Từ “Đại sứ văn hóa” dần trở thành “Đại sứ du lịch”
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênLễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội 2023 được tổ chức tại không gian khu vực tượng đài Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh và phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Khánh Huy |
Trong lời ca tiếng hát từ thuở xưa, chưa bao giờ chiếc áo dài vắng bóng trên đường phố Hà Nội. Vào những ngày cuối thu đầu đông thời tiết đẹp và chiều lòng người như thế này, phụ nữ Hà Nội lại xúng xính, khoe sắc với muôn vẻ áo dài. Khắp các con phố từ Hồ Gươm, quanh phố Phan Đình Phùng, Phùng Hưng, Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đến các vườn hoa cúc họa mi, những bóng hồng duyên dáng trong tà áo dài luôn là một nét đẹp cuốn hút rất riêng của phụ nữ Hà thành mà hiếm có nơi nào có được. Thành phố những ngày này trở nên đẹp hơn, đáng yêu, đáng sống, đa sắc hơn bao giờ hết.
Thật vui và tự hào khi áo dài giờ đây trở thành đồng phục trong nhiều môi trường làm việc và học tập thường ngày ở các công sở, cơ quan, trường học tại Hà Nội. Không chỉ đẹp, mà mỗi người phụ nữ mặc trên mình tà áo dài còn như được tôn lên niềm tự hào, được tôn vinh thêm vẻ đẹp mềm mại, duyên dáng của người con gái Hà Nội, người con gái Việt Nam.
Những câu ca trong bài "Em trong mắt tôi" của nhạc sĩ Nguyễn Đức Cường càng thấy được tình yêu với tà áo dài truyền thống.
“Em đẹp không cần son phấn
Xinh... thật xinh... thật xinh,
rất hiền
Không quần jeans, giày cao gót
Em chọn riêng mình em áo dài duyên dáng”…
Chiếc áo dài xưa có độ dài vừa phải, không lê thê quệt gót mà cũng không ngắn đến quá đầu gối. Eo áo rộng nhưng cũng tạo dáng thắt đáy lưng ong. Vai tròn, ngực tròn dù bên trong chỉ mặc áo yếm. Áo dài xưa thường có màu trắng hoặc màu nhẹ nhàng như màu xanh da trời, tím nhạt, tuyền đen, vàng mơ mặc với quần đen hoặc trắng, ống quần không quá rộng...". Chất liệu chủ yếu bằng lụa là.
Trong vòng 100 năm qua, chiếc áo dài Việt Nam đã trải nhiều biến đổi, thăng trầm. Từ chiếc áo dài thụng năm thân, áo rộng, không eo, dài đến gần mắt cá chân của phụ nữ Việt Nam đầu thế kỷ đến năm 1935, họa sĩ Lê Phổ là người đầu tiên cách tân chiếc áo dài Việt Nam. Ông vẫn giữ phong cách của áo dài cổ điển nhưng tiện dụng và tân thời hơn với áo dài được may ôm hơn, cổ thấp hơn, chiều dài áo ngắn hơn một đoạn.
Chiếc áo dài truyền thống Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đã qua những giai đoạn biến thiên và phát triển, những mãi là nét đẹp trường tồn theo năm tháng của người phụ nữ. Thông qua những dịp lễ, Tết, các sự kiện lớn của Thủ đô, hình ảnh, nét đẹp tà áo dài được lan tỏa khắp bạn bè năm châu và là niềm tự hào dân tộc.
Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội được tổ chức từ năm 2016 tới nay, đã trở thành sự kiện mang tính thương hiệu của Thủ đô mỗi dịp thu về. Chiếc áo dài từ “Đại sứ văn hóa” dần trở thành “Đại sứ du lịch”, một sản phẩm du lịch đặc trưng của Hà Nội.
Đây là hoạt động văn hóa nhằm bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, khai thác, tôn vinh nét đẹp văn hóa Việt Nam đặc sắc với tà áo dài truyền thống của dân tộc, là biểu tượng của phụ nữ Việt Nam, làm nguồn sáng tạo truyền cảm hứng đến thế hệ trẻ về văn hóa truyền thống, tính tự tôn dân tộc.
Trong khuôn khổ lễ hội có chương trình biểu diễn nghệ thuật, đồng diễn và diễu hành áo dài của Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội với sự tham gia của 1.000 người đến từ các cơ quan, đơn vị, DN và Nhân dân, trong đó có đại diện của khoảng 50 gia đình tiêu biểu của Hà Nội đã thực sự trở thành điểm nhấn góp phần tôn vinh tà áo dài truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Chiếc áo dài sẽ từ “Đại sứ văn hóa” đang dần trở thành “Đại sứ du lịch”, một sản phẩm du lịch đặc trưng và là niềm kiêu hãnh của con gái Hà thành.
Gần 1.000 người đồng diễn áo dài trên phố đi bộ Hồ Gươm | |
Bữa tiệc áo dài Việt trên phố |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại