Thanh thiếu niên chặt biển số xe sẽ bị xử lý thế nào?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênMột nhóm thanh thiếu niên có hành vi chặt biển số xe, bị Cơ quan Công an tạm giữ (Ảnh: CACC) |
Học theo TikTok chặt biển số xe
Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ chặt biển số xe máy. Tình trạng này nổi lên như một vấn đề nghiêm trọng tại nhiều địa phương, không chỉ gây thiệt hại tài sản mà còn phản ánh sự ảnh hưởng tiêu cực từ mạng xã hội, làm dấy lên lo ngại về hành vi của giới trẻ, đặc biệt khi năm học mới đang đến gần.
Mới đây, ngày 4/9, CA huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang đã xử lý 2 thanh niên 15 tuổi “chặt biển số xe máy” của người đi đường trên địa bàn xã Đạo Đức. Trước đó, khoảng 20h, ngày 3/9, tại km9, Quốc lộ 2 đường Hà Giang đi Tuyên Quang thuộc địa phận thôn Làng Nùng, xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên, xuất hiện 2 đối tượng là Đinh Tuấn H. và Lý Trường G., cùng SN 2009, đang là học sinh lớp 10, trú tại thôn Làng Nùng, xã Đạo Đức, điều khiển xe mô tô Deter màu trắng, mang BKS 23AA - 057.50, dùng dao chuôi gỗ truy đuổi, chặn xe 2 thanh niên khác đang lưu thông trên đường Quốc lộ 2 qua địa phận xã Đạo Đức, rồi dùng dao chém đứt phần nhựa đuôi xe mô tô mang BKS 23 AA – 080.xx của L.T.P. và C.T.N. (cùng SN 2007) trú tại TP Hà Giang với mục đích chiếm đoạt biển số xe để “khoe chiến tích” trên mạng xã hội.
Sau đó, L.T.P. đến CQCA để trình báo sự việc. Nhận thấy tính chất, mức độ nghiêm trọng của vụ việc, CA huyện Vị Xuyên đã chỉ đạo khẩn trương huy động lực lượng, tập trung điều tra phát hiện xử lý 2 đối tượng trên. Đáng chú ý là các đối tượng này còn rất trẻ, học theo xu hướng trên mạng xã hội để thực hiện hành vi phạm tội.
Trước đó, ngày 25/8, CA tỉnh Bắc Giang cho biết, Cơ quan CSĐT CA huyện Lục Ngạn vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can 8 đối tượng về hành vi cướp tài sản. Theo điều tra, ngày 13/8, CA huyện Lục Ngạn tiếp nhận trình báo về việc 8 đối tượng điều khiển xe mô tô với tốc độ cao áp sát xe người đi đường để chặt biển số xe ở xã Phong Vân và xã Phì Điền. Đã có 2 trường hợp bị chặt biển số xe.
Đội Cảnh sát hình sự CA huyện Lục Ngạn sau đó chủ trì phối hợp với CA 3 xã Phì Điền, Phong Vân và Biên Sơn khẩn trương tiến hành rà soát, xác minh làm rõ những thanh thiếu niên gây ra 2 vụ việc và khởi tố vụ án, khởi tố bị can với nhóm đối tượng này. Đáng nói, những thanh thiếu niên này còn rất trẻ, học theo xu hướng trên mạng xã hội để thực hiện hành vi phạm tội.
Cần biện pháp giáo dục cấp thiết
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, trong bối cảnh gia tăng các vụ việc thanh thiếu niên chặt biển số xe máy, việc áp dụng pháp luật đối với người chưa thành niên phạm tội cần được cân nhắc kỹ lưỡng.
Theo quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự, hành vi chặt biển số xe máy có thể được xử lý theo tội tội “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản”. Hành vi này dẫn đến thiệt hại cụ thể cho tài sản, chẳng hạn như làm hỏng phần nhựa của xe. Đây là căn cứ chính để xử lý. Mặc dù hành vi không có mục đích chiếm đoạt tài sản, nhưng việc gây thiệt hại cho tài sản vẫn có thể bị xử lý theo tội danh đã nêu.
Dưới góc độ pháp lý, hình phạt với tội danh này được quy định tại Điều 178, Bộ luật Hình sự 2015. Theo đó, người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Ngoài ra, theo Điều 12, Bộ luật Hình sự năm 2015, người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi chỉ bị xử lý hình sự đối với các tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Đối với các hành vi ít nghiêm trọng hơn, như hành vi hủy hoại tài sản, các đối tượng này có thể không bị xử lý hình sự mà sẽ được áp dụng các biện pháp giáo dục và cải tạo.
Luật sư Nguyễn Hồng Thái nêu quan điểm, việc xử lý các đối tượng chưa thành niên cần tuân theo nguyên tắc khoan hồng của pháp luật Việt Nam. Pháp luật không chỉ hướng đến việc trừng phạt mà còn chú trọng đến việc giáo dục, hỗ trợ tâm lý và tạo điều kiện cho sự tái hòa nhập xã hội của các em.
Việc giáo dục và cải tạo là rất quan trọng nhằm giúp các em nhận thức được sai lầm và có cơ hội sửa đổi hành vi, hướng tới sự phát triển lành mạnh và tích cực hơn trong tương lai.
Qua những vụ việc trên, luật sư Nguyễn Hồng Thái cho rằng, các vụ việc chặt biển số xe đang trở thành một xu hướng đáng lo ngại. Sự phát tán của các video và hình ảnh trên mạng xã hội đã tác động đến các hành vi này, khiến giới trẻ tìm cách gây sự chú ý bằng những hành động vi phạm pháp luật.
Luật sư Nguyễn Hồng Thái cho rằng, gia đình cần có trách nhiệm giáo dục con cái về đạo đức và pháp luật từ sớm. Việc quản lý thời gian sử dụng mạng xã hội, thiết lập các bộ lọc nội dung và khuyến khích tham gia các hoạt động ngoại khóa là các biện pháp cần thiết. Gia đình cũng nên tạo điều kiện cho con cái phát triển các kỹ năng xã hội tích cực và xây dựng lối sống lành mạnh.
Nhà trường đóng vai trò then chốt trong việc giáo dục pháp luật và đạo đức, cần tích hợp các bài học về quyền và nghĩa vụ, các quy định pháp luật vào chương trình giảng dạy. Bên cạnh đó, việc tổ chức các buổi học ngoại khóa, hội thảo và hoạt động tuyên truyền sẽ giúp học sinh nhận thức rõ hơn về hậu quả của hành vi vi phạm pháp luật.
Nhóm thanh thiếu niên ở Hà Nội có sở thích chặt biển số xe máy để thị uy |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại