Thứ sáu 22/11/2024 17:44

Làm gì để gia tăng giá trị cho ngành dệt may

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Đặc trưng của ngành sản xuất sản phẩm dệt may (DM) Việt Nam là nguyên, phụ liệu sản xuất hầu hết phải nhập khẩu do nguồn cung trong nước không đủ và không đáp ứng được yêu cầu của các DN sản xuất. Do các nhóm ngành công nghiệp phụ trợ của DM kém phát triển; ngành sản xuất sợi hạn chế về công nghệ, máy móc, năng suất và chất lượng, không đáp ứng được nhu cầu của ngành… dẫn đến ngành DM xuất khẩu hoàn toàn bị động về nguyên liệu.

Trong đó, nhập khẩu vải và nguyên phụ liệu ngành dệt may hiện đang có giá trị khoảng 40% giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc; trong đó, 70% vải nhập khẩu phục vụ cho mục đích may xuất khẩu. Như vậy, chi phí cho nhập khẩu nguyên phụ liệu đang chiếm khoảng 30% tổng giá trị xuất khẩu của DN.

Ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Công nghiệp (Bộ Công thương) cho rằng, điểm nghẽn lớn nhất của ngành DM là việc, mới chỉ tham gia vào chuỗi giá trị ở phân khúc thấp, trong khi phần thương hiệu và thiết kế là khâu tạo ra giá trị gia tăng rất lớn vẫn còn không ít hạn chế.

Trước vấn đề này, đầu tháng 8-2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ (NQ 115). Các DN DM đang trông đợi, NQ 115 sẽ tháo gỡ được nút thắt bấy lâu nay về nguyên phụ liệu DM. Nghị quyết đặt ra mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ cung cấp trong nước của ngành DM đạt 65%, với các sản phẩm có giá trị gia tăng cao phục vụ sản xuất, xuất khẩu.

lam gi de gia tang gia tri cho nganh det may
Ngành DM là mặt hàng xuất khẩu chủ lực thứ ba với giá trị gần gấp đôi giá trị xuất khẩu hàng nông sản. Ảnh tư liệu

Thách thức đầu tiên là khơi thông nguồn vốn đầu tư, NQ 115 đã đưa ra yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh các chính sách tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ bảo đảm tính hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN công nghiệp hỗ trợ có thể tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi; chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành và UBND các địa phương để hướng dẫn, chỉ đạo các tổ chức tín dụng cho vay ưu đãi thông qua cấp bù chênh lệch lãi suất từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, ngân sách địa phương và các nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài.

Tổng hợp nhu cầu cấp bù lãi suất của các tổ chức tín dụng để thực hiện hỗ trợ cấp bù chênh lệch lãi suất cho các DN công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm… Cùng đó NQ 115 cũng nhấn mạnh xây dựng các khu công nghiệp hỗ trợ tập trung để tạo cụm liên kết ngành.

Như vậy, về phía quản lý Nhà nước đã có những bước đi quan trọng, giờ là lúc các DNDM cũng phải nắm bắt cơ hội để gia tăng hàm lượng giá trị sản phẩm thông qua việc đầu tư vào sáng tạo, đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh. Tiếp đến là chủ động liên kết với khách hàng nhằm hình thành chuỗi sản xuất, đáp ứng quy tắc xuất xứ theo cam kết của các Hiệp định thương mại thế hệ mới (FTA) mà Việt Nam đã ký kết với các nước và các khu vực.

Nhìn lại quá trình một năm thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có thể thấy, tỷ lệ tận dụng lợi thế đối với ngành DM là không đáng kể bởi DN hầu như chưa đáp ứng được các yêu cầu về xuất xứ hàng hóa. Đây cũng là điều sẽ hạn chế DN Việt Nam đón bắt cơ hội thuế quan từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên hiệp châu Âu (EVFTA), đã có hiệu lực từ ngày 1-8-2020.

Chỉ khi giải được bài toán nguyên phụ liệu và gia tăng hàm lượng sáng tạo, DNDM mới có thể vươn lên thứ hạng cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Và Nhà nước sẽ tạo thêm động lực quan trọng khi đồng hành cùng các DN, tạo nên hệ sinh thái phát triển bền vững cho một ngành mũi nhọn. Nói như TS Phạm Sỹ Thành, GĐ Chương trình nghiên cứu chiến lược Mê Công - Trung Quốc (MCSS), muốn đầu tư nhiều hơn vào sáng tạo, rất cần Nhà nước có những thay đổi mạnh mẽ về chính sách và cơ cấu thuế, giá phù hợp...

Nguyễn Đăng
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động