Thứ sáu 19/04/2024 15:35

Mê tín dị đoan - càng tin, càng tốn-Kỳ cuối: Kiên quyết bài trừ

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Việc đấu tranh với các hoạt động mê tín dị đoan đồng bóng, bói toán là cần thiết để xã hội văn minh hơn, phát triển lành mạnh hơn.
Cơ quan chức năng cần tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để người dân hiểu, cảnh giác đối với những chiêu trò lừa đảo
Cơ quan chức năng cần tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để người dân hiểu, cảnh giác đối với những chiêu trò lừa đảo.

Có thể bị khởi tố hình sự

Về sự việc cô đồng “đúng nhận sai cãi” T.T.H (Hải Dương) bị tố nhận tiền làm lễ để chữa khỏi bệnh, TS Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhận định: Nếu cô đồng này đưa ra thông tin là có thể chữa được bệnh bằng cách cúng bái thì đây là hành vi gian dối bởi người này không có chức năng khám chữa bệnh theo quy định pháp luật.

TS Luật sư Đặng Văn Cường phân tích hành vi bói toán, đồng cốt, tử vi, tướng số là hành vi mê tín dị đoan. Nếu hành vi này khiến cho người khác sợ hãi, lo lắng mà phải chi tiền thì đây là hành vi vi phạm pháp luật. Nếu thực hiện các hoạt động mê tín dị đoan khiến cho người khác sợ hãi để phải trao tài sản cho thầy bói, thầy cúng thì đây là hành vi cưỡng đoạt tài sản. Người thực hiện các hoạt động để đe dọa uy hiếp tinh thần của người khác nhằm chiếm đoạt tài sản sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 170 BLHS.

Còn trường hợp các thầy bói, cô đồng đưa ra thông tin sai sự thật về bệnh tật, rủi ro của người khác và cho rằng bản thân mình có thể cúng, lễ để tránh được bệnh tật rủi ro khiến cho người khác phải nộp tiền cho các thầy bói, cô đồng thì đây là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Người đưa ra thông tin gian dối về khả năng chữa bệnh bằng cúng bái để chiếm đoạt số tiền từ 2.000.000 đồng trở lên sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 174 BLHS với chế tài cao nhất có thể tới 20 năm tù hoặc tù chung thân.

“Khi nạn nhân có đơn trình báo tố giác tội phạm thì CQĐT sẽ vào cuộc xác minh làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật. Nếu có căn cứ cho thấy người này đã đưa thông tin sai sự thật về khả năng chữa bệnh bằng cúng bái để chiếm đoạt tài sản thì CQĐT sẽ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với người phụ nữ này về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 BLHS”, Luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh.

Đẩy mạnh bài trừ mê tín dị đoan

Luật sư Cường cho biết mặc dù đã có nhiều người bị xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí có những người đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hành nghề mê tín dị đoan, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng hành vi này vẫn diễn ra nhiều trong đời sống xã hội và đặc biệt là trên không gian mạng thời gian gần đây bởi nhiều nguyên nhân khác nhau.

Đó là các thầy bói, cô đồng, cậu đồng lợi dụng tâm lý tò mò của người dân, bói toán tướng số theo kiểu nói dựa để lừa những người nhẹ dạ, cả tin, khiến họ tin tưởng, sa đà vào các hoạt động bói toán, cúng lễ nhảm nhí rồi chiếm đoạt tài sản... Nhiều người biết mình bị lừa, bị chiếm đoạt tài sản thông qua hoạt động bói toán, tướng số nhưng không dám tố cáo vì sợ xấu hổ, sợ mang tiếng và sợ ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình nên đã ngậm đắng nuốt cay. Nhiều người cũng vì mê tính dị đoan không dứt ra được, tin vào lời nhảm nhí mà mất tiền, mất thời gian công sức, tan vỡ hạnh phúc gia đình nhưng vẫn cho rằng đó là số phận, vẫn tin vào hành vi của các đối tượng lừa đảo nên không tố cáo, thậm chí còn cản chở cơ quan chức năng phát hiện sự việc để xử lý. Hoạt động hành nghề mê tín dị đoan của nhiều đối tượng thực hiện tinh vi, che giấu bởi các hoạt động tôn giáo, mang danh tôn giáo để chống đối với lực lượng chức năng nên việc xử lý có những nơi có phần e ngại, thiếu kiên quyết nên chưa hiệu quả, khiến các đối tượng vẫn tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Cùng với sự phát triển của xã hội, hoạt động giao tiếp của con người trên không gian mạng ngày càng nhiều thì các hoạt động bói toán, tướng số trên mạng xã hội ngày càng nhiều. Thông qua mạng xã hội, thông tin được lan tỏa nhanh chóng, lượng tiếp cận thông tin rất nhiều, nhiều người nhẹ dạ cả tin dễ trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo. Từ hoạt động bói toán tướng số online, nhiều người nhẹ dạ cả tin đã tìm đến các đối tượng này để nộp tiền làm lễ, thực hiện các hoạt động bói toán, cúng bái mê tín dị đoan. Hoạt động bói toán trên không gian mạng vì thế diễn như nấm sau mưa, khó kiểm soát và đang gây nhũng nhiễu trên không gian mạng.

Theo Luật sư Cường, lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi không những là hành vi vi phạm pháp luật mà còn là hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội, gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội. Pháp luật Việt Nam ghi nhận quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo. Theo đó, mọi người đều có quyền có niềm tin tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào đó. Niềm tin vào đứng siêu nhiên không phải là xấu, đôi khi niềm tin tôn giáo giúp con người ta vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, tin vào những điều tốt đẹp, từ bỏ những thói hư, tật xấu để làm những điều tốt, điều thiện.

Tuy nhiên nếu niềm tin tôn giáo quá mức, thiếu cơ sở khoa học, không phù hợp với quy luật khách quan, suy nghĩ và hành động bất thường đến mức gọi là mù quáng, bị lợi dụng thì sẽ gọi là "mê tín". Hành vi mê tín dẫn đến thực hiện những hành động phản khoa học, không phù hợp với đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật thì đó là "dị đoan" và sẽ gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội. Những người mê tín dị đoan có thể khiến cho gia đình tan vỡ hạnh phúc, tiêu tán tài sản, ảnh hưởng đến đời sống, công việc, không chú tâm lao động sản xuất, làm ra của cải vật chất mà luôn có suy nghĩ nghi ngờ, tin vào những điều huyền hoặc, thần bí.

Bởi vậy cơ quan chức năng cần tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để người dân hiểu, cảnh giác, nên án, bài trừ những chiêu trò lừa đảo. Đồng thời cần phải kiên quyết kiểm tra, rà soát và kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh những đối tượng thực hiện hành vi hành nghề mê tín dị đoan, lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hoạt động mê tín, bói toán.

Theo TS Luật sư Đặng Văn Cường, giáo lý của đạo Phật không có nội dung nào ghi nhận về cúng giải hạn. Vận hạn của con người theo quan điểm của đạo Phật là do trong quá khứ tích đức hành thiện hay làm điều ác mà ra. Để bớt đi vận hạn thì giải pháp không phải là cúng lễ mà là làm việc tốt, việc thiện, biết nhận ra sai lầm của mình để sửa sai, đó là tu, là sửa bản thân mình, cố gắng hoàn thiện bản thân mình để có những điều tốt đẹp. Việc cúng lễ không phải là giải pháp để khiến những người cúng lễ gặp may mắn hoặc có thể xóa đi những vận hạn, rủi ro. Bởi vậy, việc đấu tranh với các hoạt động mê tín dị đoan đồng bóng, bói toán là cần thiết để xã hội văn minh hơn, phát triển lành mạnh hơn.
Kỳ 1: Chữa bệnh, “kéo chồng về” bằng… làm lễ
Mê tín dị đoan - còn tin, còn tốn-Kỳ 2: Muôn kiểu xem bói qua mạng
Mê tín dị đoan - còn tin, còn tốn-Kỳ 3: Cái giá của lòng tham
Duy Linh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động