Thứ ba 26/11/2024 09:19
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi

Luôn ủng hộ những đề xuất của Hà Nội trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Bên hành lang Quốc hội, phóng viên có cuộc trao đổi với Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi về một số nội dung của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Luôn ủng hộ những đề xuất của Hà Nội trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi trao đổi với PV. Ảnh: H.T

- Thưa ông, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) định hướng phát triển 2 Thành phố trực thuộc Thủ đô. Với việc TP Hồ Chí Minh (TP Hồ Chí Minh) có TP trực thuộc là TP Thủ Đức thì ông có ủng hộ đề xuất này?

- TP Hồ Chí Minh luôn ủng hộ những đề xuất của Hà Nội trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), không lăn tăn về bất kỳ nội dung nào bởi những đề xuất thí điểm cho Thủ đô sẽ là sự tham khảo tốt cho TP Hồ Chí Minh . Tuy nhiên, mô hình TP trong TP tại TP Hồ Chí Minh chỉ mới đang là thí điểm.

Hiện có thể thấy một số điểm tích cực như đạt quy mô đủ lớn để làm được những việc lớn, nhưng do chúng ta chưa có thể chế đồng bộ cho mô hình này. Vì vậy, thời gian qua, TP trong TP mới chỉ hoạt động như một đơn vị cấp quận, huyện. Từ đó, nảy sinh khó khăn ở chỗ một “anh” rất lớn nhưng hoạt động theo cơ chế cấp huyện, tức là mặc chiếc áo quá chật.

Vừa qua, Nghị quyết 98 của Quốc hội cũng tháo gỡ một số vướng mắc như cho thành lập các cơ quan, cho phép một số cơ chế đặc thù, nhất là phân cấp ủy quyền. Vấn đề còn lại là TP Thủ Đức phải xây dựng được đội ngũ đủ mạnh để thực hiện các quyền đó.

Trong giai đoạn hiện nay, các cơ quan của TP Hồ Chí Minh phải có kết nối, tiếp sức “hà hơi” để hỗ trợ TP Thủ Đức. Đồng thời, cần tiếp tục nghiên cứu để có thể chế vượt trội, phù hợp hơn nữa, đủ “lớn” cho cả TP HCM và TP Thủ Đức. Để nói có bài học kinh nghiệm nào không thì tôi mong rằng dự thảo Luật Thủ đô nên nghiên cứu mạnh vấn đề này. Đoàn UBND TP Hà Nội trước đây cũng đã trao đổi với UBND TP HCM, tôi đã nói nên có nhiều đề xuất mạnh để Thủ đô có đủ thẩm quyền và phân cấp mạnh xuống cho cấp dưới. Đi liền với đó là đầu tư cơ sở vật chất, đầu tư công nghệ, xây dựng đội ngũ…

- Nhiều đại biểu cũng cho rằng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là một đạo luật về phân cấp, phân quyền. Vậy theo ông, cần có những quy định ra sao để phân cấp, phân quyền đủ mạnh cho Thủ đô?

- Rất nhiều nội dung mà không thể nói hết trong một vài lời. Quan trọng là phải tiếp cận vấn đề ở chỗ chúng ta đang hoàn thiện hệ thống pháp luật nên không có một luật hay nghị quyết riêng nào có thể giải quyết được tất cả mọi vấn đề. Chúng ta vẫn nói hiện còn nhiều “lỗ hổng”, sự chồng chéo, do vậy, cứ phải vừa làm vừa sửa đổi, bổ sung.

Như ông đề cập ở trên, Nghị quyết 98 mang đến luồng không khí mới cho TP Hồ Chí Minh. Xin ông cho biết quá trình triển khai của TP để Nghị quyết 98 đem lại hiệu quả thiết thực?

- TP Hồ Chí Minh đang tích cực triển khai Nghị quyết 98, bước đầu là thuận lợi. Tuy nhiên, có một số nội dung mới cần phải nghiên cứu thêm kinh nghiệm quốc tế, tạo sự đồng thuận giữa các Bộ, ngành. TP đã xác định phải chủ động nhận ra vấn đề, chủ động phối hợp để giải quyết, trong quá trình đó sẽ học tập kinh nghiệm quốc tế như vấn đề tín chỉ carbon, xây dựng TOD, các cơ chế chính sách cho nhà đầu tư chiến lược… Hay trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu, bối cảnh có sự dịch chuyển đầu tư nhất định đều đòi hỏi phải có sự tương tác, học hỏi. Quá trình triển khai nảy sinh vấn đề gì thì TP sẽ tập trung giải quyết.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Hoàng Thư
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động