Thứ sáu 22/11/2024 10:14
Lãng phí những tòa nhà trên đất vàng:

Kỳ 1: Nhà không có người ở, đất trống được tận dụng để… trồng rau

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Tọa lạc ở vị trí được coi như “đất vàng” ở quận Long Biên, khu tái định cư Sài Đồng hoang tàn, lạnh lẽo như một dấu lặng giữa phố xá đèn điện muôn màu…
3 tòa nhà bỏ hoang đã gần chục năm tại Sài Đồng, quận Long Biên, Hà Nội.	Ảnh: N.D
3 tòa nhà bỏ hoang đã gần chục năm tại Sài Đồng, quận Long Biên, Hà Nội. Ảnh: N.D

Khảo sát riêng ở Hà Nội, nơi có khoảng 2,7 triệu lao động làm việc tại 270.000 DN, với 80% là người ngoại tỉnh, dự án nhà ở xã hội của TP chỉ đáp ứng gần 30% nhu cầu về chỗ ở của công nhân, lao động. Trên 70% người lao động (NLĐ) vẫn phải thuê nhà trọ. Như vậy, nhu cầu về nhà ở của NLĐ là rất lớn.

Để giải quyết nhu cầu về nhà ở đang bức thiết này, tại Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã chỉnh sửa, hoàn thiện nhiều chính sách quan trọng về nhà ở xã hội. Trong tương lai, loại hình nhà ở này sẽ được mở rộng thêm đối tượng thụ hưởng, thúc đẩy phát triển với nhiều cơ chế thông thoáng hơn.

Thế nhưng hiện đang có một nghịch lý, trong khi NLĐ đang chờ trông vào những quyết sách để có thể có 1 nơi an cư, thì hàng chục những KĐT, chung cư xây xong lại bỏ hoang cho cỏ mọc.

Hoàn thiện cả chục năm, nhà vẫn bỏ hoang

Nằm ở ngã 4 đường Nguyễn Lam - Huỳnh Văn Nghệ (Sài Đồng, quận Long Biên), 3 tòa N3, N4, N5 Khu tái định cư Sài Đồng đã gần chục năm nay bỏ hoang cho cỏ mọc. Vì không được sử dụng cũng như bảo dưỡng, nhiều hạng mục ở các tòa nhà này đã xuống cấp, xập xệ. Cỏ dại len lỏi mọc tận chân tòa nhà. Nhiều khoảng trống của Khu đô thị (KĐT) này đã được các hộ dân ở các tòa nhà bên cạnh tận dụng, quây tôn hoặc cắm rào để trồng rau.

Ở tòa N3, cửa kéo toàn bộ ở tầng 1 đã cũ nát, có dấu hiệu mục rữa. Nhưng toàn bộ tầng 1 ở tòa này đã được một số người dân tận dụng để làm kho chứa đồ. Lổn nhổn bên trong là những cánh cửa nhôm kính, một vài NLĐ tất tả đi lại. Một thanh niên trong nhóm này cho biết, chủ của họ đã thuê tầng 1 này cũng đã khá lâu.

“Hình như khi mới xây xong, khi không thấy người dân đến ở nên ông chủ đã thuê tạm mặt bằng tầng 1 để làm kho. Tòa nhà mặc dù đã hoàn thiện, nhưng do không có người ở nên không có điện, nước - ngoài tầng 1” - cậu thanh niên cho biết.

Khi lác đác thấy có quần áo phơi tại một căn hộ trên tầng 2, cậu thanh niên này cho biết: “Không có ai được ở đây cả. Nhưng có thể do tranh thủ lúc rảnh rỗi nên một số người làm công ở đây có giặt giũ và phơi trên đó cho… nhanh khô” - anh ta nói. Đồng thời anh ta cũng giải thích, không thể ở trên đó được, vì không có điện nước, nếu để kéo điện hay nước ở dưới này lên trên đó là không thể.

Đối diện tòa N3, tầng 1 nhà N4 tiếp tục cửa đóng then cài. Một số thiết bị sân chơi trẻ nhỏ đã bạc màu vất vưởng bên trong. Vật liệu xây dựng, rác sinh hoạt cũng như đất cát vương vãi khắp nơi khiến khu nhà càng thêm hoang phế.

Ngồi ở sảnh tầng 1 nhà N4, chị N.T.Đ, nhân viên vệ sinh cho biết, chị vốn là lao công của KĐT bên cạnh, xong việc chị hay sang bên sảnh khu này ngồi.

“Xây xong tầm năm 2007, 2008 gì đó, rồi từ đấy đến nay vẫn không thấy ai đến ở. Vì không ai ở nên cũng không thấy có người dọn dẹp nên cỏ mọc, đồ đạc cứ vứt khắp nơi” - chị Đ nói.

Nhìn những căn hộ cũng như tòa nhà ngày càng xuống cấp, hoang hóa, chị Đ tiếc rẻ: “Nhà không có ai ở để thế này phí quá. Trong nhóm lao công ở Công ty (Cty) tôi có nhiều người còn không có nhà để ở, họ đi thuê nhà ở xung quanh đây cũng khá tốn kém. Tiền thuê nhiều mà nhà cửa chật chội, điều kiện sống cũng không tốt. Nhìn thấy nhà bỏ hoang thế này ai cũng thấy tiếc.”

Chị cũng cho biết, do làm việc ở quanh đây nên chị cũng đã thấy nhiều người đến tìm hiểu, khảo sát. Nhưng tất cả cũng chỉ dừng lại ở việc khảo sát chứ không có gì thay đổi.

“Nhà đối diện bên kia đường, KĐT mới xây, cùng vị trí, họ xây hiện đại, đẹp hơn và giá bán 1 căn thấp nhất cũng gần 3 tỷ đồng/căn. Vậy mà cả khu bên này lại để hoang thế này thật phí quá” - chị bất chợt hỏi: “Bỏ không như thế, liệu có thể cho người dân lao động chúng tôi thuê không nhỉ trong khi chưa có phương án giải quyết? Tiền thuê cứ thu vào tiền ngân sách, như thế người dân cũng được nhờ mà Nhà nước lại… có tiền”.

Nhà không có người ở, đất chỉ để… trồng rau

Các tòa nhà sau cũng không khá khẩm hơn. Một số diện tích ở tầng 1 được sử dụng làm văn phòng của Ban quản lý dự án của Cty CP Xây dựng số 3 Hà Nội. Người bảo vệ đã đứng tuổi ngồi ở sảnh tòa N5 cho biết, ông đã làm bảo vệ từ khi mấy khối nhà này đang xây dựng. Ông bảo, các tòa nhà đều được xây 6 tầng, không có thang máy. Tầng 1 bao gồm phòng sinh hoạt chung và nơi để xe đạp, xe máy. Các căn hộ để ở từ tầng 2 trở nên. Tại các căn hộ đó đã đấu nối đường điện, đường nước đầy đủ, nếu người dân đến chỉ việc hoàn thiện là có thể ở.

“Cty xây xong và đã bàn giao lại cho quận. Còn lý do tại sao dân không đến ở thì chúng tôi cũng chịu. Có lẽ cô có hỏi lãnh đạo Cty cũng vậy thôi vì bên Cty chỉ là nhà thầu thực hiện việc thi công, xây dựng” - ông nói. Việc người bảo vệ nói cũng đã được xác nhận bởi một vị lãnh đạo của Ban quản lý dự án, người này cho biết, Cty CP Xây dựng số 3 Hà Nội chỉ là đơn vị thi công và đã bàn giao khi xây xong công trình. Sở dĩ tận dụng tầng 1 KĐT này vì họ đang triển khai loạt căn hộ thương mại đối diện!

Tiếp tục khảo sát quanh khu nhà, phía mặt tiếp giáp với các tòa chung cư bên cạnh, những khoảng đất trống ở đây đã được người dân tận dụng triệt để để trồng rau. Bà Nguyễn Thị Bắc đang lúi húi nhặt cỏ bên những luống rau ở đây khi được hỏi, cho biết: "Mấy tòa nhà này xây và hoàn thành lâu rồi nhưng vẫn bỏ không. Thấy đất trống, nhà lại ở ngay bên tòa chung cư bên cạnh nên tôi tranh thủ tăng gia, trồng thêm ít rau xanh cho gia đình. Vị trí đẹp thế này mà lại để hoang thì cũng tiếc thật” - bà nói. Đồng thời bà cho biết thêm, căn hộ chỗ bà giờ muốn mua cũng phải từ 2 - 3 tỷ đồng/căn 6, 70m2 chứ đâu có rẻ. Vậy mà cả trăm căn hộ ngay bên cạnh lại không sử dụng, không bán cũng chẳng cho thuê.

Phóng viên gặp được một người dân thuộc diện giải tỏa tại phố Sài Đồng, quận Long Biên, ông cho biết: "Chúng tôi đã có thông tin về việc giải tỏa khu nhà chúng tôi ở từ những năm 2000. Nhưng câu chuyện đó chỉ nghe chứ chưa thấy có thông báo hoặc giấy tờ gì. Trong khi đó, nhà của chúng tôi không được xây hay sửa. Còn mấy tòa nhà bỏ hoang kia chúng tôi cũng chỉ nghe nói là để đền bù, chứ không có giấy tờ gì hay thông tin chính thức từ chính quyền bao giờ. Mà bây giờ bảo chúng tôi qua đó ở thì ở thế nào, nhà thì xuống cấp, cao tầng mà lại không có thang máy..." - người đàn ông nói.

(Còn nữa)

Mặt bằng "trăm tỷ" bị chiếm dụng vỉa hè, lòng đường để đúc cống bê tông
Lý do VKSND kháng nghị vụ đất vàng trên phố Bà Triệu?
Mặt bằng nghìn tỷ từng gây “sốc” ở Thanh Hóa giờ ra sao?
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động