Lý do khiến nhiều đối tượng bất chấp pháp luật vẫn mua bán trái phép "khí cười"
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênSố tang vật lực lượng chức năng thu giữ được tại nhà đối tượng Ong Văn Tuấn. |
Kho "khí cười" bị khám phá như thế nào?
Ngày 15/3, CA huyện Gia Lâm phối hợp cùng Cục Quản lý thị trường Hà Nội làm nhiệm vụ tại một khu đô thị cao cấp trên địa bàn huyện Gia Lâm đã phát hiện nghi vấn và kiểm tra, làm rõ đối tượng Ong Văn Tuấn, SN 1996, ở thị trấn Neo, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, sử dụng Facebook "Tuấn versace", cùng số điện thoại đuôi tứ quý 6 rao bán "bóng cười" quanh khu vực này. Thời điểm này, đối tượng Tuấn vận chuyển một bình khí N20 trọng lượng 20kg, mục đích bán cho khách.
Qua đấu tranh mở rộng, Tuấn khai đã nhập 55 bình khí N2O trôi nổi trên thị trường và cất giấu tại căn hộ trên tầng 24 ở một khu đô thị trên địa bàn xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm. Không chỉ trực tiếp giao dịch và vận chuyển "bóng cười", Tuấn còn thuê 2 đồng hương là Ong Thế Minh, SN 2003 và Nguyễn Quang Huy, SN 2003, chuyên vận chuyển bình khí N2O khi khách có nhu cầu.
Mỗi khi có khách đặt hàng qua Zalo, Facebook, Tuấn sẽ trực tiếp vận chuyển hoặc điều Minh và Huy đi giao. Trước khi nhận hàng, khách phải đặt cọc bình khí N2O, đến khi trả bình sẽ được nhận lại. Mỗi giao dịch trót lọt, nhóm Tuấn thu lãi không dưới 300.000 đồng/bình.
Ngoài việc tịch thu toàn bộ số bình khí N2O, cơ quan chức năng đang lập biên bản xử phạt các cá nhân liên quan đến vụ việc trên.
Trước đó, ngày 2/2, tại khu đô thị Đặng Xá, xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội, Đội cảnh sát kinh tế, CA huyện Gia Lâm đã bắt quả tang đối tượng Lương Minh Hoàng, SN 1997, ở xã Cao Lâu, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn đang có hành vi vận chuyển 2 bình khí N20 (còn được gọi là "khí cười") với tổng trọng lượng 30kg.
Làm việc với lực lượng chức năng, đối tượng Hoàng đã cho biết nơi đầu nguồn cung cấp bình khí bóng cười ở địa bàn quận Đống Đa. Ngay sau đó, CA huyện Gia Lâm đã phối hợp cùng Phòng Cảnh sát kinh tế, CA TP Hà Nội, CA quận Đống Đa cùng Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã nhanh chóng "đột kích" nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm tại địa chỉ số 12 ngách 62 Đặng Văn Ngữ, phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội.
Thời điểm kiểm tra, kho chứa các bình khí N20 này đang được các đối tượng cất giấu tại một địa điểm là shop thời trang. Kết quả bước đầu lực lượng chức năng đã phát hiện tạm giữ 187 bình khí N2O các loại không có nguồn gốc xuất xứ và 60 vỏ bình đã qua sử dụng.
Bổ sung chế tài để ngăn chặn kinh doanh, mua bán khí cười
"Khí cười" là chất có công thức hóa học N2O (Dinitơ monoxit hay nitrous oxide), không màu, không mùi, nhẹ hơn không khí. Khi người dùng hít vào thì hợp chất hóa học nói trên làm chậm thời gian phản ứng của cơ thể, khiến người này có cảm giác hưng phấn, vui vẻ.
"Khí cười" cũng có tác dụng gây mê, an thần, giảm đau và được các nha sĩ, bác sĩ sản khoa, bác sĩ thể thao sử dụng thường xuyên từ đầu thế kỷ XX. Ngoài ra, khí này còn được sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp để làm kem bông tươi, tăng năng suất động cơ xe.
Việc sử dụng thường xuyên N2O có thể gây ra các rối loạn như: Cảm giác châm chích ở đầu chi và đi đứng loạng choạng, các rối loạn khí sắc, rối loạn trí nhớ, rối loạn giấc ngủ, các rối loạn nhịp tim và hạ huyết áp, thiếu máu, thiếu B12…, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Quy định hiện nay nêu rõ: N2O được quản lý chuyên ngành bởi Bộ Công Thương, thuộc danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp (số thứ tự 120, Phụ lục II Nghị định 113/2017/NĐ-CP ngày 9/10/2017 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất).
Đáng chú ý, N2O vẫn chưa được xếp vào danh mục hóa chất cấm sử dụng và hạn chế phạm vi sử dụng ban hành trong Thông tư 47/2017/TT-BYT của Bộ Y tế, cũng như không được xếp vào danh mục các chất ma túy và tiền chất ban hành kèm theo Nghị định 73/2018/NĐ-CP và Nghị định 60/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Như vậy, việc nhập khẩu, mua bán chất N2O để sử dụng trong công nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội… vẫn được thực hiện nhưng phải đảm bảo đúng những quy định chặt chẽ của pháp luật.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Thái - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, các hành vi vi phạm pháp luật về sản xuất, kinh doanh N2O được xử lý theo Nghị định 115/2016/NĐ-CP ngày 8/7/2016 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 163/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón và vật liệu nổ công nghiệp).
Cụ thể, Khoản 4 và Khoản 5 Điều 10 Chương 2 Nghị định 163/2013/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 12 - 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh mà không có Giấy phép hạn chế sản xuất, kinh doanh hóa chất theo quy định; Sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh khi Giấy phép hạn chế sản xuất, kinh doanh hóa chất được cấp đã hết hiệu lực.
Phạt tiền từ 20 - 25 triệu đồng đối với hành vi tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh khi đã bị cơ quan quản lý có thẩm quyền đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh, tước quyền sử dụng hoặc thu hồi Giấy phép hạn chế sản xuất, kinh doanh hóa chất.
“Khí N2O nếu được sử dụng đúng cách, theo chỉ dẫn của bác sĩ thì không gây hại cho cơ thể con người, nhưng nếu không được sử dụng đúng mục đích, đúng quy định thì có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe của người sử dụng. Vì vậy, mọi người cần có những hiểu biết đầy đủ để bảo vệ sức khỏe của chính mình và cộng đồng”, luật sư Thái khuyến cáo và kiến nghị, hoạt động sản xuất, kinh doanh khí N2O trái phép mang lại lợi nhuận cao nhưng mới chỉ bị xử lý bởi chế tài hành chính nên nhiều đối tượng vẫn cố ý phạm pháp. Để ngăn chặn tình trạng này, cần phải phạt hành chính thật nặng hoặc xử lý hình sự đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh trái phép khí N2O.
Nguy cơ tổn hại sức khỏe nếu lạm dụng khí cười Theo nhiều chuyên gia y tế, việc thường xuyên sử dụng “khí cười” có thể gây ra rối loạn cảm giác, đi đứng loạng choạng, rối loạn trí nhớ hoặc nhịp tim, hạ huyết áp, ức chế vitamin B12 và axit folic trong cơ thể. Dùng khí N2O quá liều sẽ dẫn đến rối loạn vận động, suy giảm nhận thức, co giật. Nếu hít trực tiếp từ bình xịt thì có thể bị phỏng lạnh niêm nạc hầu họng và đường hô hấp. Thực tế, đã có không ít trường hợp nhập viện do sử dụng “bóng cười” và nhiều chất kích thích khác quá liều. Nhiều người bị di chứng nặng nề khi lạm dụng “khí cười” trong những cuộc vui. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại