Thứ năm 16/05/2024 15:45

Lãng phí những tòa nhà trên đất vàng - Kỳ 2: Cả trăm căn hộ có 2, 3 hộ… sáng đèn

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sau đợt sáng đèn bởi được tận dụng làm nơi thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 năm 2021, 5 tòa nhà giãn dân phố cổ Thượng Thanh - quận Long Biên, Hà Nội, tiếp tục đìu hiu, cửa đóng then cài. Hàng trăm căn hộ tại 5 tòa nhà cao 8 tầng, chỉ có một vài căn sáng đèn.
Toàn bộ tầng 1 của 5 tòa nhà tái định cư Thượng Thanh, quận Long Biên, Hà Nội, rêu phong vì không được sử dụng.     Ảnh: N.D
Toàn bộ tầng 1 của 5 tòa nhà tái định cư Thượng Thanh, quận Long Biên, Hà Nội, rêu phong vì không được sử dụng. Ảnh: N.D

Im ắng cả 10 năm chỉ được sáng đèn trong ít hôm đợt Covid-19

5 block nhà chung cư với quy mô cả trăm căn hộ được xây dựng từ 2012 trên vị trí 30ha đất vàng bám mặt đường Lý Sơn, phường Thượng Thanh, quận Long Biên đã lâu nay trong tình trạng “cửa đóng, then cài”. Cả dãy nhà bên con phố sôi động xe chạy ngày đêm cứ im lìm, mặc cho cỏ dại mọc cao, rác thải vứt bừa bãi.

Theo ghi nhận của phóng viên (PV), các tòa nhà ở đây được xây dựng bài bản, đủ công năng, với khối đế tầng 1 là tầng thương mại, dịch vụ, nhà sinh hoạt chung. Các tòa nhà đều có hầm để xe, có không gian chung, có tiểu cảnh. Các tòa nhà được trang bị đầy đủ thang máy, phòng sinh hoạt chung cũng như các lối cầu thang bộ tương đối hợp lý.

Đầy đủ là thế, nhưng từ khi xây xong đến nay, các tòa nhà vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Nếu không có đợt sáng đèn do được thu dung làm cơ sở điều trị Covid-19 năm 2021 thì e rằng, không biết bao giờ các tòa nhà này mới được người ta nhớ đến.

“Thời điểm bắt đầu khởi công xây dựng, cả khu nhà chúng tôi chịu cảnh gạch đá, bụi bặm hàng năm trời. Chờ mãi thì cũng đến lúc 5 tòa nhà khang trang hoàn thiện. Những mong có người dân đến ở, ngoài việc thêm nhộn nhịp người ra vào, thì những người buôn bán nhỏ như chúng tôi cũng có chỗ để trông chờ” - chị H, chủ quán trà đá đối diện khu nhà cho biết.

Chị nói, dự án xây lên mục đích làm gì người dân ở khu phố chị ở cũng không rõ, nghe nói đó là khu giãn dân phố cổ. Thế nhưng năm nọ qua năm kia các tòa nhà cứ vắng lặng như thế, thỉnh thoảng có 1, 2 người đến hỏi han, cũng tưởng họ sắp chuyển đến ở đến nơi rồi…

“Ở khu vực này nếu sinh sống rất tiện lợi, hạ tầng có sẵn, điện đường, trường trạm khang trang, di chuyển đến đâu cũng dễ. Nếu người dân phố cổ không đến ở, nếu bán đi chắc sẽ khối người tranh nhau. Bây giờ dễ gì kiếm được một căn hộ có vị trí đẹp vậy” - chị H tiếc rẻ.

Bà L thấy chị H nói chuyện cũng tham gia, bà bảo: “TP có chính sách nào để khuyến khích người dân đến ở không nhỉ? Họ đến ở, người dân quanh đây của chúng tôi cũng vui vẻ. Hoặc không ở thì liệu có bán cho người dân chúng tôi không?”.

Lụi hụi rửa mớ rau muống mới hái ở vườn rau tăng gia bên cạnh khu nhà, người bảo vệ tòa nhà cho biết, ông ở Đông Anh, về đây làm bảo vệ đã nhiều năm rồi. Ông ăn uống và sinh hoạt ngay tại phòng trực ban tầng 1 tòa nhà. Công việc của ông hàng ngày chỉ trông coi mấy… cái khóa, trông coi để không có người tranh thủ đập kính, phá cửa. Đồng thời khi có người có liên quan đến tòa nhà thì mở cửa cho họ lên…

Người bảo vệ cũng cho biết, nhiều năm qua, không ít người thuộc diện được tái định cư đã tới xem nhà nhưng tất cả đều một đi không trở lại bởi ai cũng chê chất lượng nhà kém. Hơn nữa, nhiều người cũng phàn nàn rằng, nếu về ở, số tiền đền bù họ nhận được cũng không đủ để đóng cho khoản tiền chênh lệch diện tích nhà.

“Khảo sát gì mà khảo sát lắm thế. Khảo sát mãi mà có thấy thay đổi gì đâu” - ông tỏ vẻ bực mình khi chúng tôi tiếp tục nhìn ngó, thăm hỏi.

Cả 5 tòa nhà, không tòa nhà nào có dấu hiệu có người ở. Nghe nói ở tại một tòa có 2, 3 người dân đến ở. Thế nhưng tìm mỏi mắt PV cũng không thấy có lối đi nào khả dĩ để có thể đi vào được bên trong, nơi các cánh cửa kính đã lâu không được lau rửa, chăm sóc mờ những bụi. Những chiếc khóa hoen gỉ, nặng trĩu không biết đã bao lâu không được bàn tay người chạm đến. Lối đi, sảnh tầng 1 gạch đã rạn vỡ, cỏ ken kín các khe hở. Đường xuống hầm để xe rêu xanh mướt, bám đầy lối đi…

Vậy là xây nhà cho người ở, nhưng chỉ ngắn ngủi thời gian được tạm thu dung, dịch Covid-19 đi qua, 5 block nhà lại trở về tình trạng vắng bóng người, hoang phế và ngày càng xuống cấp.

Xây ở khu “đất vàng” rồi lãng quên

Và cũng như khu tái định cư Sài Đồng hay giãn dân phố cổ Thượng Thanh, sừng sững tại số 1 phố Duy Tân, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy cũng hoang vắng đến cả chục năm nay.

Dự án này được bố trí cho các hộ dân thuộc diện giải phóng, thu hồi đất đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài. Đáng nói dù có một vị trí đắc địa, 2 mặt tiền giáp với các tuyến phố trung tâm của quận Cầu Giấy như Duy Tân và Trần Thái Tông. Xung quanh khu nhà này có đủ công viên và cũng là nơi tập trung nhiều trường đại học lớn. Nhưng tiếp tục, đây lại là một trong những tòa nhà để không cho… “gió” ở.

Theo ghi nhận của PV, dự án được bao quanh bởi một hàng rào bằng tôn có dấu hiệu xô lệch sau thời gian dài phơi nắng, phơi mưa, mặc dù phần thô đã cơ bản sắp hoàn thiện xong nhưng hiện nay đang nằm chờ. Bên trong dự án cỏ dại mọc um tùm, cây cao quá đầu người, che kín lối đi lại. Khu tầng 1 có chút sinh động khi xuất hiện vài vật dụng, quần áo được phơi tạm bợ… có lẽ, một số công nhân xây dựng các công trình xung quanh đã ở tạm nơi đây.

Khi được hỏi về tòa nhà đó, ông Nguyễn Văn Long, người dân ở đây cho biết: “Mấy năm nay tôi không thấy công nhân nào thi công ở đây cả, có cái máy cẩu để đó cũng bắt đầu hoen gỉ, cỏ mọc ngang người rồi. Tôi nghĩ những đơn vị liên quan cần nhanh chóng giải quyết tòa nhà này, cứ để thế này quả thực lãng phí đất, trong khi đó nhiều người vẫn còn phải đi thuê nhà để ở”.

Ông nói thêm, công trình bỏ hoang, không có đơn vị nào chăm sóc, quản lý, thế nên có chút vỉa hè của công trình được một số người đến căng dây, sử dụng làm nơi trông giữ xe đạp, xe máy.

Còn chị Nguyễn Thùy Linh (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy) cho biết, khu vực Duy Tân có mật độ dân cư cao, chung cư san sát trong khi tòa nhà này xây xong rồi bỏ không, rất lãng phí.

“Người dân đã nhiều lần kiến nghị với phường đề xuất hướng xử lý cho người dân vào ở, nếu cứ để vậy tòa nhà sẽ xuống cấp cùng thời gian đến mức không ở được nữa” - chị nói.

(Còn nữa)

Kỳ 1: Nhà không có người ở, đất trống được tận dụng để… trồng rau
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động