Thứ ba 16/07/2024 14:31
Hà Nội trong tôi:

Một thoáng quê hương

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Áo dài không chỉ tôn lên nét duyên dáng của người phụ nữ Việt mà nó còn luôn mang trong mình một sứ mệnh thiêng liêng, là biểu tượng, là hồn cốt của văn hóa Việt Nam. Bởi vậy mà trong những cuộc thi sắc đẹp, những sự kiện trọng đại của đất nước, phần thi áo dài, hay đồng diễn áo dài là một phần không thể thiếu. Năm nay, trong không khí kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), chương trình nghệ thuật với Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội sẽ là một sự kiện đáng mong chờ và đầy tự hào của người Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.
Một thoáng quê hương
Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội 2022 diễn ra tại không gian phố đi bộ hồ Gươm Ảnh: Khánh Huy
Một thoáng quê hương

Áo dài đã và đang trải qua chặng đường dài hình thành và phát triển, không ngừng cách tân, đổi mới với những dáng vẻ, chất liệu khác nhau, nhưng trên hết vẫn giữ trong mình giá trị, tinh hoa văn hóa của người phụ nữ Việt. Vẫn là nét kín đáo, tế nhị, duyên dáng, không phô diễn quá nhiều nhưng vẫn tôn lên vẻ đẹp, những đường cong mềm mại của cơ thể người phụ nữ mà đầy khí chất.

Ngày 10/10 cách đây 70 năm (năm 1954), ngày mà các chiến sĩ bộ đội Cụ Hồ tiến vào tiếp quản Thủ đô trong sự hân hoan chào đón của hàng vạn người dân. Sinh viên, học sinh nữ trong những bộ trang phục đẹp nhất của mình, trong đó có những tà áo dài trắng thướt tha vẫy hoa, vẫy cờ hân hoan chào đón là hình ảnh mang lại thật nhiều cảm hứng. Những hình ảnh ấy, tôi vẫn còn thấy trong những bức ảnh tư liệu quý giá ngày hôm nay, thật xúc động và đầy tự hào.

Năm nay, Lễ hội Áo dài 2024 sẽ là một dịp đặc biệt để tái hiện hành trình lịch sử 70 năm Giải phóng Thủ đô với hình ảnh tà áo dài Việt Nam là trung tâm chủ đạo. Hoạt động đồng diễn áo dài sẽ là hoạt động đáng mong chờ của người dân Hà Nội và cả nước. Những sự kiện đồng diễn áo dài hay Tuần lễ kỷ niệm áo dài nhân những sự kiện trọng đại luôn khiến tôi trào dâng niềm tự hào và xúc động mãnh liệt. Trong khuôn khổ Carnaval Áo dài năm nay đặc biệt bởi sẽ có hoạt động đồng diễn Áo dài tại Hoàng thành Thăng Long và diễu hành đi bộ trong trang phục áo dài, với lộ trình dự kiến xuất phát từ Quảng trường Đoan Môn, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội – Hoàng Diệu – Hoàng Văn Thụ - Độc Lập - Hoàng thành Thăng Long. Những địa danh đã đi vào lịch sử, ghi dấu bao chiến công của cha ông ta.

Lễ hội năm nay có không gian văn hóa nghệ thuật, các nghệ nhân Thủ đô sẽ biểu diễn nghệ thuật dân gian truyền thống: quan họ, ca trù, chầu văn, xẩm, múa bài bông, múa đánh bồng, hầu đồng ... kết hợp với trình diễn áo dài. Thông qua hoạt động này, Ban tổ chức mong muốn mang tới du khách những xúc cảm mới lạ về nét đẹp của tà áo dài trong không gian văn hóa nghệ thuật xưa. Cùng đó là không gian triển lãm ảnh Áo dài với các nội dung chính: áo dài xưa và nay trong văn hóa của người Việt Nam; áo dài với bạn bè và du khách quốc tế; áo dài trong các hoạt động du lịch, các đơn vị cung cấp nguyên liệu sản xuất áo dài, phụ kiện trang trí áo dài; áo dài truyền thống và những sáng tạo hiện đại; các thương hiệu và nhà thiết kế áo dài nổi tiếng Việt Nam.

Tôi vô cùng thích những câu ca trong bài "Một thoáng quê hương" của Nhạc sỹ Từ Huy-Thanh Tùng

"Đẹp biết bao, quê hương cho ta chiếc áo nhiệm màu

Dù ở đâu... Paris, London hay ở những miền xa

Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố

Sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó… em ơi!”

Dù ở đâu, bất cứ nơi nào, hình ảnh chiếc áo dài chính là hiện thân của quê hương Việt Nam yêu dấu. Nét đẹp áo dài sẽ không trộn lẫn với bất cứ trang phục của đất nước nào, đó là nét đẹp rất riêng, rất Việt Nam.

Hà Nội: Gần 1.000 người diễu hành, biểu diễn áo dài trên phố đi bộ hồ Gươm
Từ “Đại sứ văn hóa” dần trở thành “Đại sứ du lịch”
Mai Linh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động