Thứ bảy 04/05/2024 02:54
Lãng phí những tòa nhà trên đất vàng:

Kỳ 4: Cần xem lại cơ chế vận hành và chất lượng nhà tái định cư

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ngoài những khu chung cư đã kể ở các kỳ trước, dễ dàng bắt gặp cảnh những tòa tái định cư (TĐC) cao sừng sững nhưng hoang vắng, ở nhiều quận, huyện tại Hà Nội. Có thể kể đến như khu TĐC Đền Lừ II, III, dự án nhà TĐC phường Trần Phú, quận Hoàng Mai… Để lý giải nguyên nhân cũng như tìm ra phương án giải quyết không phải một sớm một chiều.
Bên cạnh chất lượng nhà kém, một nguyên nhân cơ bản khiến người dân không mặn mà với nhà TĐC là do không đáp ứng được nguyện vọng của họ. Những người bị thu hồi đất ở, cần phải giải quyết TĐC thường có thu nhập thấp, đang phải bám mặt đất để kiếm sống.

Dự án TĐC N01, D17 có địa chỉ tại số 1 Duy Tân chưa hoàn thiện vì… thiếu vốn. Ảnh: N.D

Loay hoay gỡ vướng

Đơn cử như khu TĐC Sài Đồng, quận Long Biên. Dự án do Công ty (Cty) Cổ phần Xây dựng số 3 Hà Nội (Hanco 3, trước đây là Cty Xây dựng số 3 Hà Nội - thuộc TCty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội làm chủ đầu tư (CĐT), với tổng mức đầu tư dự án hơn 1.292 tỷ đồng.

Ba tòa nhà này dùng để TĐC tại chỗ khi thực hiện dự án giải phóng mặt bằng (GPMB) mở rộng tuyến phố Sài Đồng trong khu đô thị Sài Đồng.

Tuy nhiên, người dân đã không đồng ý việc nhận TĐC bằng căn hộ nên toàn bộ khu nhà xây xong rồi để đó. Trước tình trạng người dân không đến ở, trước đó, năm 2017, Hanco 3 từng đề xuất TP cho phép phá bỏ toàn bộ 3 tòa nhà TĐC này để xây mới.

Sau đề xuất này, Thành ủy Hà Nội đã ra Văn bản số 1274 ngày 18/7/2017 yêu cầu CĐT lập hai phương án: Cải tạo, sửa chữa khu nhà để làm nhà ở xã hội hoặc phá bỏ hoàn toàn để xây dựng quỹ nhà mới. Tuy nhiên đến nay, dự án vẫn bỏ hoang lãng phí.

Dự án TĐC N01, D17 có địa chỉ tại số 1 Duy Tân có tổng vốn đầu tư hơn 220 tỷ đồng gồm 1 tầng hầm, 13 tầng căn hộ, là nơi bố trí TĐC cho các hộ dân thuộc diện GPMB, thu hồi đất phục vụ việc mở rộng tuyến đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài. Về việc chậm trễ triển khai, chưa hoàn thiện các căn hộ cũng như hạ tầng, theo tìm hiểu, lý do được cho là khu TĐC này vướng mắc do nguồn vốn đứt quãng.

Theo đó, trong giai đoạn từ 2010 - 2015, dự án chỉ được giải ngân 81 tỷ đồng, riêng năm 2013 không được bố trí vốn. Bên cạnh đó, theo như lời của đại diện CĐT, việc thời gian thực hiện dự án kéo dài nên dẫn đến nhiều sự thay đổi lớn về tiêu chuẩn, quy chuẩn, giá vật liệu, nhân công, chế độ, chính sách… do vậy phải điều chỉnh dự án, bổ sung về thiết kế, dự toán và giá trị phát sinh do trượt giá.

Cuối năm 2022, trong quyết định 4962/QĐ-UBND ngày 9/12/2022 của UBND TP Hà Nội có chỉ rõ, UBND quận Cầu Giấy khẩn trương hoàn thành thi công xây dựng; chủ động phối hợp với cơ quan có thẩm quyền hoàn thành nghiệm thu hạng mục phòng cháy chữa cháy (PCCC) và các hạng mục khác theo quy định tại Dự án đầu tư xây dựng nhà ở chung cư cao tầng phục vụ di dân GPMB - N01 tại ô đất D17 khu đô thị mới Cầu Giấy, đảm bảo đủ điều kiện đưa công trình vào sử dụng theo tiến độ được phê duyệt.

Đã gần 1 năm trôi qua, dự án vẫn lặng thinh, không hề có động tĩnh.

Hoặc như khu TĐC 4A Tạ Quang Bửu, sau nhiều lần đổi CĐT cũng như thay đổi “công năng”, hơn 10 năm sau, tòa nhà tưởng chừng sẽ làm đẹp, khang trang hơn cho tuyến đường Đại Cồ Việt – Tạ Quang Bửu thì lại im lìm, vắng lặng. Cuối năm 2021, một cuộc bàn giao căn hộ cho người dân được UBND quận Hai Bà Trưng tổ chức rầm rộ. Tuy nhiên đến giờ, ghi nhận vẫn không có bất cứ người dân nào chuyển đến sinh sống.

Được biết, tòa nhà bỏ hoang cùng các công trình dang dở vì vướng nhiều bất cập liên quan đến quy hoạch và phương án đền bù.

Chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân

Cứ loay hoay tìm giải pháp, nhưng cả hàng thập kỷ qua, các tòa nhà TĐC vẫn vắng bóng người dân, dần xuống cấp. Nhiều ý kiến cho rằng, sự vội vàng, rập khuôn máy móc, không tìm hiểu cũng như sâu sát nguyện vọng của người dân trước khi triển khai dự án là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng dù người dân "khát" nhà nhưng họ vẫn không chịu đến ở các khu TĐC.

Thực tế, các khu TĐC thời gian qua đa phần đều được quy hoạch và xây dựng riêng biệt với quy mô nhỏ. Nhiều khu thậm chí được xây dựng ở những vị trí xa trung tâm nhưng lại thiếu hạ tầng phục vụ nhu cầu của người dân như trường học, bệnh viện, đường vào.

Nhiều khu TĐC sau một thời gian được đưa vào sử dụng đã xuống cấp nhanh chóng do chất lượng công trình không đảm bảo. Thậm chí, nhiều tòa nhà được xây dựng xong nhưng một số hạng mục cơ bản như PCCC, hệ thống xử lý nước thải, cấp thoát nước hay nước sạch, thang máy... không được nghiệm thu.

Nhìn nhận thực trạng các khu TĐC vắng người ở, GS.TSKH Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, chủ trương về các dự án TĐC là chính sách nhân văn, đúng đắn phù hợp với nhu cầu có nơi an cư của người dân. Tuy nhiên, việc xây dựng các khu TĐC này hiện đang có nhiều bất cập.

Chính thế, theo GS.TSKH Đặng Hùng Võ, những người dân di dời đến các khu TĐC hầu hết đều cần không gian phát triển kinh tế hộ gia đình, việc đưa họ vào chung cư cao tầng sẽ không giúp giải quyết được vấn đề kinh tế. Từ chối đến sống ở các khu nhà cao tầng hoặc bán rẻ chính căn hộ TĐC được phân là điều thường gặp ở những người dân thuộc diện này, bởi lẽ, cuộc sống của họ cần gắn với mặt đất để mưu sinh.

Vậy nên, theo ông, giải quyết TĐC là phải đưa ra những phương thức đổi nơi ở phải phù hợp với sinh kế, thu nhập, công việc của những người dân trong diện đó.

Cùng với ý kiến của GS.TSKH Đặng Hùng Võ, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, muốn giải quyết khâu sinh kế để người dân về ở lâu dài, nhà TĐC ít nhất phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ thì họ mới đến ở. Bên cạnh đó, cần xem lại cơ chế và chất lượng nhà ở TĐC.

Nhất là những khu nhà xây dựng cách đây chục năm trở lên thì không có thang máy, chưa quy hoạch được điện, đường, trường, trạm… Nhiều khu nhà TĐC sau một thời gian sử dụng không được duy tu, bảo dưỡng, bảo trì nên xuống cấp nghiêm trọng.

Ngoài những vấn đề nêu trên, theo các chuyên gia đó còn là vấn đề đền bù chưa thỏa đáng, bố trí nhà ở không hợp lý. Ví dụ, người trong diện GPMB ở quận Tây Hồ nhưng lại bố trí TĐC tận Hà Đông, hay GPMB ở Mỹ Đình nhưng đưa người dân TĐC sang Gia Lâm…

Những vị trí người dân phải bàn giao mặt bằng đều là những vị trí đắc địa nhưng lại bị thu hồi, đền bù với giá thấp, hoặc theo kiểu "hàng đổi hàng" nghĩa là thu nhà và trả lại căn nhà khác nhưng thậm chí chất lượng kém hơn, cơ sở hạ tầng không đáp ứng đủ…

Bên cạnh chất lượng nhà kém, một nguyên nhân cơ bản khiến người dân không mặn mà với nhà TĐC là do không đáp ứng được nguyện vọng của họ. Những người bị thu hồi đất ở, cần phải giải quyết TĐC thường có thu nhập thấp, đang phải bám mặt đất để kiếm sống.

(Còn nữa)

Kỳ 1: Nhà không có người ở, đất trống được tận dụng để… trồng rau
Lãng phí những tòa nhà trên đất vàng - Kỳ 2: Cả trăm căn hộ có 2, 3 hộ… sáng đèn
Kỳ 3: Lý do người dân không mặn mà với các khu tái định cư
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động