Làm rõ vụ khách Tây “tố” bị trả 900.000 đồng tiền âm phủ ở bờ hồ Hoàn Kiếm
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTrả lại tiền âm phủ cho khách?
Thông tin từ lãnh đạo Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết: Ngày 17-7, trên mạng xã hội facebook xuất hiện thông tin kèm theo clip phản ánh việc 2 du khách người Pháp bị một người lái xe xích lô trả lại 900.000 đồng tiền âm phủ, sau khi thuê người này chở đi tham quan phố cổ với mức phí 600.000 đồng/giờ.
Số tiền âm phủ được tài xế taxi trả lại cho khách nước ngoài sau đó đã bị tố giác. |
Sau khi nắm bắt được sự việc trên, Công an quận đã giao Đội cảnh sát hình sự vào cuộc điều tra, xác minh.
Kết quả điều tra cho thấy, hai du khách xuất hiện trong clip mang quốc tịch Tây Ban Nha chứ không phải mang quốc tịch Pháp như thông tin ban đầu. Đồng thời, cơ quan công an cũng xác định được đối tượng trả lại tiền âm phủ là Trần Văn Phong, sinh năm 1989, trú tại Xuân Phương, Xuân Trường, Nam Định, hiện đang là lái xe taxi.
Theo điều tra của cơ quan công an, khoảng 19g ngày 16-7, sau khi rời một nhà hàng trên phố Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, anh Miguel Fernandez Lamelas, sinh năm 1981 cùng bạn gái là Elena Blasco Hernandez, sinh năm 1981, cùng mang quốc tịch Tây Ban Nha thuê lái xe taxi chở về khách sạn nằm trên địa bàn phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội.
Khi về đến khách sạn, anh Muguel đưa cho Phong 500.000 đồng, trong khi đồng hồ tính tiền cho thấy quãng đường đi của anh Muguel cùng bạn gái hết 37.000 đồng.
Không có tiền trả lại, và nghĩ rằng hai du khách nước ngoài không rõ tiền Việt, cộng thêm việc bất đồng ngôn ngữ, nên Phong nảy lòng tham. Tài xế taxi đã lấy trong xe 3 tờ tiền âm phủ, hai tờ mệnh giá 200.000 đồng và 1 tờ mệnh giá 500.000 đồng đưa cho anh Muguel. Nghĩ rằng tài xế trả tiền thừa nên anh Muguel nhét ngay vào túi.
Đến sáng 17-7, Muguel cùng bạn gái thuê một chiếc taxi khác chở đến 21 Hàng Thùng để mua vé đi du lịch Sa Pa. Tới nơi, du khách này lấy tờ tiền được trả lại hôm qua đưa cho lái xe taxi, thì mới biết đó chỉ là một tờ tiền âm phủ không có giá trị. Tuy nhiên, cả hai không đến cơ quan công an trình báo mà tiếp tục đi Sa Pa chơi, và quay lại Hà Nội vào chiều 19-7.
Tại cơ quan công an, tài xế taxi Trần Văn Phong đã khai nhận toàn bộ hành vi của mình.
Có thể xử lý hình sự ?
Dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, hành vi của đối tượng đã xâm phạm đến quyền sở hữu của người khác về tài sản được pháp luật bảo vệ.
Tài xế taxi Trần Văn Phong có thể bị xử lý hình sự? |
Xét hành vi khách quan của đối tượng thấy, lợi dụng hai du khách không biết tiếng Việt và phân biệt tiền Việt Nam với tiền âm phủ (dùng trong thờ cúng theo phong tục tập quán của dân tộc) đã dùng thủ đoạn gian dối trả lại tiền thừa bằng tiền âm phủ không có giá trị sử dụng nhằm mục đích chiếm đoạt số tiền thừa phải trả cho khách khi họ đưa 500.000.
Đáng lẽ ra, theo đúng cước phí thanh toán hết 37.000 đồng mà họ đưa 500.000 đồng thì lái xe phải trả lại tiền thừa là 463.000 đồng nhưng đối tượng đã đưa trả lại bằng 3 tờ tiền âm phủ, hai tờ mệnh giá 200.000 đồng và 1 tờ mệnh giá 500.000 đồng không có giá trị sử dụng.
Hành vi của đối tượng đã dùng thủ đoạn gian dối trả lại tiền thừa bằng tiền âm phủ làm cho 2 người khách nước ngoài tin số tiền trả lại đó là sự thật đã cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 174 BLHS 2015.
Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là loại tội phạm có cấu thành vật chất nên tài sản chiếm đoạt thông thường phải từ 2 triệu đồng trở lên mới bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, trường hợp chiếm đoạt số tiền dưới 2 triệu thì ngoài việc người phạm tội đã bị xử phạt hành chính thì theo quy định mới của Bộ luật hình sự 2015 vẫn có thể bị xử lý hình sự theo tình tiết định khung theo điểm c, khoản 1 Điều 174 BLHS 2015 “ Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội”
Theo quan điểm của luật sư, hành vi phạm tội của đối tượng đã gây ảnh hưởng rất đến an ninh trật tự trên địa bàn Thủ đô, gây bất bình trong dư luận xã hội và làm giảm uy tín, thiện cảm trong con mắt người nước ngoài khi đến Thủ đô Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung nên cần phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật mới có đủ sức răn đe, cảnh báo cho những đối tượng đã và đang có những hành vi đi ngược lại những giá trị văn hóa, văn minh tốt đẹp của truyền thống văn hóa người Việt Nam.
Trường hợp, nếu Cơ quan điều tra xét thấy hành vi của đối tượng chưa đến mức xử lý hình sự thì đối tượng sẽ bị xử phạt hành chính theo điểm c, khoản 1 Điều 15 Nghị định 167/2013 với mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng về hành vi “Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác”.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại