Luật sư lên tiếng về vụ IDP Việt Nam và Hội đồng Anh cấp hơn 140.000 chứng chỉ sai quy định
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênGiáo viên hướng dẫn thí sinh làm bài thi IELTS. Ảnh: IDP |
Hơn 146.000 chứng chỉ cấp trái quy định
Thanh tra Bộ GD&ĐT kết luận Hội đồng Anh đã cấp sai quy định hơn 90.000 chứng chỉ tiếng Anh trong năm 2022, gồm IELTS, Aptis. Cụ thể, từ đầu năm 2022, Hội đồng Anh cùng các bên đã tổ chức hàng trăm đợt thi trên toàn quốc, dù thời điểm đó chưa được Bộ GD&ĐT cho phép liên kết tổ chức thi và cấp chứng chỉ.
Từ 1/1/2022 đến 9/9/2022, Hội đồng Anh đã cấp 31.871 chứng chỉ Aptis, 44.345 chứng chỉ IELTS. Từ ngày 10/9/2022 đến khi được cấp phép, đơn vị này tiếp tục cấp 6.046 chứng chỉ Aptis, 8.219 chứng chỉ IELTS. Tổng cộng, Hội đồng Anh đã cấp sai quy định 90.481 chứng chỉ tiếng Anh trong năm 2022, gồm 37.917 chứng chỉ Aptis và 52.564 chứng chỉ IELTS.
Theo kết luận thanh tra, động thái này vi phạm các quy định tại Thông tư 11/2022 của Bộ GD&ĐT và Nghị định 86/2018 của Chính phủ. Thanh tra Bộ GD&ĐT cũng kiến nghị Hội đồng Anh rà soát toàn bộ hoạt động và báo cáo Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) về hướng xử lý với số chứng chỉ tiếng Anh đã bị cấp sai quy định.
Bên cạnh Hội đồng Anh, kết luận của Thanh tra Bộ GD&ĐT cho thấy, Công ty IDP đã tổ chức thi và cấp 56.230 chứng chỉ IELTS trước thời điểm được Bộ GD&ĐT cho phép liên kết. Trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2022 đến ngày 9/9/2022 (ngày Thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT quy định về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài có hiệu lực), Công ty IDP tổ chức 458 đợt thi tại 31 tỉnh, thành trong cả nước và đã cấp tổng cộng 46.643 chứng chỉ.
Giai đoạn từ ngày 10/9/2022 đến ngày 16/11/2022 (trước ngày Bộ GD&ĐT cho phép Công ty IDP liên kết), Công ty IDP tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ nước ngoài với 9.587 chứng chỉ, vi phạm điểm b, khoản 5 Điều 6 Nghị định số 04/2021/NĐ-CP.
Tổng số chứng chỉ cấp sai quy định của hai đơn vị nêu trên có con số lên tới 146.000 chứng chỉ.
Trưa 9/5, IDP Việt Nam đã có thông báo về sự việc hơn 56.000 chứng chỉ IELTS mà đơn vị này "cấp lậu". Theo đó, IDP Việt Nam khẳng định, các chứng chỉ được cấp trong giai đoạn này vẫn được hơn 12.000 tổ chức trên toàn thế giới công nhận. IDP Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp làm việc chặt chẽ với Bộ GD&ĐT như từ trước đến nay để đảm bảo tuân thủ theo mọi yêu cầu của cơ quan quản lý các cấp sở tại.
Tuy nhiên trong thông báo vắn tắt của mình, IDP không hề đề cập đến sai sót hay xin lỗi về việc cấp phép lậu chứng chỉ, đồng thời chưa đề cập hướng xử lý đối với số lượng chứng chỉ ngoại ngữ mà công ty liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam khi chưa được phép của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền như kết luận của thanh tra Bộ GD&ĐT nêu ra.
Trong khi đó, Hội đồng Anh cũng chính thức lên tiếng về vụ cấp sai quy định 37.917 chứng chỉ Aptis và 52.564 chứng chỉ IELTS trong năm 2022. Hội đồng Anh khẳng định hai kỳ thi và chứng chỉ do đơn vị cấp (IELTS và Aptis) là những kỳ thi đánh giá năng lực ngoại ngữ quốc tế với độ chuẩn hóa cao, được công nhận trên phạm vi toàn cầu.
Theo Hội đồng Anh, tất cả kỳ thi IELTS, Aptis được tổ chức tại Việt Nam luôn tuân thủ đầy đủ các quy định, tiêu chuẩn quốc tế được áp dụng thống nhất trên toàn cầu. Đơn vị này cũng dẫn lại thông báo của Bộ GD&ĐT đưa ra hôm 9/5 về giá trị sử dụng của các chứng chỉ ngoại ngữ được cấp bởi các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam, trong đó nêu rõ các chứng chỉ bị cấp sai quy định "được sử dụng bình thường".
"Do đó, tất cả chứng chỉ IELTS, Aptis được Hội đồng Anh cấp tại Việt Nam đều có nguyên giá trị sử dụng cho các mục đích học tập, làm việc trong nước và quốc tế, cũng như nhập cư ở nước ngoài. Chúng tôi cam kết luôn duy trì chất lượng hoạt động khảo thí theo đúng quy định, tiêu chuẩn của các hội đồng khảo thí quốc tế và Bộ GD&ĐT Việt Nam", đơn vị này thông tin.
Cần phải làm rõ trách nhiệm của đơn vị cấp chứng chỉ và cơ quan quản lý Nhà nước
Theo tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), giảng viên Luật Trường ĐH Thủy Lợi, trong khi thanh tra Bộ GD&ĐT kết luận việc cấp chứng chỉ là sai quy định, cấp trong thời điểm không có sự quản lý của nhà nước, còn Hội đồng Anh thì khẳng định việc cấp chứng chỉ đó là đúng, vẫn đảm bảo chất lượng. Vấn đề này cơ quan chức năng sẽ tiếp tục làm rõ xem nguyên nhân của sự việc này là đâu để xử lý theo quy định của pháp luật.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho biết: "Đến nay quan điểm của Bộ GD&ĐT cho rằng các chứng chỉ tiếng Anh bị cấp sai quy định được "sử dụng bình thường" trong các hoạt động thi cử, tuyển sinh và đào tạo, "không ảnh hưởng tới quyền lợi của người được cấp chứng chỉ". Cũng theo Bộ GD&ĐT thời điểm đó, IDP không là đơn vị duy nhất bị thanh tra liên quan đến hoạt động liên kết tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ.
Vấn đề này cho thấy rõ ràng trong công tác quản lý việc đánh giá năng lực ngoại ngữ quốc tế ở Việt Nam trong thời gian qua đang có những sai sót, lệch pha và còn có thể là sai phạm gây ảnh hưởng đến dư luận xã hội, có thể xâm phạm đến quyền lợi của học viên và chất lượng nguồn nhân lực. Cơ quan chức năng cần tiếp tục làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
Về phía các học viên đã tham gia đánh giá năng lực ngoại ngữ để được cấp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, nếu về cấp đúng quy trình, đảm bảo tính khách quan thì những chứng chỉ này cần phải được công nhận, cần đảm bảo quyền lợi cho các học viên. Quan điểm của Bộ GD&ĐT như vậy là cần thiết.
Nếu kết luận của cơ quan chức năng xác định việc cấp chứng chỉ là không đúng pháp luật, những chứng chỉ bị thu hồi hủy bỏ thì có thể khởi tố vụ án hình sự về tội giả mạo trong công tác hoặc tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng để xử lý đối với các cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật.
Trường hợp các học viên không thể biết được việc cấp chứng chỉ là không đúng quy định trước khi tham gia đánh giá năng lực, các thông tin về việc Bộ GD&ĐT tạm đình chỉ hoạt động của các cơ sở này để kiểm tra đánh giá không được công khai thì cũng cần xem xét đến trách nhiệm của cơ quan chức năng trong việc công khai minh bạch thông tin và sai phạm trong công tác quản lý, tổ chức thực hiện đánh giá năng lực ngoại ngữ quốc tế".
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), giảng viên Luật Trường ĐH Thủy Lợi. Ảnh: NVCC |
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường nêu quan điểm: “Cá nhân tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm của Bộ GD&ĐT về việc vẫn ghi nhận năng lực của học viên đối với các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế đó.
Tuy nhiên cần phải làm rõ nguyên nhân của việc cấp chứng chỉ sai phạm, làm rõ trách nhiệm của đơn vị cấp chứng chỉ và cơ quan quản lý Nhà nước. Mức độ sai phạm đến đâu thì phải xử lý đến đó để tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra, ảnh hưởng đến uy tín của ngành giáo dục, uy tín của hội đồng Anh cũng như ảnh hưởng đến quyền lợi của các thí sinh.
Nếu phát hiện ra những hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, giả mạo trong công tác, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ thì có thể xem xét xử lý theo quy định của pháp luật”.
Bộ GD&ĐT cho biết, nhằm tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài, Thanh tra Bộ đã có kết luận với một số đơn vị liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam. Kết quả thanh tra cho thấy, trước thời điểm được Bộ GD&ĐT cấp phép liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam, các đơn vị này đã có hành vi liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài khi chưa được phép, vi phạm quy định của Bộ GD&ĐT. Năm 2023, Cục Quản lý chất lượng đã ban hành Công văn số 889/QLCL-QLVBCC ngày 09/6/2023 về việc hướng dẫn xác minh chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài và Công văn số 999/QLCL-QLVBCC ngày 15/6/2023 về việc sử dụng chứng chỉ để miễn bài thi ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Về hướng giải quyết với hơn 56.000 chứng chỉ IELTS được IDP "cấp lậu", Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết, các chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài do các đơn vị liên kết tổ chức thi cấp, khi đáp ứng các điều kiện bảo đảm chất lượng, sẽ tiếp tục được sử dụng bình thường theo quy định của Bộ GD&ĐT về thi, tuyển sinh và đào tạo, không ảnh hưởng tới quyền lợi của người được cấp chứng chỉ. Thời gian tới, Cục sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các bên trong đào tạo, tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ. |
Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa hướng giải quyết cho hơn 56.000 chứng chỉ IELTS do IDP "cấp lậu" |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại