Chủ nhật 05/05/2024 16:22
Lãng phí những tòa nhà trên đất vàng:

Kỳ 3: Lý do người dân không mặn mà với các khu tái định cư

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Tháng 12/2021, tòa nhà tái định cư 4A - số 8 Tạ Quang Bửu được rầm rộ tổ chức sự kiện bàn giao căn hộ cho những cư dân đầu tiên. Tuy nhiên, sau sự kiện trao gửi đầy hào hứng đó, cả tòa nhà cao hơn 20 tầng với 155 căn hộ lại tiếp tục hoang vắng, không có người dân sinh sống.
Tòa nhà tái định cư 4A – số 8 Tạ Quang Bửu cho đến nay vẫn không thấy bóng dáng cư dân. Ảnh: N.D
Tòa nhà tái định cư 4A - số 8 Tạ Quang Bửu cho đến nay vẫn không thấy bóng dáng cư dân. Ảnh: N.D

Bất hợp lý ở việc tính diện tích căn hộ cho người dân

Vẫn được quây tôn 4 phía, chỉ để lại một lối đi dành cho các phương tiện đi vào phía bên trong, tòa nhà ngự tại ngã 3 giao giữa Đại Cồ Việt, Tạ Quang Bửu khiến nhiều người ngạc nhiên. Ở đất Hà Nội, khi mà nhà có vị trí mặt đường luôn được ưu ái, tính giá trên trời thì cả tòa nhà đồ sộ này lại bỏ không một cách khó hiểu.

Đang ngó nghiêng tìm người hỏi, một người đàn ông trung niên mặc đồng phục bảo vệ ra chủ động hỏi phóng viên: “Các cháu đến đây thuê phòng tổ chức sự kiện hả? Cứ đi thẳng vào sảnh, đi vào trong rẽ trái rồi bấm thang máy lên tầng 2. Trên đó có người đón tiếp” - ông nhanh nhảu nói.

Ông cũng cho biết, ở đây chỉ cho thuê phòng để tổ chức sự kiện, hội thảo. Tức là sử dụng trong ngày. Còn nếu muốn thuê nhà ở thì rất khó. “Thường phải những người là người nhà của “họ” (ý muốn chỉ những người ở tầng 2 phụ trách cho thuê phòng - PV) mới có thể được thuê” - chỉ dẫn xong, ông quay sang người lao công đang loay hoay quét dọn rồi trao đổi công việc.

Chúng tôi theo chỉ dần vào sảnh của tòa nhà, tầng 1 được trang bị quầy lễ tân, bàn ghế chờ nhưng hoàn toàn vắng vẻ, không một bóng người. Cửa chính hướng ra ngoài đường Đại Cồ Việt vẫn trong trạng thái khóa chặt. Các công trình phụ trợ xung quanh bắt đầu trong tình trạng xuống cấp.

Lần tìm ra con ngõ cạnh tòa nhà, bên những bức tôn cao quá đầu người chắn lối. Phía sâu bên trong được cho thuê làm chỗ rửa xe. Một người dân ở đây cho biết, tòa nhà này cũng qua khá nhiều chủ đầu tư rồi. “Mục đích ban đầu xây là gì chúng tôi cũng không rõ, nhưng sau vài lần đổi chủ thì lại biến thành nhà tái định cư cho người dân ngõ chúng tôi” - ông nói.

Có nghĩa người dân khu vực đó sẽ đổi đất và di dời lên các căn hộ trên tòa nhà đó. “Hầu hết người dân chúng tôi đều không đồng ý với phương án đó vì nó khá vô lý. Bởi ví như nhà tôi hiện có diện tích hơn 70m2, là nơi sinh sống của 3 thế hệ, giờ đổi đất lấy căn hộ trên đó thì chúng tôi sinh sống ra sao” - ông cho biết. Bởi lẽ, theo ông, theo như chính sách của chủ đầu tư đưa ra là họ lấy đất và đổi cho dân căn hộ bằng với diện tích họ đã lấy.

“70m2 đất thì chúng tôi có thể xây chồng tầng để giải quyết chỗ ở, chứ giờ chỉ có mỗi 1 mặt bằng rộng 70m2 với gia đình cả chục người thì nhồi nhét vào đâu. Muốn căn to hơn thì phải trả tiền chênh lệch. Đấy là điều bất hợp lý. Vậy nên hầu như người dân đều không đồng ý di dời và lên trên đó ở” - và theo ông, đó là lý do tòa nhà vẫn bỏ không từ khi xây cho đến nay.

Không di dời do không có phương án đảm bảo thu nhập

Việc đổi đất lấy căn hộ có diện tích tương đương là một trong những bất cập khiến người dân không mặn mà với các khu nhà tái định cư. Bởi lẽ với họ, cho dù các khu tái định cư có ở những vị trí đắc địa đến mấy, thì ngoài chốn an cư, nó còn là sự phù hợp, tính linh hoạt và thuận tiện cho công việc hoặc dễ dàng sinh nhai… Đây cũng là một số ít trong các nguyên nhân khiến các tòa chung cư, tái định cư xây xong rồi bỏ hoang trên địa bàn TP Hà Nội.

Đơn cử như khu tái định cư Thượng Thanh, Long Biên. Để bảo tồn phố cổ, ngay từ năm 1998, TP Hà Nội đã công bố đề án di dân phố cổ với mục tiêu giảm mật độ dân cư cũng như áp lực lên cơ sở hạ tầng tại khu vực này. Theo đó, mật độ dân cư phố cổ đang từ 825 người/ha năm 2010 sẽ giảm xuống còn 500 người/ha vào năm 2020. Khu vực phố cổ nằm tại quận Hoàn Kiếm sẽ phải di chuyển trên 6.500 hộ dân, tương đương khoảng 27.000 người.

Việc giãn dân phố cổ được thực theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 phải hoàn thành vào cuối 2016 với việc di dời gần 1.200 hộ dân sang phường Việt Hưng, quận Long Biên. Giai đoạn 2 phải thực hiện xong trong năm 2020 với việc di dời gần 5.000 hộ dân sang vị trí 30ha tại phường Thượng Thanh, quận Long Biên. Tuy nhiên, kể từ khi công bố đề án giãn dân phố cổ tới nay đã 25 năm nhưng kế hoạch này vẫn chưa thể thực hiện được.

Việc các tòa nhà hoang phế đã chứng tỏ tình trạng bế tắc, rất khó giải quyết với hàng loạt vướng mắc về chính sách đền bù, tái định cư, duy trì sinh kế cho người dân...

Thế nên mới có nghịch lý, trong khi những khối nhà khang trang, khuôn viên rộng rãi, thoáng đãng trên khu đất vàng bám mặt đường lại vắng bóng người, bỏ hoang cho cỏ mọc thì cuộc sống của người dân trong diện giãn dân phố cổ, những người dân với nhiều thế hệ vẫn chen chúc, ngột ngạt tại những căn hộ vẻn vẹn hơn chục m2 ở các ngóc, ngách phố cổ Hà Nội.

9 người chung sống tại căn hộ trên dưới 10m2 trên phố Hàng Buồm, mặc dù đã tìm mọi cách cơi nới, gác thêm tẩng lửng, người đông, nhà chật làm gì cũng phải gượng nhẹ nhưng nhà bà Lê Thị Tâm vẫn lắc đầu khi nói đến chuyện di dời.

“Sống ở đây có chật chội chút nhưng cái gì cũng tiện. Tiện từ việc đi lại, học hành đến việc buôn bán sinh nhai. Giờ kéo nhau lên chung cư ở bên ấy (khu tái định cư Thượng Thanh - PV) vừa xa xôi với nơi con cái làm việc, lại vừa rời bỏ nhịp sống thân quen hàng mấy chục năm trời, đồng thời ở một nơi như ở Thượng Thanh thì người dân vốn sống bám phố, bám “Tây” như chúng tôi biết làm gì để mà kiếm cơm?” - bà Tâm nói.

Nói xong, bà cũng chẳng thèm nhìn ra con hẻm hun hút nhỏ chỉ vừa 1 người đi, ngày cũng như đêm, nếu không bật điện sẽ chẳng thấy lối đi.

Còn những người dân đang sống bằng cách kinh doanh mặt tiền, từng m2 cũng là “con gà đẻ trứng vàng” tại khu phố cổ, việc di dời khỏi nơi đang kinh doanh sầm uất và chuyển ra tận ngoại thành mà không có phương án đảm bảo việc làm, thu nhập, đời sống hàng ngày thì chắc chắn sẽ không một ai chịu dời đi.

Với khu tái định cư Sài Đồng, được biết, dự án này được triển khai từ khi quận Long Biên chưa được thành lập, do đó việc bồi thường ở giai đoạn chuyển tiếp từ huyện thành quận đã dẫn đến sự không thống nhất giữa chủ đầu tư và người dân.

Bà Nguyễn Thị Liên - một người sống ở gần khu tái định cư này cho biết: "Sở dĩ người dân không đến ở, nghe đâu là do người dân họ không đồng ý với phương án đền bù trả bằng nhà tái định cư mà họ đòi trả bằng đất nên dẫn đến sự không thống nhất giữa chủ đầu tư và người dân."

(Còn nữa)

Kỳ 1: Nhà không có người ở, đất trống được tận dụng để… trồng rau
Lãng phí những tòa nhà trên đất vàng - Kỳ 2: Cả trăm căn hộ có 2, 3 hộ… sáng đèn
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động