Thứ ba 21/05/2024 10:07

Mặt bằng nghìn tỷ từng gây “sốc” ở Thanh Hóa giờ ra sao?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trải qua quá trình đấu giá khốc liệt, một doanh nghiệp tại Thanh Hóa đã trúng đấu giá khu đất vàng ở vị trí đắc địa, thiết lập kỷ lục khi tăng thu hơn 548 tỷ đồng cho ngân sách từ việc đấu giá đất tại 1 mặt bằng khu dân cư. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm dự án vẫn gần như "án binh bất động", hiện trạng hoang hóa, là nơi chăn thả trâu, bò.
Mặt bằng 3241 từng gây chấn động sau 30 lần ngả giá tại phiên đấu giá
Mặt bằng 3241 từng được kỳ vọng sẽ trở thành điểm nhấn về đô thị hiện đại phía Đông của TP Thanh Hoá hiện vẫn là bãi đất hoang sau 3 năm trúng đấu giá.

Năm 2019, sau khi trải qua 30 vòng đấu giá, liên danh Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng ADI - Công ty cổ phần Đông Sơn Thanh Hóa (viết tắt là liên danh ADI - Đông Sơn) là đơn vị trúng đấu giá khu đất thuộc dự án khu dịch vụ thương mại, văn phòng và dân cư đô thị Đông Hương (phường Đông Hải, TP Thanh Hóa), gọi tắt theo quyết định trúng đấu giá là MB 3241. Với giá trúng thầu hơn 1.200 tỷ đồng tăng thu ngân sách Nhà nước hơn 548 tỷ đồng, mặt bằng có tổng diện tích gần 58.000m2, gồm 375 lô đất (200 lô liền kề và 175 lô biệt thự).

Ở thời điểm đó, thị trường bất động sản đang rất sôi động, MB 3241 lại ở vị trí đất vàng của TP Thanh Hóa nên được xem là món “hàng hot” khiến hàng chục ông lớn trong ngành bất động sản quan tâm. Quá trình tổ chức đấu giá mặt bằng này cũng vô cùng gay cấn và kịch tính khi phải tổ chức đến lần thứ 3 mới thành công.

Theo đó, MB 3241 trước khi thuộc về liên danh ADI - Đông Sơn đã được UBND TP Thanh Hóa 2 lần tổ chức đấu giá cấp quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, cả 2 lần tổ chức đều thất bại, hủy bỏ đấu giá khi bị cơ quan chức năng "tuýt còi" vì các lý do khác nhau.

Sau nhiều thủ tục, cuối cùng, ngày 26/9/2019, tại Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản Thanh Hóa đã diễn ra buổi đấu giá quyền sử dụng đất dự án trên, kết quả liên danh ADI - Đông Sơn trúng đấu giá với số tiền hơn 1.215 tỷ đồng sau tới 30 vòng đấu. Như vậy, với giá khởi điểm là hơn 666 tỷ đồng, cuộc đấu giá này đã tăng thu thêm cho ngân sách Nhà nước hơn 548 tỷ đồng.

Với sự cạnh tranh quyết liệt cùng những diễn biến khó lường, việc đấu giá khu đất trên được nhiều nhà đầu tư đánh giá là cuộc đấu giá bất động sản kịch tính và tốn nhiều “giấy mực” nhất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa từ trước tới nay.

Cỏ mọc um tùm, biển bảng bán đất dán tràn lan nhưng hơn 3 năm qua chưa có trường hợp nào xây dựng nhà ở tại đây
Cỏ mọc um tùm, biển bảng bán đất dán tràn lan nhưng hơn 3 năm qua chưa có trường hợp nào xây dựng nhà ở tại đây.

Những tưởng với sự tranh giành quyết liệt trong cuộc đấu giá, dự án khu đô thị Đông Hương, TP Thanh Hóa sẽ được tiến hành nhanh chóng và trở thành điểm nhấn về đô thị hiện đại phía Đông của TP Thanh Hóa. Tuy nhiên, sau khi về tay liên danh ADI - Đông Sơn, dự án khu đô thị Đông Hương bỗng dưng "chết lâm sàng" cùng nghìn tỷ của nhà đầu tư bị "mắc kẹt", trong khi đó nguồn lực đất đai bị lãng phí.

Theo ghi nhận thực tế của phóng viên tại khu đất trên, mặc dù đã được đầu tư sẵn cơ sở hạ tầng, đường điện, nước, nhưng hơn 3 năm qua kể từ thời điểm trúng đấu giá, hiện trạng khu đất vẫn là những bãi đất trống với cỏ dại mọc um tùm, và gần như không ghi nhận hoạt động xây dựng như kỳ vọng.

Nhiều hộ dân gần đó đã tận dụng mặt bằng bỏ hoang thành bãi chăn, thả trâu, bòa
Nhiều hộ dân gần đó đã tận dụng mặt bằng bỏ hoang để thả trâu, bò.

Các mặt bằng dự kiến là những biệt thự, nhà liền kề tại dự án thì hiện trở thành nơi tận dụng chăn thả bò của một số hộ gia đình gần dự án. Đồng thời, do cỏ mọc, không người trông coi nên khu vực này cũng đã xuất hiện rác thải do một số người dân thiếu ý thức vứt lại. Thậm chí, đây còn là địa điểm yêu thích của các đối tượng nghiện tìm đến để hút chích, sử dụng ma túy.

Mặt bằng nghìn tỷ bị biến thành điểm vứt rác thải gây ô nhiễm môi trường
Mặt bằng nghìn tỷ bị biến thành điểm vứt rác thải gây ô nhiễm môi trường.

Tưởng chừng như sự việc đi vào "bế tắc", thì ngày 10/10/2022, Công ty cổ phần Đông Sơn Thanh Hóa, đại diện liên danh ADI - Đông Sơn đã đưa máy móc, rầm rộ tổ chức lễ khởi công xây dựng dự án.

Sau khi tái khởi động cho có, dự án lại tiếp tục đóng băng khiến máy móc và trang thiết bị của đơn vị này lại nằm phơi sương tại đây
Sau khi tái khởi công cho có lệ, dự án lại tiếp tục đóng băng, số máy móc cùng trang thiết bị của chủ đầu tư cũng vì thế mà nằm phơi sương tại đây.
Vật liệu xây dựng được tập kết nhưng không có dấu hiệu của việc thi công xây dựng tại đây
Vật liệu xây dựng được tập kết nhưng không có dấu hiệu của việc thi công xây dựng tại đây.

Tuy nhiên, sau khi khởi công "cho có", tới nay dự án lại tiếp tục "đắp chiếu", tại khuôn viên dự án một số máy công trình nằm chỏng chơ, phơi sương gió. Với việc dự án tiếp tục chậm tiến độ khiến nhiều người dân thành phố cảm thấy thất vọng, quan trọng hơn, việc khu "đất vàng" chậm đưa vào khai thác gây lãng phí, cũng như khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai của xã hội.

Mặt bằng "trăm tỷ" bị chiếm dụng vỉa hè, lòng đường để đúc cống bê tông
"Núi rác” khổng lồ giữa lòng thành phố Thanh Hóa
TP Thanh Hoá chỉ đạo di rời bãi rác sau phản ánh của Pháp luật & Xã hội
UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo xử lý vi phạm sau phản ánh của Pháp luật & Xã hội
Huy Hoàng
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động