Ly kỳ vụ gài ma túy vào xe máy để trả thù tình địch
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCác đối tượng gài ma tuý vào xe tình địch để trả thù bị CQCA bắt giữ (Ảnh: CACC) |
Gài ma tuý vào xe người khác để vu khống
CA quận Long Biên (Hà Nội) vừa tạm giữ hình sự Nguyễn Thành Công (SN 1993, trú tại quận Long Biên, Hà Nội), Nguyễn Văn Linh (SN 1992, quê ở tỉnh Hòa Bình), Triệu Quang Anh (SN 1988, quê Hòa Bình) và Tạ Thị Thương (SN 1994, vợ của Linh) về các tội “Mua bán, tàng trữ trái phép ma túy” và “Vu khống”.
Trước đó, vào ngày 21/8, CA phường Phúc Đồng, quận Long Biên nhận tin báo về việc trong cốp một chiếc xe máy Honda SH đang để dưới hầm tòa nhà chung cư tại phường Phúc Đồng có ma túy. Ngay sau đó, CA phường Phúc Đồng đã phối hợp với Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy, CA quận Long Biên tiến hành xác minh chiếc xe máy trên của anh L. (SN 2000, trú tại Long Biên, Hà Nội).
Qua kiểm tra chiếc xe, phát hiện trong cốp xe có 2 túi nilon đựng tinh thể màu trắng là Ketamine có khối lượng 1,162 gam; 1 túi nilon đựng 2 viên nén màu xanh là MDMA có khối lượng 0,971 gam và 1 túi nilon đựng chất bột màu cam.
Anh L. khai không biết nguồn gốc số ma túy trong cốp xe máy là của ai. Theo anh L. cho biết, thời gian gần đây có mâu thuẫn trong chuyện tình cảm nam nữ. Nhận thấy vụ việc phức tạp, có dấu hiệu của việc vu khống người khác, CA quận Long Biên đã tập trung lực lượng khẩn trương điều tra xác minh, làm rõ vụ việc.
CA quận Long Biên xác định, trước đây Nguyễn Văn Linh có quan hệ tình cảm với chị H.. Sau đó, chị H. đã bỏ đi sinh sống với anh L.. Do đó, Linh đã thuê Nguyễn Thành Công để tìm địa chỉ nơi ở mới của chị H.. Công gợi ý cho Linh giải quyết anh L. bằng cách cho ma tuý vào cốp xe máy của anh L..
Đến sáng 21/8, Nguyễn Văn Linh cùng vợ là Tạ Thị Thương, đi xe ô tô của Triệu Quang Anh từ Hoà Bình xuống Hà Nội để giải quyết việc với chị H. và anh L.. Trên đường đi, Linh có nhờ và chuyển tiền cho Quang Anh để mua 1 chỉ Ketamine chuyển cho Nguyễn Thành Công.
Nhận được ma tuý, Công đã sử dụng một phần, phần còn lại Công cất riêng vào túi và giã nhỏ thêm mấy viên thuốc tây giả là ma tuý để đưa cho nhóm của Linh khi gặp mặt. Tuy nhiên, nhóm của Linh phát hiện gói ma tuý là giả, sợ không đủ liều lượng để cho anh L. đi tù, nên Quang Anh và Linh thống nhất mua thêm 2 viên thuốc lắc và 1 gói ma túy, loại nước vui. Sau khi cho ma túy vào cốp xe của anh L. để vu khống, các đối tượng đã báo cho cơ quan công an biết trong cốp xe của anh L. có chứa ma tuý...
Ngày 25/8, CA quận Long Biên đã bắt giữ 4 đối tượng Nguyễn Thành Công, Nguyễn Văn Linh, Triệu Quang Anh, Tạ Thị Thương. Tại cơ quan điều tra, các đối tượng đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội.
Chế tài xử lý các hành vi vi phạm
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, với hành vi mua ma túy giấu vào xe người khác, có thể thấy đây là hành vi được cấu thành từ 2 hành vi nhỏ hơn: mua ma túy và giấu vào xe người khác. Mỗi hành vi này lại đủ điều kiện để cấu thành một tội danh là tội “Mua bán trái phép ma túy” và tội “Vu khống”.
Đối với hành vi vu khống người khác, luật sư Nguyễn Hồng Thái cho rằng, hành vi bịa đặt hoặc lan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền là hành vi vi phạm pháp luật.
Đối tượng vì tư thù cá nhân dẫn đến việc phạm tội, hành vi của các đối tượng gây nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến danh dự, uy tín, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác và gây mất ổn định trật tự xã hội tại địa phương. Người vi phạm có thể bị xử lý theo quy định tại Điều 156, Bộ luật Hình sự năm 2015. Ngoài ra, theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, cá nhân bị ảnh hưởng bởi thông tin sai sự thật có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin sai sự thật xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.
Cũng theo luật sư Nguyễn Hồng Thái, đối với hành vi mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy, Nhà nước nghiêm cấm mọi cá nhân, tổ chức mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy, nhằm đảm bảo an ninh trật tự và sự phát triển lành mạnh cho xã hội. Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi và khối lượng ma túy mà người phạm tội sẽ bị xử lý với các khung hình phạt khác nhau theo quy định Điều 249 và Điều 251, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Căn cứ theo Điều 249, Bộ luật Hình sự năm 2015 với hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy, người được xác định vi phạm có thể nhận mức phạt với khung hình phạt thấp nhất là 1 năm tù và mức phạt với khung hình phạt cao nhất là chung thân.
Căn cứ theo Điều 251, Bộ luật Hình sự năm 2015 với hành vi mua bán trái phép chất ma túy các đối tượng có thể nhận mức phạt với khung hình phạt thấp nhất là 2 năm tù và mức phạt với khung hình phạt cao nhất là tử hình. Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 23, Nghị định 144/2021/NĐ-CP, người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy thì có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
Thanh thiếu niên chặt biển số xe sẽ bị xử lý thế nào? | |
Tình huống pháp lý vụ dùng điện bẫy chuột gây chết người |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại