Thứ sáu 22/11/2024 03:54

Lãng phí những tòa nhà trên đất vàng - Kỳ cuối: Bán đấu giá các căn tái định cư bỏ hoang

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Để giải quyết các khu tái định cư (TĐC) bỏ hoang gây lãng phí, mất mỹ quan đô thị, có ý kiến cho rằng, Hà Nội có thể nghiên cứu đề xuất giống TP Hồ Chí Minh, tổ chức đấu thầu, đấu giá hoặc bán cho các chủ đầu tư (CĐT) mới có khả năng hoàn thiện lại. Qua đó, có thể lấy lại nguồn tài chính để tiếp tục đầu tư xây dựng dự án mới.
Các dự án tái định cư  Duy Tân, Thượng Thanh, Sài Đồng, Tạ Quang Bửu đang bị bỏ hoang  trên địa bàn TP Hà Nội            					Ảnh: N.D
Các dự án tái định cư Duy Tân, Thượng Thanh, Sài Đồng, Tạ Quang Bửu đang bị bỏ hoang trên địa bàn TP Hà Nội. Ảnh: N.D

Bán đấu giá các căn hộ tái định cư bỏ hoang như TP Hồ Chí Minh

Mặc dù câu chuyện lãng phí tài sản công ở các dự án chung cư TĐC được đưa ra ở nhiều cuộc họp, tuy nhiên theo các chuyên gia, giải quyết thế nào cho trọn vẹn và tránh tiếp tục lãng phí không phải chuyện một sớm một chiều.

Nếu như giải quyết theo đề xuất của Hanco 3 trước đó về đề xuất phá đi xây chung cư cao tầng cao cấp, KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam cho rằng, đó là vi phạm pháp luật.

Bởi lẽ, ngoài việc CĐT xây dựng tòa nhà TĐC một cách máy móc, không tham vấn ý kiến của cộng đồng dân cư tại đó.

Với lý do khu nhà TĐC này do đã xuống cấp nên cần phá bỏ, ông Tùng cho rằng, đây là một đề xuất nguy hiểm và dư luận sẽ đặt câu hỏi, vì sao dự án mới 10 năm đã xuống cấp?

Vì vậy, theo KTS Tùng, CĐT phải đề ra phương án rõ ràng. Nếu người dân không đến ở, cần sửa chữa, làm lại hạ tầng thật tốt và có thể bán các căn hộ đó.

Còn theo TS Phạm Sỹ Liêm - Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, giải quyết TĐC ở Việt Nam gắn với xây nhà, trong khi các nước trên thế giới chỉ cần có chính sách TĐC. Trong khi đó, khi xây dựng nhà TĐC lại không thực hiện điều tra xã hội học để xem nguyện vọng của người dân, chỉ áp đặt, nên dẫn đến thất bại và hậu quả là nhà TĐC bị bỏ hoang.

Việc các tòa TĐC bỏ hoang là tình trạng diễn ra không chỉ Hà Nội, mà TP Hồ Chí Minh cũng có nhiều dự án hoang hóa lâu ngày. Mới đây, để giải bài toán các dự án TĐC bỏ hoang này, TP Hồ Chí Minh áp dụng cách làm là đấu giá nhà TĐC.

Giải pháp này, theo nhận định của nhiều chuyên gia, là cách tối ưu để hạn chế lãng phí và thu hồi phần vốn Nhà nước đã bỏ ra nhanh nhất. Đồng thời, cũng đáp ứng một phần nhu cầu thực về nhà ở của một bộ phận người dân có thu nhập trung bình. Hà Nội có thể học hỏi phương án này.

Câu chuyện lãng phí tài sản công ở các dự án chung cư TĐC lần nữa lại được các đại biểu HĐND TP Hà Nội đặc biệt quan tâm tại phiên chất vấn, Kỳ họp thứ 12 HĐND TP. Qua hoạt động kiểm tra, giám sát của Đoàn giám sát HĐND TP cho thấy thực trạng công tác quản lý, sử dụng quỹ nhà TĐC trên địa bàn TP vẫn còn nhiều bất cập, dẫn đến vi phạm, lãng phí.

Theo đánh giá, một trong những nguyên nhân khiến nhà TĐC bị “bỏ trống” do được xây dựng quá sớm, trong khi những dự án mà nhà TĐC có nghĩa vụ phục vụ chậm tiến độ hoặc không được triển khai. Vì vậy, cần một cơ quan có thẩm quyền để phối hợp giữa dự án TĐC và dự án mở đường hay khu đô thị mới.

Đầu tư nhà ở tái định cư giống như làm nhà ở thương mại

Theo ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, để khắc phục tình trạng xây dựng dở dang hoặc xây xong nhưng bỏ hoang của một số dự án nhà ở TĐC, có thể tổ chức đấu thầu, đấu giá hoặc bán cho các CĐT mới có khả năng hoàn thiện lại. Qua đó, có thể lấy lại nguồn tài chính để tiếp tục đầu tư xây dựng dự án mới.

Đặc biệt, nên để người dân khi TĐC có quyền được chọn căn, chọn tầng, chọn khu vực sinh sống. Bởi nếu theo cơ chế thị trường, đầu tư nhà ở TĐC cũng sẽ giống như làm nhà ở thương mại, CĐT phải tính toán làm sao để thu hút được người mua. Khi đó, người dân được lựa chọn nhà ở TĐC dựa trên mong muốn, sở thích, từ đó, giá cả cũng sẽ có sự khác biệt. Và cuối cùng, cả người mua và người thực hiện dự án đều thỏa mãn.

Đồng thời về chất lượng, trách nhiệm của CĐT xây dựng nhà TĐC cũng phải giống như đối với nhà ở thương mại. Có như thế thì mới có thể khắc phục được tình trạng nhà xây xong nhưng không có người ở, bị bỏ hoang gây lãng phí tài nguyên. Trong khi đó, nguồn cung nhà ở hiện nay vẫn đang bị thiếu trầm trọng.

Về thực trạng dự án TĐC bỏ hoang, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội lý giải, bởi lẽ có những chung cư TĐC bỏ hoang do có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân. Sở Xây dựng đã tổng hợp khó khăn, vướng mắc và báo cáo UBND TP, đồng thời đã có nhiều Văn bản đôn đốc các CĐT, UBND các quận, huyện (nơi có dự án) đẩy nhanh tiến độ hoàn thành quỹ nhà.

Thời gian tới, để hạn chế thực trạng nhà TĐC bỏ hoang, Sở Xây dựng Hà Nội đề xuất một số giải pháp, theo đó, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc UBND cấp huyện, CĐT đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ở TĐC, qua đó đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án chậm triển khai.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nhận tiền hỗ trợ để tự lo TĐC tại các dự án GPMB trên địa bàn TP; các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư cũ nhận tiền để tự lo chỗ ở tạm thời trong thời gian thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư thay cho việc TP phải bố trí chỗ ở tạm thời.

Trước đó, năm 2018 khi dư luận nóng lên vì các căn hộ tại dự án TĐC Sài Đồng người dân không đến ở, để tránh lãng phí và thất thoát ngân sách đầu tư của Nhà nước cho quỹ nhà TĐC, Sở Xây dựng Hà Nội cũng có đề xuất thu hồi các căn hộ này sau 2 năm người dân không về ở, để bán đấu giá thu hồi vốn.

Để có một lời giải tốt nhất cho bài toán nhà tái định cư bỏ hoang, theo các chuyên gia, không chỉ một sớm một chiều và cần có sự vào cuộc đồng bộ của nhiều ban ngành chức năng, nhưng quan trọng nhất là phải khảo sát để nắm được tâm tư, nguyện vọng của người dân, những người thụ hưởng cuối cùng.
Kỳ 1: Nhà không có người ở, đất trống được tận dụng để… trồng rau
Lãng phí những tòa nhà trên đất vàng - Kỳ 2: Cả trăm căn hộ có 2, 3 hộ… sáng đèn
Kỳ 3: Lý do người dân không mặn mà với các khu tái định cư
Kỳ 4: Cần xem lại cơ chế vận hành và chất lượng nhà tái định cư
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động