Thứ sáu 29/03/2024 15:39
Hà Nội trên chặng đường biến "giấc mơ" thành sự thật:

Kỳ 4: Xây dựng Nhà hát Opera Hà Nội - “hòn đảo âm nhạc” giữa Hồ Tây lãng mạn

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Vừa qua, UBND quận Tây Hồ (Hà Nội) tổ chức hội nghị lấy ý kiến người dân đối với đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu vực trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An, nơi dự kiến sẽ xây dựng Nhà hát Opera có quy mô hơn 1.800 chỗ.
Kỳ 4: Xây dựng Nhà hát Opera Hà Nội - “hòn đảo âm nhạc” giữa Hồ Tây lãng mạn
Kiến trúc độc đáo của Nhà hát Opera Hà Nội mà Kiến trúc sư nổi tiếng - huyền thoại sống của ngành kiến trúc toàn cầu - Renzo Piano mong muốn xây dựng tại khu vực Hồ Tây

Không đơn thuần chỉ là nhà hát

Công trình này được thiết kế bởi KTS Renzo Piano (người Italy). Ông là một trong số những kiến trúc sư nổi tiếng làm nên bộ mặt kiến trúc thế kỷ 20, cũng là người Italy đầu tiên vào top 100 người có sức ảnh hưởng nhất thế giới theo TIME năm 2006. KTS Renzo Piano cũng từng đạt nhiều giải thưởng danh giá như Pritzker Prize năm 1998 - được xem như giải Nobel của ngành kiến trúc toàn cầu.

UBND quận Tây Hồ cho biết, Hồ Tây có cảnh quan mặt nước khoảng 400 ha, xung quanh là nhiều di tích lịch sử, văn hóa mang đặc trưng Thăng Long - Hà Nội, tuy nhiên lâu nay vẫn chưa được khai thác hết.

Vì vậy, quận xác định cần tập trung đầu tư cải tạo hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xây dựng và phát triển bán đảo Quảng An thành trung tâm dịch vụ văn hóa, thương mại, du lịch chất lượng cao… nhằm khai thác tối ưu và bền vững những giá trị độc đáo riêng biệt ở đây mà không nơi nào trên địa bàn Thủ đô Hà Nội có được.

Về mặt pháp lý, quy hoạch được lập nhằm cụ thể hóa Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 2078/ QĐ-UBND ngày 10/5/2021 của UBND thành phố Hà Nội về việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu đô thị khu vực Hồ Tây và vùng phụ cận.

Chỉ đạo của Đảng, Chính phủ về công tác văn hóa; Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” cũng nêu rõ nhiệm vụ “Rà soát, cập nhật "Quy hoạch phát triển văn hóa Hà Nội" vào điều chỉnh bổ sung Quy hoạch thành phố”. Thành phố đặt mục tiêu bố trí quỹ đất, nguồn lực cho các dự án phát triển văn hóa chất lượng cao, ưu tiên phát triển không gian công cộng, điểm du lịch văn hóa, vui chơi giải trí, nghệ thuật biểu diễn, tạo không gian văn hóa cho cộng đồng.

Theo ông Nguyễn Lê Hoàng, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ, đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 này có phạm vi nghiên cứu trên 77ha; trong đó, diện tích lập quy hoạch trên 45ha, thuộc địa giới hành chính phường Quảng An và một phần của phường Tứ Liên. Mục đích của quy hoạch chi tiết khu vực bán đảo Quảng An nhằm phát triển khu vực này trở thành điểm nhấn kiến trúc; một trung tâm sinh hoạt văn hóa của Thủ đô.

Theo quy hoạch, đồ án có trục cây xanh, khu vui chơi giải trí, công viên văn hóa tâm linh, công viên văn hóa nghệ thuật chuyên đề, gồm: việc xây dựng một nhà hát quy mô lớn, hiện đại, tiêu biểu cho thủ đô Hà Nội được chủ trương thực hiện theo hình thức xã hội hóa, hóa dưới sự kiểm soát của thành phố trong suốt quá trình thiết kế, thi công và vận hành công trình. Ngoài ra, trung tâm thương mại, khách sạn, dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng, cũng được tích hợp trong đồ án quy hoạch này.

Phạm vi ranh giới lập quy hoạch bao gồm phía Đông Bắc giáp đường Xuân Diệu; phía Tây Bắc giáp các khu đất ven đường Đặng Thai Mai và giáp hồ Thủy Sứ; phía Tây Nam giáp mặt nước Hồ Tây; phía Đông Nam giáp các khu đất ven trục không gian Đặng Thai Mai, khu biệt thự Tây Hồ.

Cũng theo ông Nguyễn Lê Hoàng, sau khi lấy ý kiến cộng đồng dân cư, UBND quận Tây Hồ sẽ cập nhật tất cả các ý kiến đóng góp, gửi chuyển lại cho đơn vị tư vấn hoàn chỉnh thêm. Trên cơ sở đó, quận sẽ báo cáo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội thẩm định lại đồ án.

Điểm nổi bật của đồ án này chính là công trình Nhà hát Opera Hà Nội được xây dựng trên Đầm Trị thuộc Hồ Tây. Điều đặc biệt, gọi là nhà hát Opera nhưng nó không đơn thuần chỉ là nơi để thưởng thức âm nhạc, mà trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An được chia thành 3 khu vực gồm: Không gian ngầm đường Đặng Thai Mai; không gian ngầm khu văn hóa đa năng Quảng An và không gian ngầm cụm công trình nhà hát Opera.

Các phần khớp nối với các dự án đã được UBND thành phố Hà Nội cấp phép nghiên cứu trong ranh giới lập quy hoạch như công viên gốm sứ, bãi đỗ xe, công viên cây xanh, công viên sinh thái. Phân khu chức năng, hình thành trục cây xanh, khu vui chơi giải trí, công viên văn hóa tâm linh, công viên văn hóa nghệ thuật chuyên đề; trong đó có xây dựng 1 nhà hát quy mô lớn, hiện đại, tiêu biểu cho thủ đô Hà Nội.

Dự án cũng nhằm thiết lập trục kết nối từ trung tâm khu đô thị Tây Hồ Tây - Hồ Tây - bán đảo Hồ Tây -Sông Hồng - thành Cổ Loa. Bảo tồn, tôn tạo và khai thác các giá trị đặc trưng về văn hóa, cảnh quan, mặt nước Hồ Tây, hồ Đầm Trị, các di tích đình, đền, chùa,... hiện có. Bên cạnh đó, cải thiện hạ tầng kỹ thuật, giao thông, bổ sung bãi đỗ xe, bảo vệ môi trường sinh thái mặt nước Hồ Tây và môi trường khu vực.

Theo UBND quận Tây Hồ, công trình Nhà hát Opera được thực hiện theo hình thức xã hội hóa, dưới sự kiểm soát chặt chẽ của thành phố trong suốt quá trình thiết kế cũng như thi công và vận hành công trình.

Việc thi công nhà hát đảm bảo không ảnh hưởng đến mặt nước Hồ Tây, thi công trên cơ sở nạo vét lòng hồ, làm sạch hồ để đảm bảo hiệu ứng cho thiết kế mái vòm của nhà hát. Thiết kế của nhà hát được cân nhắc trên cơ sở đảm bảo gia tăng mỹ quan và không gian cảnh quan cho khu vực.

Tên gọi dự kiến là Nhà hát Opera Hà Nội, nằm trong mặt bằng công viên, chung với đó là các di tích, công trình thương mại, quảng trường, nhà hát... với quy mô chỗ ngồi khán phòng là 1.822 chỗ, gấp 3 Nhà hát Lớn Hà Nội, xấp xỉ nhà hát Esplanade Singapore. Không gian chính gồm sảnh chính, khán phòng, văn phòng, phòng diễn tập và tập luyện, bảo tàng, sàn vọng cảnh.

Biểu tượng mới, nâng tầm vị thế Thủ đô Hà Nội

Trong ý tưởng của các cơ quan chức năng Hà Nội và các bên liên quan, việc xây dựng Nhà hát Opera Hà Nội được ví như kiến tạo một “hòn đảo âm nhạc” giữa khung cảnh Hồ Tây thơ mộng, hiện thực hóa khát vọng của Thủ đô về một công trình nhà hát xứng tầm, một biểu tượng mới của Thủ đô trong giai đoạn hiện đại.

Với kiến trúc độc đáo, công nghệ âm thanh và ánh sáng hiện đại, Nhà hát Opera Hà Nội được kỳ vọng sẽ sánh ngang với các nhà hát nổi tiếng thế giới như Nhà hát Con Sò tại Sydney (Australia), Nhà hát La Scala tại Milan (Italy) hay Nhà hát Esplanade (Singapore)…

Công trình này sẽ góp phần nâng tầm Hà Nội thành điểm đến của những sự kiện văn hóa thế giới, nơi giới nghệ sĩ nổi tiếng thế giới sẽ đến biểu diễn nghệ thuật, giao lưu văn hóa. Đây còn là điểm hẹn văn hóa, vui chơi, trải nghiệm thường xuyên của người dân và du khách. Bên ngoài nhà hát, hệ thống không gian công cộng bao gồm nhà triển lãm, khu ẩm thực trải dọc theo trục giao thông chính và kết thúc ở quảng trường trung tâm sát mép hồ.

Bên trong nhà hát, một loạt các phòng chức năng như phòng tập nghệ thuật, thư viện ở tầng trệt hay bảo tàng, nhà hàng nhỏ có tầm nhìn bao quát toàn cảnh hồ Tây được bố trí ở các tầng cao. Tại đây cũng sẽ có một bảo tàng nghệ thuật tôn vinh các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng thế giới của Việt Nam.

Kỳ 4: Xây dựng Nhà hát Opera Hà Nội - “hòn đảo âm nhạc” giữa Hồ Tây lãng mạn
Hồ Tây có cảnh quan mặt nước khoảng 400 ha, xung quanh là nhiều di tích lịch sử, văn hóa mang đặc trưng Thăng Long - Hà Nội

Cần tính toán thận trọng

Sau khi được công bố, nhiều người dân Thủ đô rất quan tâm đến ý tưởng sẽ mang đến nhiều điểm nhấn về văn hóa, du lịch cho Hà Nội. Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến bày tỏ sự lo lắng về việc xây dựng nhà hát trên Hồ Tây sẽ khiến kiến trúc nơi đây bị phá vỡ.

“Tôi rất hào hứng với chủ trương xây dựng Nhà hát Opera Hà Nội. Tuy nhiên, việc xây dựng nhà hát trên Hồ Tây - địa điểm nổi tiếng mang dấu ấn văn hóa, lịch sử của Hà Nội cần được cân nhắc kỹ lưỡng, nhất là tránh phá vỡ kiến trúc của không gian này”, chị Quách Thị Liên - một người dân sống gần Hồ Tây chia sẻ.

KTS Trần Huy Ánh – Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho rằng việc kiến tạo một Nhà hát Opera mới hiện đại cho Hà Nội là điều cần thiết, sẽ góp phần nâng tầm vị thế của Thủ đô trên bản đồ điểm đến văn hóa nghệ thuật thế giới cũng như tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân địa phương. Tuy nhiên, việc triển khai cũng cần phải dựa trên các đánh giá, tác động nhiều chiều. “Hy vọng với những bước đi cẩn trọng, Hà Nội sẽ từng bước tạo dựng được thương hiệu cho mình trên con đường hội nhập quốc tế, xứng đáng với danh hiệu "Thành phố sáng tạo" mà UNESCO đã vinh danh”, KTS Trần Huy Ánh chia sẻ.

Cũng theo KTS Trần Huy Ánh, việc quận Tây Hồ trưng bày đồ án tại nhiều vị trí ngay tại bán đảo Quảng An, trong khu vực quy hoạch và công khai rất nhiều thông tin liên quan để mọi người tiếp cận nhằm lấy ý kiến cộng đồng là rất bài bản. Đây thực sự là bước tiến bộ trong việc cải cách các hoạt động quản trị địa phương. Tuy nhiên, tất cả các cuộc thảo luận liên quan tập trung quá nhiều vào nội dung Nhà hát mà quên đi công trình này dù ấn tượng tới đâu cũng chỉ là một bộ phận hợp thành công cuộc tái thiết bán đảo Quảng An, nhằm trả lại không gian xanh cho khu vực này cũng như bổ sung diện tích xanh lớn gần gấp đôi công viên Thống Nhất.

Trên thế giới có rất nhiều công trình văn hóa, nhà hát Opera đã trở thành biểu tượng không chỉ của một điểm đến, mà còn của một quốc gia. Chẳng hạn nhà hát lớn Bắc Kinh, nhà hát Opera Sydney… không chỉ nâng tầm điểm đến, tạo vị thế trên trường quốc tế cho quốc gia đó, mà còn đem về doanh thu khổng lồ cho ngành du lịch. Nhưng trên thực tế, đa số mọi người chỉ nói đến thành công mà chưa đề cập đến những hạn chế.

Đơn cử như Nhà hát Opera Sydney đã phải thực hiện trong 20 năm (1954 - 1973) nhiều lần phải dừng thi công do biểu tình phản đối, do chi phí quá lớn. Thậm chí sự căng thẳng tới mức KTS Joern Oberg Utzon - tác giả công trình phải bỏ dở về nước. Thành công của họ là đã vượt qua rất nhiều trở ngại từ một đất nước có tiềm lực kinh tế, có sự thống nhất cao. Một nhà hát được lựa chọn từ 233 đồ án dự thi chứ không đơn giản chỉ có 1 cái để chọn như Việt Nam.

Còn tại Bắc Kinh có vô số các công trình biểu tượng rực rỡ, nhất là sân vận động Tổ chim, nhà hát giọt nước khổng lồ… nhưng không mấy ai biết là để duy trì nó thì thành phố phải "vật vã" vì chi phí quá lớn, đấy là chưa kể họ còn phải đau đầu không biết tổ chức sự kiện nào để nhà hát được duy trì thường xuyên. Điều đó không hề đơn giản.

"Tại Việt Nam, hồ Đầm Trị là khu vực có nhiều diện tích hồ tự nhiên cũng như cây xanh. Việc xây dựng nhà hát chắc chắn cũng gây ra một số lo ngại việc xây dựng sẽ ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan khu vực. Chẳng hạn, nói là nhà hát nổi nhưng chắc chắn phải có nền móng chìm dưới mặt nước, rồi những đường dẫn cũng chiếm tỉ trọng rất lớn trong diện tích cây xanh được vẽ ở bản quy hoạch và đã được phê duyệt rồi, nay điều chỉnh lại thì lại tăng thêm diện tích xây dựng, kinh doanh thương mại... Vậy thì rõ ràng là không gian xanh đang bị giảm đi, không gian mặt nước về mặt khối tích cũng bị giảm đi”, KTS Trần Huy Ánh phân tích.

KTS Trần Huy Ánh nhấn mạnh: “Về vấn đề xã hội hóa, thực tế là lâu nay chúng ta mới chỉ có xã hội hóa trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, giờ có một nhà hát được xây dựng theo hình thức xã hội hóa như vậy thì cần phải tường minh mô hình xã hội hóa và tư nhân hóa. Xã hội hóa là cả xã hội cùng tham gia bàn bạc thiệt lợi trong cuộc trao đổi. Tư nhân hóa thì đơn giản hơn: Chủ đầu tư mua đất xây nhà hát và khai thác kinh doanh. Còn quy trình giao và tổ chức cá nhân nào có thẩm quyền giao đất công làm Nhà hát tư nhân thì có lẽ sẽ vô cùng phức tạp – nhất là tại thời điểm hiện nay”.

Kỳ 4: Xây dựng Nhà hát Opera Hà Nội - “hòn đảo âm nhạc” giữa Hồ Tây lãng mạn
Phối cảnh công trình nhà hát ở hồ Đầm Trị, phường Quảng An, Tây Hồ

TS.KTS Ngô Doãn Đức - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Nguyễn Trãi cho rằng Hà Nội cần cẩn trọng với quyết định thực hiện dự án này. “Đã có nhiều công trình, dự án cao tầng xung quanh Hồ Tây. Công trình nhà hát Opera bên Hồ Tây xuất hiện đang gây xôn xao dư luận. Nhà hát này giáp với Hồ Tây, tác động trực tiếp đến cảnh quan do đó cần phải hết sức thận trọng khi quyết định thực hiện vì nó chất tải cho hạ tầng, làm chật, đông cứng cho cảnh quan, tích tụ đông người”, TS.KTS Ngô Doãn Đức cho biết.

Theo TS.KTS Ngô Doãn Đức, trong thời gian vừa qua, Hồ Tây đang bắt đầu chất tải lên những công trình có khối tích lớn. Những công trình quy mô lớn được xây dựng chiếm các chỗ trống hiện có, điều đó sẽ tác động tới thiên nhiên và cảnh quan vốn là địa chỉ thưởng ngoạn không gian rất cần thiết cho người dân. Vì vậy cần hết sức cân nhắc. Bên cạnh đó, cần phải xem lại cơ số không gian nhà hát và các rạp đã có để mở rộng, cải tạo phục vụ mục đích sử dụng chứ không nhất thiết cứ phải xây dựng ở Hồ Tây. Bên cạnh đó, quanh nội đô, trong đó chứa đựng cả Hồ Tây thì cần cố gắng không tác động nhiều.

TS Hoàng Dương Tùng - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường nêu quan điểm: “Tất cả những quyết định liên quan xung quanh Hồ Tây phải hết sức thận trọng, xem xét tất cả các yếu tố, không thể nói xây là xây. Đối với người dân Thủ đô, Hồ Tây có vai trò rất quan trọng, gắn bó lâu đời với Hà Nội, thành phố cũng đã có nhiều cố gắng, nỗ lực để bảo vệ lòng hồ và cảnh quan, đặc biệt chú trọng kiến trúc cảnh quan xung quanh hồ. Khi có những đề xuất xây dựng thì cần phải xem xét kỹ lưỡng tất cả các mặt từ kinh tế, xã hội, môi trường và lịch sử. Phải lấy ý kiến rộng rãi của người dân và giới khoa học, chuyên gia môi trường… khi đó mới có được sự đánh giá chính xác”.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết: Năm 1998, Hà Nội đã lập Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 (quy hoạch năm 1998). Quy hoạch này lần đầu tiên đã vượt qua sông Hồng sang Gia Lâm và trong đó đã đặt ra vấn đề Hồ Tây là trung tâm mới của Hà Nội. Lúc đó, đã có nhiều dự án bám theo quy hoạch này. Có các nhà hát, các khu vực cụm liên cơ quan. Trong quy hoạch năm 1998 đã có ý tưởng phát triển một không gian từ phía tây Hồ Tây lên bán đảo Quảng An, trong đó có khu vực Đầm Trị.

Quy hoạch Thủ đô năm 1998 đề ra trục không gian chủ đạo truyền thống phía Tây của Hồ Tây, kết nối với bán đảo Quảng An và kết nối với khu di tích Cổ Loa. Hai điểm này giao thoa với nhau chính ở vị trí dự định xây nhà hát Opera bây giờ. Sau khi có trục không gian này, Hà Nội đã xây dựng Công viên Hoà Bình, trên đường đi từ sân bay Nội Bài với ý nghĩa “Hà Nội – thành phố vì hoà bình”. Trong quy hoạch này cũng đề cập đến bán đảo Quảng An và có nhiều dự kiến khác nhau. Đã có lúc người ta định xây dựng nơi đây thành tổ hợp trung tâm văn hoá thể thao. Cũng có lúc lại dự định làm tháp truyền hình cao nhất Việt Nam và khu vực.

Bán đảo Quảng An và khu vực Đầm Trị là vị trí giao cắt giữa trục tây Hồ Tây và trục Cổ Loa nên có vị trí rất đặc biệt. Về quy hoạch, vị trí đặt nhà hát Opera đã được xác định trong quy hoạch chi tiết khu vực Hồ Tây, được duyệt năm 1994 với quy mô 1.216ha. Sau quy hoạch chi tiết khu vực Hồ Tây, lại có quy hoạch chi tiết quận Tây Hồ được duyệt năm 2001. Sau đó là Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Trong quyết định phê duyệt của Thủ tướng năm 2011 đã xác định định hướng về phát triển văn hoá là xây dựng mới các công trình văn hoá tiêu biểu của TP Hà Nội như bảo tàng, nhà hát… gắn với cảnh quan sông Hồng và trục tây Hồ Tây.

Mấy chục năm qua, với sự nỗ lực của Trung ương và Hà Nội, chúng ta đã xây dựng được rất nhiều công trình mang ý nghĩa đột phá về chức năng, kiến trúc trên khu vực Hồ Tây. Ví dụ như khách sạn Thắng Lợi, thể hiện tình hữu nghị Việt Nam - Cu Ba được xây dựng năm 1972; nhà hàng bánh tôm Hồ Tây được xây dựng năm 1994, do kiến trúc sư Việt Nam thiết kế; khách sạn Cổ Ngư xây dựng năm 1996; khách sạn Sofitel Plaza Hà Nội - điểm nhấn làm tôn vinh trục đường Thanh Niên; khách sạn Sheraton Hà Nội...

Các quy hoạch trước đây của Hà Nội đều cho thấy bán đảo Quảng An là khu vực nhạy cảm, một vị trí quan trọng nằm trên trục Tây Hồ Tây – Cổ Loa. Đây là trục mang đậm dấu ấn Thăng Long – Hà Nội. Là trục không gian minh chứng cho một đô thị lịch sử, có quá trình phát triển lâu dài. Với quá trình lịch sử phát triển như vậy, với quy hoạch như vậy, rõ ràng, việc đặt ra vấn đề xây nhà hát Opera phải thận trọng. Làm sao phải tiếp cận được với định hướng của Trung ương và Hà Nội đặt ra, để kế thừa và phát huy giá trị đã có định hướng, khai thác lợi thế, đảm bảo chính trị gắn với an sinh xã hội.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh: “Việc dự định xây dựng nhà hát Opera phải cân nhắc một cách thận trọng, có nghiên cứu kỹ lưỡng. Về định hướng, phải khẳng định việc xây dựng nhà hát là cần thiết, hợp lý, phù hợp với nội dung đã nêu trong Quy hoạch năm 1998. Tuy nhiên, để đảm bảo nhà hát có chất lượng thì lại rất cần nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học. Bởi vì đã có rất nhiều nhà hát mang tính biểu trưng của Hà Nội không thành công. Ví dụ như nhà hát Hoa Sen đã từng bị chê trách rất nhiều”.

Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, nhìn qua mô hình nhà hát Opera, thấy biểu tượng này chưa hợp lý, chưa mang bản sắc địa phương, chưa tạo được điểm nhấn từ trục Cổ Loa sang cũng như trục Tây Hồ Tây mà điểm đầu là công viên Hoà Bình. Vị trí để xây nhà hát cũng không có tính kết nối giữa trục Tây Hồ Tây và trục Cổ Loa. Đã là nhà hát phải có sức hấp dẫn và phải kết nối với giao thông công cộng. Nhưng đây là nhà hát nằm giữa một khuôn viên nước. “Vậy thì kết nối giao thông công cộng như thế nào? Do doanh nghiệp làm hay Nhà nước sau này phải bù thêm tiền để làm?”, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm đặt câu hỏi.

(Còn nữa…)

Kỳ 3: Hồi sinh dòng sông “chết” thành công viên lịch sử, văn hóa, tâm linh Kỳ 3: Hồi sinh dòng sông “chết” thành công viên lịch sử, văn hóa, tâm linh

Năm 2021, ý tưởng “Dự án cải tạo sông Tô Lịch thành công viên lịch sử, văn hoá, tâm linh” được trao tặng Giải thưởng ...

Kỳ 2: Để “giấc mơ sông Hồng” không còn xa vời Kỳ 2: Để “giấc mơ sông Hồng” không còn xa vời

Các chuyên gia đều ủng hộ chủ trương của thành phố Hà Nội về việc xây dựng khu bãi giữa, bãi bồi sông Hồng thành ...

Kỳ 1: Đi tìm “viên ngọc xanh” của Thủ đô Kỳ 1: Đi tìm “viên ngọc xanh” của Thủ đô

Nhiều ý kiến cho rằng, vùng đất bãi sông Hồng là "viên ngọc xanh" vô cùng quý giá, tuy thô mộc nhưng gọt rũa sẽ ...

Thái Phương - An Nhiên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động