Kỳ 3: Hồi sinh dòng sông “chết” thành công viên lịch sử, văn hóa, tâm linh
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênMô hình 3D Công viên lịch sử, văn hóa, tâm linh trên sông Tô Lịch (Ảnh: JVE) |
Điểm hẹn của nhiều nghiên cứu nhưng chưa trọn vẹn
Từ năm 2011, Hà Nội đã phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hai bên bờ tuyến sông Tô Lịch. Trong đó yêu cầu tạo lập phát huy vai trò của mặt nước, tạo cảnh quan hai bên bờ sông, kết nối trục không gian hai bên… Tuy nhiên, đến nay quy hoạch này vẫn chưa được thực hiện do việc xử lý nguồn nước ô nhiễm tại dòng sông này chưa được giải quyết.
Tháng 9/2020, Cty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt (JVE) đã có văn bản báo cáo lãnh đạo Thành ủy, UBND TP Hà Nội về việc đề xuất giải pháp tổng thể cải tạo sông Tô Lịch trở thành “Công viên lịch sử, văn hóa, tâm linh” bằng nguồn vốn Nhật Bản. Dự án này được nhiều nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý đồng tình vì hướng đến phục hồi giá trị văn hóa, lịch sử rất quan trọng của dòng sông trong suốt chiều dài 1.000 năm hình thành, phát triển Thăng Long - Hà Nội.
TS. Nguyễn Hoàng Điệp, Giám đốc Trung tâm dịch thuật – Dịch vụ văn hóa & khoa học (CTCS), đơn vị tham gia cùng Cty JVE cho biết, mục tiêu trọng tâm là giải quyết vấn đề ô nhiễm của sông Tô Lịch. Khi vấn đề này được giải quyết, CTCS, JVE Group và đối tác Nhật Bản sẽ tiến hành xây dựng Công viên lịch sử, văn hóa, tâm linh Tô Lịch, với hệ thống phù điêu tóm tắt lịch sử các triều đại, cụm tượng đài các danh nhân văn hóa, sân khấu nghệ thuật, tranh tường, 63 không gian văn hóa của các tỉnh thành, hệ thống cây xanh…
Chị Nguyễn Thùy Dương (phường Kim Giang, quận Thanh Xuân) cho biết: “Là một người dân Thủ đô, tôi rất ủng hộ ý tưởng độc đáo xây dựng sông Tô Lịch thành công viên lịch sử, văn hóa, tâm linh. Tôi cùng nhiều người dân kỳ vọng ý tưởng này sẽ trở thành sự thật để dòng sông Tô Lịch được hồi sinh. Tuy nhiên, điều chúng tôi lo lắng là nguồn kinh phí để thực hiện ý tưởng này không hề nhỏ, thậm chí còn là con số “khổng lồ”.
Bên cạnh đó, một dự án phức tạp, nhiều mục tiêu, vừa giải quyết bài toán giao thông đô thị ngập úng, vừa phải bảo vệ cảnh quan, môi trường, vừa xây dựng công viên du lịch, văn hoá, tâm linh trên mặt sông - điều mà chưa từng có trong tiền lệ. Nếu không tính toán kỹ lưỡng, rất có thể, dự án nhiều kỳ vọng dễ biến thành dự án nằm chờ chết, chậm tiến độ, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người dân nơi con sông đi qua”.
Đề xuất táo bạo, đột phá nhưng cần tính toán kỹ
Nhiều chuyên gia cho rằng cần phải bàn bạc kỹ lưỡng, kết hợp ý kiến của các chuyên gia liên ngành bởi trong thực tế, sông Tô Lịch là điểm hẹn của rất nhiều nghiên cứu nhưng đều chưa được thực hiện trọn vẹn. Nguyên nhân lớn nhất là do chưa đưa ra được phương án giải quyết những vấn đề tổng thể của cả hệ thống.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho rằng, các đề xuất, giải pháp cải tạo sông Tô Lịch là những nội dung rất cần được nghiên cứu trong quá trình điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung Thủ đô tới đây. Tuy nhiên, trong đề xuất cải tạo sông Tô Lịch trở thành công viên lịch sử, văn hóa, tâm linh, JVE mới chỉ đề xuất các giải pháp về không gian kiến trúc, cảnh quan và thoát nước trong ranh giới sông Tô Lịch mà chưa có sự nghiên cứu trong mối liên hệ tổng thể giữa sông Tô Lịch với sông Lừ, sông Sét cũng như hệ thống thoát nước, tưới tiêu, thu gom nước thải,… của TP. Việc tính toán cường độ thoát nước 500m3/2 giờ đòi hỏi đầu tư lớn, phải mở rộng tuyến cống ở các dự án đã và đang triển khai, nâng công suất các trạm bơm hiện có. Cho nên đây là nội dung cần nghiên cứu sâu để đáp ứng về mặt kỹ thuật.
Về đề xuất làm hầm thoát nước kết hợp đường cao tốc dài 11km dọc sông Tô Lịch, ông Dương Đức Tuấn nhận định đây là những giải pháp tương đối mới về kỹ thuật và công nghệ, cần được xem xét. Ngoài ra, nguồn lực để thực hiện đề xuất là rất lớn, cần có phương án tính toán kinh phí xây dựng, hình thức đầu tư để xem xét chứng minh tính khả thi của đề xuất. Ông Tuấn đề nghị phía JVE tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện đề xuất cải tạo sông Tô Lịch để làm cơ sở lấy ý kiến các chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước, xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền.
Công viên lịch sử, văn hóa, tâm linh Tô Lịch, với hệ thống phù điêu tóm tắt lịch sử các triều đại, cụm tượng đài các danh nhân văn hóa, sân khấu nghệ thuật, tranh tường, 63 không gian văn hóa của các tỉnh thành, hệ thống cây xanh… (Ảnh: JVE) |
TS. Đào Xuân Học - nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cho biết: “Đề xuất của Công ty JVE là đề xuất táo bạo, nhưng quá nhiều mục tiêu. Dưới góc độ chuyên môn, tôi chỉ đề cập đến vấn đề xử lý môi trường và tiêu thoát ngập cho Hà Nội. Vấn đề xử lý nước thải thì Việt Nam đã thành công với kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè ở TP Hồ Chí Minh nên cũng không quá khó khăn.
Điều này đồng nghĩa với việc, để sông Tô Lịch có thể sạch sẽ hơn hiện nay thì cần kíp nhất là làm sao tách hoàn toàn nước thải ra khỏi sông. Hiện Hà Nội đang triển khai xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Xá với quy mô lớn, sẽ xây dựng hệ thống ống thu gom nước thải dọc hai bên sông Tô Lịch. Như vậy sau khi hoàn thiện thì vấn đề ô nhiễm môi trường sông Tô Lịch cơ bản được giải quyết.
Còn với vấn đề thoát úng ngập cho Hà Nội, Chính phủ đã phê duyệt đầu tư hệ thống thoát nước, chống ngập cho Hà Nội với công suất 570m3/s, với công suất này thì về mặt vĩ mô hoàn toàn có thể tiêu thoát nước cho Hà Nội. Chúng ta phải nhìn lại, những trận mưa ngập vừa qua ở Hà Nội là do nội tại. Trong khi mực nước các sông Tô Lịch, sông Nhuệ còn rất thấp thì trong nội đô lại bị ngập do không tiêu thoát, không chảy kịp ra sông Tô Lịch, như vậy là do vấn đề hệ thống tiêu thoát nước nội đô chứ không do sông Tô Lịch hay sông Nhuệ tiêu thoát kém.
Có tình trạng này là do Thủ đô đã tăng mạnh về quy mô dân số cũng như đô thị mạnh mẽ cùng với đó là nhu cầu tiêu thoát nước cũng tăng lên, trong khi hệ thống tiêu thoát nước cũ lại không được nâng công suất mà chỉ kéo dài hệ thống ống ra thì rõ ràng tốc độ tiêu thoát nước không thể nhanh được.
Thêm vào đó, Hà Nội vẫn khai thác nước ngầm với quy mô lớn, việc này sẽ gây sụt lún tác động đến hệ thống thoát nước, gây chênh lệch làm cho việc tiêu thoát chậm hơn. Việc làm bể ngầm ở lưu vực sông Tô Lịch để chứa nước mỗi khi mưa lớn như đề xuất của Cty JVE cần phải tính toán kỹ vì vốn đầu tư lớn trong khi hiệu quả thì chưa chứng minh được bằng cơ sở khoa học tại Việt Nam”.
Để hiện thực hóa ý tưởng biến sông Tô Lịch thành công viên lịch sử, văn hóa, tâm linh, nhiều chuyên gia cho rằng cần phải bàn bạc kỹ lưỡng, kết hợp ý kiến của các chuyên gia liên ngành. Ảnh: Khánh Huy |
Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, từ năm 2011, TP Hà Nội đã phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hai bên bờ tuyến sông Tô Lịch, trong đó yêu cầu tạo lập phát huy vai trò của mặt nước, tạo cảnh quan hai bên bờ sông, kết nối trục không gian hai bên… Tuy nhiên, đến nay quy hoạch này vẫn chưa được thực hiện do việc xử lý nguồn nước ô nhiễm tại dòng sông này chưa được giải quyết được.
“Vấn đề hiện nay cần phải làm sạch nước sông thì mới tính đến chuyện khai thác. Dự án “Công viên lịch sử, văn hóa, tâm linh Tô Lịch” cần kế thừa những điểm mạnh, điểm yếu của các công trình trước đó để rút ra kinh nghiệm và thích ứng với hoàn cảnh hiện tại, đặc biệt là vấn đề biến đổi khí hậu. Ý tưởng xây đường cao tốc ngầm và hầm chống ngập dọc sông Tô Lịch chưa nên bàn vội mà phải xác định mục tiêu và nguồn vốn cụ thể.
Ngoài ra, lãnh đạo TP Hà Nội phải tính đến việc kết nối sông Tô Lịch với các hệ thống sông hồ khác trên địa bàn để tăng khả năng thoát nước, giải quyết vấn đề úng ngập một cách triệt để. Về các thiết chế văn hóa trong công viên, cần lấy ý kiến nhiều chuyên gia văn hóa, lịch sử, dân tộc học để xây dựng các hạng mục đảm bảo thẩm mỹ.
Trước đây, để dựng tượng đài Vua Lý Thái Tổ bên hồ Hoàn Kiếm, chúng tôi đã lấy ý kiến rất nhiều chuyên gia, bàn bạc trong nhiều năm mới thống nhất được. Nay, dự án có tham vọng đặt một loạt tượng danh nhân văn hóa các triều đại thì phải nghiên cứu rất kỹ”, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.
GS.TS Vũ Trọng Hồng - Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam (nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) nhận định ý tưởng cải tạo sông Tô Lịch trở thành công viên tâm linh, chống ngập và làm cao tốc ngầm rất quý giá. Tuy nhiên, so với điều kiện thực tế của Hà Nội cần có nhiều nghiên cứu kỹ lưỡng.
“Về vốn, cần phải huy động thêm nguồn vốn trong nước, không chỉ dựa hết vào nguồn vốn ODA của Nhật Bản. Về kĩ thuật, hiện nay chưa có đường ống nào đi qua được sông Tô Lịch nên cần phải tách riêng công trình đường nước thải và đường thoát nước mưa ra. Nếu chỉ thoát nước mưa mà không thoát nước thải thì công trình này phải nối với Sông Lừ, sông Sét, sông Kim Ngưu.
Đề xuất của JVE là rất tốt khi cải tạo 1 dòng sông chết. Nhưng, cần suy nghĩ có nên tách cao tốc ngầm và hầm ngầm chống ngập ra không để dự án có tính khả thi hơn? Nói đến đường hầm, chúng ta phải quan tâm đến địa chất, địa hình. Hà Nội hiện nay chưa có đường hầm qua sông còn ở TP. HCM có hầm Thủ Thiêm rồi.
Lý do Hà Nội chưa có bởi tầng địa chất ở vùng đồng bằng sông Hồng khác đồng bằng sông Cửu Long. Phía JVE có nêu ví dụ về Malaysia làm hầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm thành công, họ nên giới thiệu chi tiết về dự án này để phía Việt Nam phân tích, rút ra kinh nghiệm nhưng nên lưu ý địa hình, địa chất của Malaysia cũng khác Hà Nội”, GS.TS Vũ Trọng Hồng cho biết.
Giáo sư - Nhà sử học Lê Văn Lan - Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long đánh giá đây là một dự án kỳ vỹ, tức là lạ và lớn, không chỉ là việc cứu vớt cho dòng sông đang bị ô nhiễm này mà còn làm đẹp, làm vui, làm tốt cho dòng sông này; không gian văn hóa lịch sử của dòng sông này, cả những giá trị biểu tượng và tâm linh nữa.“Chắc chắn lịch sử, dân tộc, đất nước, trông đợi sự thành công của dự án này. Tuy nhiên, hiện nay, dự án mới đang ở ý tưởng, từ ý tưởng đến thực tiễn còn vô vàn những điều khó khăn, phức tạp. Do vậy, mong cho dự án sớm thành công chứ không phải dừng ở ý tưởng. Để những giá trị văn hóa, tâm linh tại sông Tô Lịch sớm được phục hồi, thể hiện một cách chính xác và hữu hiệu”, Giáo sư - Nhà sử học Lê Văn Lan đặt kỳ vọng.
Kỳ 2: Để “giấc mơ sông Hồng” không còn xa vời Các chuyên gia đều ủng hộ chủ trương của thành phố Hà Nội về việc xây dựng khu bãi giữa, bãi bồi sông Hồng thành ... |
Kỳ 1: Đi tìm “viên ngọc xanh” của Thủ đô Nhiều ý kiến cho rằng, vùng đất bãi sông Hồng là "viên ngọc xanh" vô cùng quý giá, tuy thô mộc nhưng gọt rũa sẽ ... |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại