Thứ bảy 23/11/2024 03:22
Bạo lực mạng – “lời nói ảo, nỗi đau thật”:

Kỳ cuối: vì sao mức độ bạo lực ngày càng gia tăng?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Thạc sĩ tâm lý lâm sàng Lương Huệ Mẫn cho rằng: “Mức độ bạo lực ngày càng tăng cao vì tính ẩn danh, sức mạnh tập thể và người tham gia hành vi bạo lực ít phải gánh chịu hậu quả”.
Kỳ cuối: Vì sao mức độ bạo lực ngày càng gia tăng?
Nạn nhân của bạo lực ngôn từ trên mạng xã hội sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần, thể chất và đặc biệt là các mối quan hệ xã hội. Ảnh: H.Y

Mức độ bạo lực ngày càng tăng cao vì tính ẩn danh

Chúng ta đều hiểu rằng bạo lực mạng là các hành vi trực tuyến tấn công hình sự hoặc phi hình sự, nó có thể dẫn đến việc hành hung, ảnh hưởng sức khỏe thể chất, tâm lý hoặc tình cảm của một người.

Bạo lực mạng có thể được thực hiện bởi một cá nhân hoặc nhóm kẻ xấu thông qua điện thoại thông minh, các trò chơi Internet, mạng xã hội,... Nhiều người nghĩ mạng là thế giới ảo làm sao ảnh hưởng đến cuộc sống thực tế được, nhưng điều này hoàn toàn sai lầm.

Ai cũng biết rằng bạo lực mạng diễn ra trực tuyến, nhưng nó ảnh hưởng đến những người ngoại tuyến và có tác động đến thế giới thực, khiến nạn nhân có thể bị sợ hãi, lo lắng hoặc đáng sợ hơn là kẻ xấu chi phối hành động ngoài đời thật của nạn nhân. Từ đó có thể thấy, tác hại của bạo lực mạng là vô cùng lớn. Đặc biệt là khi câu chuyện gắn với những người nổi tiếng, có tên tuổi và sức ảnh hưởng. Khi đó, bạo lực mạng diễn ra càng đem lại hậu quả to lớn gấp nhiều lần.

Trao đổi với phóng viên, thạc sĩ tâm lý lâm sàng Lương Huệ Mẫn đang công tác tại Doanh nghiệp Xã hội Tâm Nhung nhận định rằng: “Hiện tượng bạo lực bằng lời nói hay hành vi bạo lực ngôn từ xuất hiện trong nhiều môi trường khác nhau và thường không giới hạn về chủ đề hoặc các nhóm đối tượng thực hiện hành vi này. Bên cạnh đó, mạng xã hội phát triển và dần trở thành một trong những kênh giao tiếp, thông tin trong xã hội loài người đã góp phần tạo nên một không gian giao tiếp xã hội mới bên cạnh không gian giao tiếp xã hội trực tiếp”.

Vị chuyên gia tâm lý này nhấn mạnh, chính vì không gian mạng xã hội là một không gian “an toàn” (ẩn danh, không lộ thông tin) càng góp phần cho các thành phần có ý định bạo lực mạng có thêm “củng cố” để thực hiện hành vi tấn công mà không sợ bị phát hiện hay chịu trách nhiệm.

Kỳ cuối: Vì sao mức độ bạo lực ngày càng gia tăng?
Thạc sĩ tâm lý lâm sàng Lương Huệ Mẫn chia sẻ về hiện tượng bạo lực mạng xã hội. Ảnh: H.Y

Theo chuyên gia tâm lý lâm sàng Lương Huệ Mẫn thì hiện tượng bạo lực bằng lời nói ngày càng phổ biến sẽ dẫn đến một số hệ lụy.

Đó là mức độ bạo lực ngày càng tăng cao vì tính ẩn danh, sức mạnh tập thể và người tham gia hành vi bạo lực ít phải gánh chịu hậu quả. Nạn nhân của bạo lực ngôn từ trên mạng xã hội sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần, thể chất và đặc biệt là các mối quan hệ xã hội. Biến không gian mạng trở thành một không gian kém an toàn cho tất cả mỗi chúng ta mà không phân biệt lứa tuổi hay công việc.

Nghiêm trọng hơn, nếu nạn nhân của bạo lực mạng là trẻ vị thành niên thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý, nhân cách và sự phát triển của trẻ trong tương lai.

Thế nên, bạo lực mạng chính là một vấn nạn không hồi kết và để lại những hậu quả vô cùng nặng nề. Mặc dù có những luật định riêng về an ninh mạng, thế nhưng có lẽ vẫn chưa đủ răn đe với những trường hợp coi thường pháp luật.

Chế tài xử phạt vẫn bị “bỏ ngỏ”

Biện pháp tối ưu nhất hiện nay mỗi cá nhân khi tham gia mạng xã hội cần ý thức các việc mình làm và có những chuẩn mực ứng xử đối với các hành vi trên môi trường online này.

Dưới góc độ cá nhân, để hạn chế các hành vi bạo lực mạng thì mỗi người cần: Tôn trọng sự đa dạng cá nhân và khác biệt giữa các nền văn hoá; chia sẻ quan điểm cá nhân trên cơ sở không công kích cá nhân khác; không lợi dụng việc ẩn danh để tạo các thông tin giả, thông tin cắt ghép để bôi nhọ và tấn công vào các cá nhân cụ thể; kiểm soát ngôn từ và các phát ngôn để tránh trở thành nạn nhân của việc bạo lực mạng...” - thạc sĩ tâm lý lâm sàng Lương Huệ Mẫn khuyến cáo.

Từ việc nêu lên các hành vi ứng xử, thạc sĩ tâm lý lâm sàng Lương Huệ Mẫn cũng đưa ra lời khuyên đối với những người vô tình trở thành nạn nhân của bạo lực mạng xã hội. Theo đó, khi trở thành mục tiêu công kích của một nhóm người, chúng ta cần bình tĩnh, không hoảng loạn mà chủ động nhìn nhận lại những chia sẻ của bản thân trong thời gian qua có những tác động như thế nào đến cộng đồng xung quanh chúng ta.

Bản thân chúng ta cần phải hiểu và thừa nhận về những chia sẻ không phù hợp của bản thân ảnh hưởng đến người khác (nếu có). Cùng với đó, mỗi chúng ta cần chấp nhận rằng bản thân không thể làm hài lòng tất cả mọi người - vì có thể trong cộng đồng sẽ có rất nhiều thành phần cố ý gây hấn để thỏa mãn những khó khăn tâm lý cá nhân họ.

Nạn nhân của bạo lực mạng xã hội cũng không nên chấp nhận sự việc một mình mà cần chia sẻ với gia đình, người thân hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ từ cơ quan chức năng, chuyên gia tâm lý, luật sư…

Năm 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành quy định Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội theo Quyết định số 874/QĐ-BTTTT ngày 17/6/2021. Tại Điều 3 Quyết định 874/QĐ-BTTTT năm 2021 đã đưa ra 4 quy tắc chung cho người dùng mạng xã hội.

Thứ nhất, quy tắc tôn trọng, tuân thủ pháp luật: Tuân thủ pháp luật Việt Nam, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân;

Thứ hai, quy tắc lành mạnh: Hành vi, ứng xử trên mạng xã hội phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Thứ ba, quy tắc an toàn, bảo mật thông tin: Tuân thủ các quy định và hướng dẫn về bảo vệ an toàn và bảo mật thông tin.

Thứ tư, quy tắc trách nhiệm: Chịu trách nhiệm về các hành vi, ứng xử trên mạng xã hội; phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý hành vi, nội dung thông tin vi phạm pháp luật.

Quy tắc chung này đã bao quát hầu mọi mọi hành xử của người dùng trên mạng xã hội, nêu rõ những điều ứng xử cần có khi tham gia vào các hoạt động trên mạng xã hội.

Tuy nhiên, Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội không có quy định xử phạt, thiếu tính răn đe. Trong đó, Luật An ninh mạng và nhiều luật khác cũng có những quy định nghiêm khắc về cá nhân có hành xử sai phạm trên mạng, trong đó có cả xử lý hình sự.

Thời gian qua, các hành vi vi phạm tràn lan, nhưng rất ít trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử lý. Những trường hợp bị xử lý là các vụ việc nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận.

Trước thực trạng bạo lực mạng ngày càng gia tăng, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức của mỗi người sử dụng mạng xã hội, đòi hỏi cần có chế tài xử lý nghiêm để ngăn chặn bạo lực mạng xã hội trước nguy cơ “biến tướng”.

Kỳ 2: Làm gì khi vô tình là “nạn nhân” của bạo lực mạng? Kỳ 2: Làm gì khi vô tình là “nạn nhân” của bạo lực mạng?
Kỳ 1: những dòng chữ “vô tri” có sức “sát thương” cao Kỳ 1: những dòng chữ “vô tri” có sức “sát thương” cao
Mộc Miên - Hải Yến
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động