Ảnh
Thăm căn nhà đầu tiên đón Bác Hồ về Hà Nội năm 1945
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ngôi nhà nhỏ nằm trong con ngõ 319 phố An Dương Vương (quận Tây Hồ, TP. Hà Nội) là nơi đầu tiên tại Thủ đô đón Bác Hồ trở về từ chiến khu Việt Bắc, chuẩn bị cho Ngày Quốc Khánh 2/9/1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
|
Trước khi về 48 Hàng Ngang viết bản Tuyên ngôn độc lập, Bác Hồ đã dừng chân tại một ngôi nhà ở Hà Nội nằm trong ngõ 319 An Dương Vương. Ngôi nhà ấy gia đình ông Công Ngọc Dũng gìn giữ mấy chục năm nay. |
|
Căn nhà nhỏ nằm ven sông Hồng của cụ Nguyễn Thị An là nơi thường xuyên tiếp nhiều đoàn khách, cán bộ cách mạng năm xưa. |
|
Do vị trí kín đáo, lại nằm trong vùng an toàn khu ở ngoại thành Hà Nội nên ngôi nhà này đã được chọn làm địa điểm dừng chân của Bác Hồ trong 3 ngày Người từ chiến khu Việt Bắc trở về Thủ đô Hà Nội. |
|
Từ năm 1941 đến năm 1945, căn nhà của cụ Nguyễn Thị An đã trở thành “địa chỉ đỏ” hoạt động bí mật, an toàn, nơi cung cấp lương thực, thực phẩm cho cán bộ cách mạng. |
|
Theo ông Công Ngọc Dũng (Chắt của cụ Nguyễn Thị An), từ ngày 23-25/8/1945, gia đình ông đón đoàn cán bộ 10 người về. Do tính chất quan trọng và bí mật được đặt lên cao nhất, gia đình ông không hề biết Bác Hồ là một trong 10 người đó. |
|
Trong những ngày Bác Hồ nghỉ ngơi và làm việc tại gia đình, để đảm bảo bí mật và an toàn cho Bác nên các thành viên trong gia đình chỉ có mình cụ An (tức vợ của cụ Chánh Công Văn Trường) là người duy nhất được phục vụ cơm cho Bác và các đồng chí trong đoàn đi cùng |
|
Đến nay, không có nhiều người biết tới địa chỉ này. Hầu hết mọi người chỉ biết tới căn nhà số 48 Hàng Ngang, là nơi Bác Hồ đã viết bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử. |
|
Ông Công Ngọc Dũng chia sẻ thêm: "Theo như lời bố tôi (tức ông Công Ngọc Kha) kể lại, trong đoán cán bộ có một ông cụ râu tóc bạc phơ nhưng quắc thước và cương nghị. Đêm đầu tiên ở nhà, ông cụ đã làm việc rất khuya. Cho đến khi bố tôi đi gác đêm về vẫn thấy ông cụ ngồi trên chiếc tràng kỷ để làm việc. Sớm hôm sau, cả nhà đã thấy ông cụ dậy sớm ra bờ ao tập thể dục. Mặc dù công việc có vẻ rất bận rộn nhưng trong ba ngày đó, ông cụ vẫn dành thời gian để dạy chị gái tôi hát, tập đếm và rèn luyện sức khỏe”. |
|
Cũng theo ông Dũng, chiều 25/8, trước khi trở về Thủ đô, ông cụ đã gặp tất cả những người trong gia đình bà Nguyễn Thị An. Khi gặp mặt, ông cụ đã nói lời cảm ơn vì suốt những ngày qua đã nhận được sự chăm lo, chu đáo, gia đình đã giúp đỡ các anh em trong đoàn. Sau cùng, ông cụ hẹn gia đình khi nào có dịp cụ sẽ quay trở lại. "Mãi đến chiều 2/9/1945, gia đình tôi và nhân dân Phú Thượng cùng đi bộ ra Quảng trường Ba Đình. Khi nghe giọng đọc cất lên qua loa phóng thanh, những người trong gia đình mới nhận ra người đang đọc bản Tuyên ngôn Độc lập ấy hình như là người đã ở trong nhà mình trước đó". |
|
"Chỉ đến khi về nhà, ông Hoàng Tùng (cán bộ Cách mạng tại địa phương), tiết lộ thì mọi người trong nhà mới oà lên, vậy là người ở nhà mình hôm trước chính là cụ Hồ. Mọi người vừa mừng, vừa tiếc nuối vì không nhận ra cụ Hồ sớm hơn" - ông Dũng kể lại. |
|
Những năm qua, căn nhà vẫn đón một vài đoàn khách đến thăm và tìm hiểu về căn nhà đón Bác Hồ đầu tiên khi Bác trở về Hà Nội. |
|
Đã hơn 20 năm nay, vợ chồng ông Công Ngọc Dũng vẫn miệt mài quét dọn, tu sửa ngôi nhà và làm "hướng dẫn viên" không công kể lại những câu chuyện lịch sử từng diễn ra tại đây với khách tham quan. |
|
Vừa qua, ngôi nhà của cụ Nguyễn Thị An đã được trao bằng công nhận di tích Quốc gia. |
|
Ông Dũng cho biết, trách nhiệm trông coi ngôi nhà đến bây giờ, không chỉ có thế hệ trước mà cả các con, cháu trong gia đình hiện tại. Hiện gia đình ông vẫn duy trì nếp sinh hoạt thường niên, chọn ngày 23/8 hằng năm là ngày đoàn tụ. Bố mẹ kể cho con, ông bà kể cho cháu về những kỷ niệm trong ngôi nhà vinh dự có 3 ngày được Bác Hồ ghé thăm năm 1945. |
Khánh Huy