Kỳ cuối: Ý chí mở ra con đường
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHà Nội là Thủ đô, trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước. Ảnh: Khánh Huy |
Từ quyết tâm đưa văn hoá đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội
Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI của Đảng bộ thành phố và Chương trình số 04-CTr/TU ngày 26/4/2016 của Thành ủy (khóa XVI) về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020”; Công tác phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh của Đảng bộ Hà Nội đạt được kết quả đáng ghi nhận, góp phần tích cực vào thành tựu chung của sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô.
Cùng với đó, nhận thức, ý thức trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân đối với sự nghiệp phát triển văn hoá, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có chuyển biến tích cực, phát triển văn hoá ngày càng gắn bó hơn với nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, từng bước trở thành một trong những nguồn lực quan trọng góp phần xây dựng Thủ đô phát triển nhanh và bền vững.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện chương trình trên còn một số hạn chế, khuyết điểm như công tác bảo tồn, khai thác, phát huy vai trò của văn hóa trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập, phát triển chưa tương xứng với các tiềm năng, thế mạnh, vị thế của Thủ đô; hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cấp thành phố và cơ sở còn thiếu, chưa đồng bộ; chưa có chiến lược, giải pháp đột phá, đồng bộ để phát triển và nâng cao năng lực hội nhập quốc tế về văn hóa, việc chỉ đạo phát triển công nghiệp văn hóa còn hạn chế,...
Một trong những nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, khuyết điểm đó chính là việc đầu tư cho lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng, còn dàn trải; chưa nắm bắt kịp thời những vấn đề mới về văn hóa để đầu tư đúng hướng, hiệu quả.
Để phát huy kết quả đã đạt được, đồng thời khắc phục những hạn chế, ngày 17/3/2021, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình 06-CTr/TU về “Phát triển văn hoá, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” đặt ra 7 nhóm chỉ tiêu cùng các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm xây dựng và phát triển ngành công nghiệp văn hoá tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô.
Mục tiêu của chương trình là phát triển văn hoá và con người Hà Nội trên cơ sở phát huy truyền thống Thăng Long – Hà Nội nghìn năm văn hiến; Thành phố vì hòa bình, Thành phố sáng tạo và tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại. Xác định rõ phát triển văn hoá, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị; thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, sức mạnh, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của Thủ đô.
Lộ trình thực hiện được chia ra làm 3 giai đoạn, trong đó từ năm 2021 đến năm 2024: Tập trung tổ chức thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, đề án, dự án, chuyên đề, kế hoạch công tác,...
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa diễn ra cuối năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước”.
Đồng thời, Tổng Bí thư yêu cầu: “Huy động tối đa các nguồn lực để phát triển văn hoá. Khắc phục tư tưởng "duy kinh tế", chỉ tập trung cho kinh tế mà ít quan tâm đến văn hoá. Phải quán triệt nghiêm túc quan điểm "văn hoá phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội".
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn cũng nhấn mạnh tại phiên giải trình về việc đầu tư, khai thác, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn thành phố (ngày 25/4/2022): Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố đã xác định một trong ba khâu đột phá của nhiệm kỳ 2020-2025 là: “Đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định sự phát triển bền vững Thủ đô”.
Ngoài Chương trình số 06-CTr/TU về "Phát triển văn hoá, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025"; Thành ủy cũng ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", trong đó nêu rõ nhiệm vụ “Rà soát, cập nhật “Quy hoạch phát triển văn hóa Hà Nội” vào điều chỉnh bổ sung Quy hoạch thành phố”.
Theo Nghị quyết về phát triển ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030, tầm nhìn đến 2045, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2045, “ngành công nghiệp văn hóa thủ đô là ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển toàn diện, là động lực phát triển các ngành, lĩnh vực khác, là tiền đề để xây dựng Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế văn hóa phát triển toàn diện, bền vững, trở thành “Thành phố sáng tạo” của khu vực châu Á, thành phố kết nối toàn cầu, trung tâm văn hóa du lịch lớn đặc sắc, có sức cạnh tranh quốc tế. Hình thành một số công trình văn hóa mới của Thủ đô và Việt Nam, mang tính biểu tượng văn hóa có tầm cỡ khu vực và thế giới.
Thành phố đặt mục tiêu bố trí quỹ đất, nguồn lực cho các dự án phát triển văn hóa chất lượng cao, ưu tiên phát triển không gian công cộng, điểm du lịch văn hóa, vui chơi giải trí, nghệ thuật biểu diễn, tạo không gian văn hóa cho cộng đồng.
Đến xây dựng những công trình văn hóa, du lịch mang tính biểu tượng
Đầu năm 2022, trang web Trip Advisor xếp hạng thành phố Hà Nội đứng thứ 2 trong danh sách top 25 điểm đến du lịch phổ biến nhất châu Á và đứng thứ 6 trong danh sách top 25 điểm đến du lịch phổ biến nhất thế giới.
Tạp chí Time (Mỹ) bình chọn Thủ đô Hà Nội là 1 trong 3 điểm đến của Việt Nam (Hà Nội, Phú Quốc, TP HCM) vào top 100 nơi tuyệt vời nhất thế giới. Tiếp đó, trang Holidu (Anh) chuyên về du lịch quốc tế, xếp Thủ đô Hà Nội ở vị trí thứ 18 trong danh sách 147 TP tuyệt nhất để làm việc và nghỉ ngơi trên thế giới,... Điều đó cho thấy Hà Nội có tiềm năng, sức hút rất lớn đối với du khách quốc tế.
Văn hóa là nền tảng cho du lịch khai thác, phát triển nên muốn du lịch cất cánh (đặc biệt là sau thời gian bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19), không có con đường nào khác là phải phát triển sức mạnh nội tại, quan trọng nhất vẫn là tạo những dấu ấn văn hóa đột phá, tiêu biểu là những công trình mang tính biểu tượng văn hóa tầm cỡ, vừa có diện mạo hiện đại, vừa mang bản sắc riêng.
Theo định hướng quy hoạch, phân khu đô thị sông Hồng có chức năng chính là không gian thoát lũ sông Hồng đoạn qua khu vực đô thị trung tâm được xác định tại Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. |
Trên thế giới, rất nhiều công trình văn hóa, nhà hát Opera đã trở thành biểu tượng một quốc gia (Nhà hát Con Sò tại Sydney, Australia; Nhà hát La Scala - niềm tự hào của "kinh đô nghệ thuật" Milan, Nhà hát lớn Quốc gia Bắc Kinh,...), không chỉ nâng tầm điểm đến, tạo vị thế trên trường quốc tế mà còn đem về doanh thu khổng lồ cho ngành du lịch.
Nếu được xây dựng, công trình Nhà hát Opera Hà Nội không chỉ là nơi tổ chức các chương trình nghệ thuật tầm cỡ, là nơi hội tụ tinh hoa văn hoá của đất nước, mà còn trở thành điểm đến của những các nghệ sĩ lừng danh toàn cầu, nâng tầm vị thế Việt Nam trên bản đồ du lịch và nghệ thuật thế giới, góp phần hoàn thành mục tiêu mà Nghị quyết về phát triển ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025 đặt ra.
Ông Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng hiện nay, Nhân dân, chuyên gia có nhiều ý kiến đóng góp nên Hà Nội cần xem xét, lắng nghe thông tin, tiếp nhận có chọn lọc, chú ý rà soát lại một cách nghiêm túc để tiếp nhận cái hay, cái tốt. Ông Phan Đăng Sơn đánh giá việc xây dựng Nhà hát Opera Hà Nội là cơ hội quý giá với TP vì Hà Nội đã 2 lần lỡ hẹn.
Đường lối của Đảng cũng chỉ ra văn hóa phải đặt ngang với chính trị-xã hội, là động lực phát triển. Cho nên thời điểm hiện nay, cần thiết triển khai trọng tâm, trọng điểm dịch vụ văn hóa, công nghiệp văn hóa. Trong khi Hà Nội có bề dày và tiềm năng phát triển các sản phẩm văn hóa vô cùng to lớn, nhưng triển khai chưa được bao nhiêu.
Ông Phan Đăng Sơn nhấn mạnh việc triển khai xây dựng nhà hát là cấp thiết chứ không phải đúng lúc nữa. Việc xây dựng phải mất khoảng thời gian là 5 năm mới xong. Khi đó, đời sống tinh thần, nhu cầu người dân cao hơn, ngang bằng thế giới và khu vực.
“Nhấn mạnh rằng Hà Nội trong 40 năm qua chưa có công trình văn hóa nào đủ lớn để sánh được với các nước, đủ tầm trong khu vực. Tôi nghĩ rằng nên có một công trình để Hà Nội xứng đáng là trung tâm văn hóa, chính trị cả nước”, ông Phan Đăng Sơn đặt kỳ vọng.
Phối cảnh Công viên lịch sử, văn hóa, tâm linh trên sông Tô Lịch sau khi cải tạo. Ảnh: JVE |
Ngoài Nhà hát Opera, Công viên văn hóa, du lịch được xây dựng ở bãi giữa, bãi bồi sông Hồng hay Công viên lịch sử, văn hóa, tâm linh trên sông Tô Lịch sau khi hoàn thành, chắc chắn sẽ trở thành địa điểm lý tưởng để người dân Thủ đô, du khách trong và ngoài nước tìm đến bởi chúng đều mang dấu ấn văn hóa, lịch sử, hội tụ cả yếu tố thời đại cũng như bản sắc dân tộc, Hà Nội trong đó.
Với Công viên lịch sử, văn hóa, tâm linh trên sông Tô Lịch, đề án này được kỳ vọng không chỉ là giải pháp khắc phục tình trạng mưa ngập của Thủ đô mà còn đem lại diện mạo mới cho dòng sông Tô Lịch nói riêng và diện mạo của thành phố nói chung.
TS. Nguyễn Hoàng Điệp, Giám đốc Trung tâm Dịch thuật, Dịch vụ văn hóa và khoa học công nghệ, khẳng định, sông Tô Lịch sau khi được bảo tồn sẽ có giá trị vô cùng to lớn với Thủ đô Hà Nội. Nó sẽ làm cho thành phố nghìn năm tuổi được tô điểm, nâng cao vị thế hơn, cũng như cứu được một di sản độc nhất vô nhị tại Thủ đô.
“Nếu không bảo tồn, phát huy được giá trị tiềm ẩn của dòng sông này, chúng ta sẽ có tội với lịch sử, có tội với cha ông, tổ tiên, đồng thời phải trả giá với lịch sử. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã bỏ ra nhiều tỷ USD nhằm khôi phục lại những dòng sông đã bị san lấp để làm đường cao tốc. Việc làm ấy đã giúp nâng giá trị TP lên nhiều lần để phục vụ xã hội, cộng đồng và không gian sinh thái, sinh hoạt văn hóa được mở rộng.
Ngoài ra, việc xây dựng hệ thống cao tốc ngầm kết hợp hầm ngầm dưới đáy sông chống ngập lụt thành công, sẽ mở màn và định hướng chiến lược lâu dài để Hà Nội tiếp tục xây dựng nhiều hệ thống tương tự và tiến tới chấm dứt căn bệnh trầm kha về ngập lụt ở Thủ đô”, TS. Nguyễn Hoàng Điệp nhấn mạnh.
Về đề xuất cải tạo sông Tô Lịch của JVE, ông Dương Đức Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhận định: “Chúng tôi hiểu rằng đề xuất hướng đến ba mục tiêu. Thứ nhất là khôi phục, phục hồi, phát triển không gian, kiến trúc cảnh quan, môi trường. Thứ hai là kết hợp với giải pháp xử lý thoát nước công nghệ, đảm bảo khu vực lưu vực cũng như giải quyết vấn đề ngập úng. Thứ ba là kết hợp tổ chức giao thông ngầm dọc sông Tô Lịch. Có thể nói đề xuất kết hợp ba chức năng trong một. Đây là ý tưởng triển khai với quy mô lớn, cần nguồn lực rất lớn để triển khai”.
Hiện tại, lãnh đạo TP đề nghị phía JVE tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện đề xuất cải tạo sông Tô Lịch để làm cơ sở lấy ý kiến các chuyên gia, cơ quan quản lý Nhà nước, xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền.
Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng tỷ lệ 1/5.000 (từ vị trí quy hoạch cầu Hồng Hà đến vị trí quy hoạch cầu Mễ Sở) được phê duyệt cũng đã tạo ra cơ sở pháp lý vững chắc, là bước khởi đầu cho chặng đường hiện thực hóa giấc mơ “thành phố hai bên bờ sông Hồng”.
Đây chính là bước đột phá mới, đánh dấu bước tiến quan trọng trong hành trình xây dựng diện mạo mới của Thủ đô. Khi đó, Hà Nội sẽ quay mặt vào dòng sông để phát triển, thay vì "quay lưng" phát triển về phía Tây. Phát triển khu vực sông Hồng trở thành trục “hành lang xanh” cũng góp phần thúc đẩy các hoạt động văn hóa, du lịch, ổn định cuộc sống của người dân địa phương.
Hà Nội là Thủ đô, trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước nên đặc biệt rất cần có sự hiện diện của những công trình văn hóa mới, mang tính biểu tượng về văn hóa của quốc gia. Đó chính là sứ mệnh to lớn mà đất nước trao gửi cho Hà Nội. Tất nhiên, trên chặng đường biến "giấc mơ" thành sự thật, Hà Nội sẽ phải vượt qua rất nhiều chông gai, thử thách nhưng không vì thế mà chúng ta từ bỏ.
Sẵn sàng đối diện với khó khăn bằng tất cả sức mạnh nội tại, sự sáng tạo, ý chí khát khao, kiên trì, đồng lòng, nhất trí của Đảng bộ, Nhân dân Thủ đô, "giấc mơ" về một Hà Nội - Thành phố sáng tạo, trung tâm dịch vụ chất lượng cao của khu vực và thế giới chắc chắn sẽ trở thành sự thật trong một ngày không xa.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại