"Lão nông" nhanh trí thoát khỏi bẫy lừa đảo
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênThiếu tá Lương Hữu Bắc giải thích cho ông Q về thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo qua điện thoại. (Ảnh: CQCA) |
Ngày 12/10, ông Q ở thôn Đông, xã Cảnh Thụy, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang nhận được cuộc điện thoại của một người phụ nữ không quen biết. Người này giới thiệu tên là Hoàng Thị Hiển, yêu cầu ông Q đi đổi sim điện thoại bên Viettel vì số điện thoại của ông Q đã bị các đối tượng xấu đánh cắp.
Ngay sau đó, ông Q lại nghe cuộc điện thoại của một người tự xưng là Trung tá Công an thuộc Đội cảnh sát phòng chống tội phạm ma túy - Vị “Trung tá Công an” hỏi ông Q ngày, tháng, năm sinh và một số thông tin khác... Vì bị bất ngờ nên ông Q đã đọc các thông tin theo yêu cầu và “Trung tá Công an” không quen biết yêu cầu ông phải phối hợp với Cơ quan Công an để điều tra, bắt 3 nhân viên ngân hàng trong vụ việc trộm cắp tiền của ngân hàng.
Vị “Trung tá Công an” đã yêu cầu ông Q đọc rõ ngày gửi và ngày rút thời hạn và số kí hiệu từng sổ tiết kiệm của ông để xác minh. Ông Q đã thực hiện theo yêu cầu, đọc nội dung số tiền và ký hiệu 3 sổ tiết kiệm của gia đình với tổng số tiền 3 sổ tiết kiệm là 285 triệu đồng.
Các “cán bộ Công an” đã yêu cầu ông Q một mình lên ngân hàng rút số tiền đó và chuyển sang Ngân hàng Vietinbank để gửi vào số tài khoản của người con gái ban đầu gọi cho ông Q mang tên Hoàng Thị Hiển để xác minh, điều tra. Thấy có nhiều nghi vấn, ông Q đã mang theo 3 quyển số tiết kiệm của gia đình đến Công an xã Cảnh Thụy trình báo với mục đích, nếu sự việc đúng như trao đổi thì sẽ rút tiền và chuyển tiền theo yêu cầu.
Khi đến trụ sở Công an, ông Q gặp Thiếu tá Lương Hữu Bắc - Phó trưởng Công an xã Cảnh Thụy. Thiếu tá Bắc nhận thấy ông Q có dấu hiệu bị lừa đảo nên đã giải thích, ngay lập tức ngăn ông Q không ra ngân hàng chuyển tiền cho đối tượng lừa đảo. Nhờ đó, “lão nông” thật thà đã không bị mất số tiền tiết kiệm lớn của gia đình.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại