Thứ hai 02/09/2024 08:17
Kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9

Ký ức một thời hoa lửa về ngày Thu cách mạng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
79 năm mùa Thu cách mạng nhưng ký ức về những tháng năm tuổi trẻ sục sôi cách mạng vẫn vẹn nguyên trong trái tim những nhân chứng lịch sử, người chiến sĩ cách mạng của Đoàn thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu. Họ là đại diện của 210 thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu luôn giữ vững ngọn lửa cách mạng cả trong thời chiến và thời bình.
Ký ức một thời hoa lửa về ngày Thu cách mạng
Ông Lê Đức Vân với tờ báo “Hồn nước” Ảnh: MỘC MIÊN

Khí thế sục sôi cách mạng trong lớp thanh niên Hà Nội

Hà Nội, những ngày Thu tháng Chín, trên mọi tuyến đường, ngõ phố rợp cờ hoa chào mừng kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9. Cuộc trò chuyện với ông Lê Đức Vân, tên thật Nguyễn Hữu Phúc (SN 1926, hiện sinh sống tại quận Long Biên, Hà Nội) - Trưởng ban Liên lạc cựu thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu trước Cách mạng Tháng Tám và nhà giáo ưu tú Nguyễn Tiến Hà, tên thật là Nguyễn Hữu Tự (SN 1928, quận Đống Đa, Hà Nội) - Phó Trưởng ban Thường trực Liên lạc cựu thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu trước Cách mạng Tháng Tám, Trưởng ban Liên lạc các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Nhà lao Hỏa Lò (1930-1945) cho chúng tôi được biết nhiều hơn về khí thế cách mạng đã trải qua 79 năm mùa Thu lịch sử.

Sống trong những lời kể bình dị về những ngày đầu năm 1944, lúc đó ông Lê Đức Vân là một thanh niên trẻ đang học trường Bưởi, từng tham gia hội Tu Thân (sau đó trở thành đội Ngô Quyền) được kết nạp đảng viên từ năm 16 tuổi. Tham gia lớp học đảng viên mới do đồng chí Lê Quang Đạo giảng bài. Chương trình học có nhiều nội dung, trong đó công tác tuyên truyền đấu tranh và làm báo để tuyên truyền. Sau khi lớp học kết thúc, ông Lê Đức Vân được đồng chí Lê Quang Đạo giao cho nhiệm vụ phụ trách một tờ báo của nam nữ thanh niên cứu quốc Thủ đô. Theo chỉ đạo của Thường vụ TƯ Đảng, tháng 2/1943: “Mỗi thành phố lớn phải có một ban thanh vận và ra một tờ báo riêng của thanh niên”.

Ký ức một thời hoa lửa về ngày Thu cách mạng
Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội trao Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng cho đảng viên lão thành Lê Đức Vân tại nhà riêng Ảnh 2: V N HÀ

Trước yêu cầu của cách mạng và dưới sự lãnh đạo của Đảng, tháng 8/1944, tại số 46 phố Bát Đàn (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), Đoàn thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu chính thức được thành lập (một tổ chức của thanh niên Hà Nội trực thuộc Mặt trận Việt Minh). Khi đó, ông Lê Đức Vân cùng đông đảo học sinh của các trường Bưởi, Thăng Long, Gia Long, Đồng Khánh, Văn Lang… đã hoạt động công khai, tuyên truyền về tổ chức Việt Minh ở nơi công cộng như các chợ, trường học, rạp chiếu bóng, xí nghiệp bằng nhiều hình thức từ tuyên truyền miệng đến rải truyền đơn nhằm chuyển tải đến mọi tầng lớp Nhân dân về lý tưởng cách mạng soi đường. Ông Lê Đức Vân phụ trách tờ báo có tên “Hồn nước - tiếng nói của nam nữ Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu trong những ngày tháng Tám lịch sử.

Ông Lê Đức Vân cho biết: “Điều tự hào sau ngày 19/8/1945 chỉ có duy nhất Hà Nội thực hiện được chỉ đạo Thường vụ T.Ư Đảng, một ban thanh vận ra tờ báo riêng. Tờ báo “Hồn nước” trở thành “Mạng lưới cảm tình” rất quan trọng trong việc giác ngộ thanh niên và kết nạp đoàn viên mới vào tổ chức Thanh niên cứu quốc”.

Trong khí thế cách mạng, ông Nguyễn Tiến Hà là lớp thanh niên giác ngộ cách mạng từ sớm và tham gia đội tự vệ Đoàn thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu. Thời gian đầu, ông Nguyễn Tiến Hà tham gia làm giáo viên dạy Truyền bá quốc ngữ, tổ chức bí mật của Mặt trận Việt Minh (thành lập năm 1941). Nhớ lại ngày cầm đèn dầu trong tay, đêm đêm người thanh niên quả cảm đến trường “Công Ích” ngõ Chùa Liên Phái, Bạch Mai (nay thuộc quận Hai Bà Trưng) để dạy chữ cho người lao động. Thực tế để giúp cho người dân lao động thoát khỏi nạn mù chữ, đọc được truyền đơn, báo chí cách mạng. Thông qua đó, giác ngộ, động viên, tập hợp quần chúng theo Việt Minh làm cách mạng.

Ký ức một thời hoa lửa về ngày Thu cách mạng
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Tiến Hà Ảnh: NVCC

Trước ngày Tổng khởi nghĩa, nắm được tin Tổng hội viên chức của Chính phủ Trần Trọng Kim sẽ tổ chức cuộc mít-tinh vào 14h chiều 17/8/1945 tại Quảng trường Nhà hát Lớn, Đoàn thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu cùng hàng vạn thanh niên được triệu tập huy động đến dự và nhận nhiệm vụ “biến” buổi lễ thành cuộc mít-tinh ủng hộ Việt Minh tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền.

Ông Lê Đức Vân bày tỏ: “Dưới ngọn cờ Mặt trận Việt Minh, Đoàn thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu là lực lượng xung kích trong các mặt trận có đóng góp vào sự thành công của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ngày 19/8/1945 tại Hà Nội. Dấu mốc ngày Hà Nội tổng khởi nghĩa giành chính quyền 19/8/194 5 là khúc tráng ca hào hùng lịch sử để tới ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, mở ra một kỷ nguyên mới của dân tộc ta”.

Niềm hân hoan về ngày Tết Độc lập

Trong các kỷ vật được lưu giữ tại di tích lịch sử Quốc gia (48 Hàng Ngang, phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), nơi Bác Hồ soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 2/9/1945, ông Nguyễn Tiến Hà ghi dấu ấn về bản Tuyên ngôn Độc lập được treo trang trọng cùng bức chân dung các đồng chí lãnh đạo anh dũng, kiên trung, đặc biệt là những kỷ vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh như chiếc áo kaki, vali mây đều mang đức tính giản dị của Người.

79 năm qua, những hình ảnh ký ức của buổi lễ 2/9/1945 vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí nhà giáo ưu tú Nguyễn Tiến Hà. Đó là hình ảnh biển người hòa trong niềm vui lớn của toàn Đảng, toàn dân tộc, giữa rừng cờ đỏ sao vàng trở thành niềm tự hào, thiêng liêng của người dân và lớp thanh niên Hà Nội.

Ký ức một thời hoa lửa về ngày Thu cách mạng
Di tích lịch sử quốc gia 48 Hàng Ngang, nơi Bác Hồ soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 2/9/1945 trở thành điểm tham quan lịch sử ý nghĩa của thế hệ trẻ Ảnh: MỘC MIÊN

Là người vinh dự trong hàng ngũ đoàn thanh niên Hà Nội được bố trí đứng trước kỳ đài, ông Nguyễn Tiến Hà lần đầu được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh khoảng cách gần, khác với tâm tưởng của ông và người dân hôm đó, trên kỳ đài là hình ảnh giản dị của Người. Chủ tịch Hồ Chí Minh giản dị với bộ quần áo kaki đã bạc màu, bộ quần áo phong sương gắn bó với Người từ chiến khu Việt Bắc trở về đây, trong buổi lễ trang trọng, thiêng liêng của toàn dân tộc. Nhìn thấy, hàng vạn người dân ai ai cũng thấy xúc động về sự giản dị của Người.

Một ấn tượng nữa đối với nhà giáo ưu tú Nguyễn Tiến Hà, trong thời khắc đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, đôi lúc Chủ tịch Hồ Chí Minh dừng lại và hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Ở phía khán đài mọi người đồng thanh hô: “Có, rõ ạ!”.

Trong thời khắc thiêng liêng của ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, dù không nằm trong nội dung bản Tuyên ngôn, nhưng câu nói rất đỗi mộc mạc, giản dị thể hiện sự gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Nhân dân, vừa thể hiện tính nhân văn cao cả của một nhà văn hóa kiệt xuất, vị lãnh tụ thiên tài của Đảng và Nhân dân Việt Nam.

Trải qua chặng hơn nửa thế kỷ, cuộc khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9 là mốc son chói lọi trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Nhìn lại quá khứ và kết nối hiện tại, những bài học lịch sử của cuộc khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 vẫn còn nguyên giá trị. Đó là tinh thần yêu nước, ý chí luôn sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ Tổ quốc, phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc tạo nên sức mạnh của thời đại.

Năm 2021, Đoàn thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Năm 2023, ông Lê Đức Vân trao tặng danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú về những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp cách mạng và xây dựng Thủ đô.
Phố phường Hà Nội rực rỡ cờ hoa chào mừng những ngày lễ lớn của đất nước
Đại đoàn kết, bài học không bao giờ cũ
Mộc Miên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động