẻ. Thậm chí nhiều tài khoản còn cam kết làm được giấy tờ đi đường nên nếu bị cảnh sát giao thông kiểm tra cũng không có chuyện gì xảy ra.
Những thông tin hấp dẫn, đi kèm hình ảnh cùng mức giá rẻ không khác gì “miếng mồi ngon” khiến nhiều người trở thành nạn nhân của các đối tượng này.
Vừa mất tiền vừa vi phạm pháp luật
Vì tham của rẻ cũng như tin vào lời đường mật của các tài khoản này mà nhiều người đã trở thành nạn nhân. Tài khoản M.T (24 tuổi, Đông Anh, Hà Nội) cho biết thấy tin rao bán chiếc xe Air Blade đời 2022 với mức giá chỉ 9tr5, nên đã nhắn tin hỏi mua. Người bán cho biết xe vay góp ở ngân hàng nhưng bỏ góp, hiện xe đang ở Nam Định, muốn mua thì chuyển cọc 500.000 đồng. Sau đó, người bán sẽ vận chuyển xe lên Hà Nội giao xe và nhận đủ tiền.
Vì tin tưởng nên M.T đã đồng ý chuyển cọc vào số tài khoản người bán cung cấp. Tuy nhiên, sau khi chuyển khoản xong thì ngay lập tức số điện thoại và tài khoản facebook của người bán đều chặn các liên lạc từ M.T. Lúc này, M.T mới biết mình trở thành nạn nhân của kẻ lừa đảo.
Chỉ 7 triệu đồng cho chiếc SH Mode. |
Dù đã cẩn thận hơn M.T và cũng không chấp nhận chuyển cọc trước nhưng anh P (Đống Đa, Hà Nội) cũng mất tiền chỉ vì đối tượng lừa đảo quá tinh vi. Theo anh P thì anh yêu thích xe phân khối lớn, nên khi thấy một tài khoản đăng bán chiếc mô tô của hãng Kawasaki với mức giá chỉ 40tr đồng (giá trị thực tế hơn 200 triệu đồng) ở tỉnh Tây Ninh nên anh P đã liên lạc để hỏi mua.
Người này cho biết xe nhập lậu từ biên giới Campuchia về, nếu mua thì không cần phải chuyển cọc, khi nào xe được vận chuyển ra đến Hà Nội thì mới phải thanh toán tiền. Thấy không phải chuyển cọc nên anh P đã đồng ý mua và cung cấp địa chỉ nhận xe. Sau khoảng 5 ngày, anh P nhận được điện thoại cho biết xe mô tô mà anh đặt mua đã được vận chuyển ra đến một địa điểm ở Hà Nội. Cùng với đó là các hình ảnh xe mô tô đang được bốc dỡ xuống từ xe tải.
Đủ chiêu trò để đưa người mua vào bẫy. |
“Người này bảo do bán xe không giấy nên không thể để anh P đến địa điểm vận chuyển được vì sợ công an. Nên sẽ thuê xe ba gác vận chuyển xe mô tô đến địa chỉ của anh P nhưng anh P phải chuyển khoản 1.000.000 đồng để thanh toán tiền cước vận chuyển cho bên xe tải” - anh P chia sẻ. Thấy xe đã được vận chuyển đến Hà Nội, chẳng chút nghi ngờ nên anh P đã chuyển khoản theo yêu cầu và ngay sau đó là không thể liên lạc với bên bán.
Không chỉ trở thàn nạn nhân của các đối tượng lừa đảo mà các trường hợp như anh P hay M.T đều còn đối diện với việc vi phạm pháp luật. Vì căn cứ theo Nghị định 123/2021/NĐ-CP, người mua các loại xe không giấy, không rõ nguồn gốc có thể bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với cá nhân, từ 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe môtô, xe gắn máy. Phạt tiền từ 2 đến 4 triệu đồng đối với cá nhân, từ 4 đến 8 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe.
Ngoài ra, nếu đủ các dấu hiệu cấu thành tội hình sự, người thực hiện hành vi mua bán, trao đổi các loại xe không giấy, không rõ nguồn gốc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có với mức hình phạt cao nhất lên đến 15 năm tù giam, đồng thời còn có thể bị phạt tiền lên đến 50 triệu đồng hoặc tịch thu một phần, tịch thu toàn bộ tài sản.
Thế nên, mọi người cần nâng cao cảnh giác, đừng vì tham giá rẻ mà tự biến mình trở thành nạn nhân của các nhóm lừa đảo cũng như gặp rắc rối với pháp luật chỉ vì lòng tham.
Người phụ nữ nhẹ dạ, mất trắng hơn 1,4 tỷ đồng |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại