Thứ tư 26/06/2024 08:56
Bạo lực mạng – “lời nói ảo, nỗi đau thật”:

Kỳ 1: những dòng chữ “vô tri” có sức “sát thương” cao

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Mặt trái của sự phát triển mạng xã hội đó là mỗi cá nhân chúng ta đều có thể trở thành “nạn nhân” của đám đông với những tin nhắn, bình luận chế nhạo, ác ý trên không gian mạng.
Kỳ 1: những dòng chữ “vô tri” có sức “sát thương” cao

Cô giáo Ngô Thúy Trình phải hứng chịu nhiều bình luận khiếm nhã. Ảnh: H.Y

Ai cũng có thể là nạn nhân của bạo lực mạng

Gần đây, vụ việc cô giáo Ngô Thúy Trình (đã nghỉ hưu) bị xúc phạm trên mạng xã hội khiến nhiều người bức xúc. Theo đó, là giáo viên dạy Văn đã về hưu, vì muốn chia sẻ những kinh nghiệm của mình cho các em học sinh nên cô Trình đã lập kênh Tiktok và truyền đạt các kiến thức văn học cho các em cuối cấp.

Lan tỏa mục đích tốt đẹp nhưng “cái kết” mà cô Trình nhận lại được là hàng trăm bình luận với nhiều ngôn từ ác ý, chỉ trích cô Trình về giọng nói, ngoại hình…

Ngay trong các buổi dạy online của cô Trình là các bình luận với lời lẽ bỡn cợt, xúc phạm như: “Tao mà học 3 tiết này chắc đầu thai”, “Cô bị ma nhập hả?”, “Nghe cô nói mà em cứ thấy văng vẳng ở miền cực lạc”, “Cô ngáo à”, “Tranh cơm của giáo viên trẻ à?”...

Điều đáng nói là những bình luận ác ý này đến từ lứa tuổi còn rất trẻ, những cô cậu học trò vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường. Điều đó cho thấy các em hùa vào chế nhạo, chỉ trích cô như là trò đùa vui. Thế nhưng, đó chính là hành vi bạo lực mạng mà nạn nhân chính là người giáo già đáng kính.

Trường hợp của cô giáo Ngô Thúy Trình không phải ngoại lệ, trước đó, hàng nghìn người lập nhóm công kích hoa hậu Huỳnh Trần Ý Nhi vì liên quan đến hàng loạt phát ngôn gây tranh cãi.

Vào tháng 8/2023, mạng xã hội tràn ngập những lời chỉ trích liên quan một số phát ngôn được cho là “vạ miệng” của hoa hậu Ý Nhi. Từ một số anti-fan, sau đó hình thành nhóm anti-fan trên Facebook lên tới hơn nửa triệu thành viên, với mục đích hạ thấp danh dự và đòi tước vương miện của cô hoa hậu này.

Kỳ 1: những dòng chữ “vô tri” có sức “sát thương” cao

Nhiều group anti hoa hậu Ý Nhi được lập ra để công kích cô hoa hậu này. Ảnh: H.Y

Có thể nói, đây là những hành động vượt quá giới hạn từ những người tự cho mình quyền được lên án, “dạy dỗ” người khác bất chấp hậu quả có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến tâm lý, tinh thần và cuộc sống của cá nhân có liên quan.

Vào năm 2021, người dùng mạng xã hội đều ngỡ ngàng khi bé gái 13 tuổi tại Long An đã tự tử do bị tẩy chay, cô lập và bắt nạt hội đồng trên Facebook. Vụ việc đã dấy lên nhiều lo ngại về vấn nạn bạo lực mạng với những tác động tiêu cực của nó đến đời sống.

Ngay sau sự việc này, nhiều bài báo, nhiều chuyên gia đã lên tiếng về các vấn nạn liên quan đến bạo lực mạng và cách ứng xử văn hóa trên không gian mạng. Tuy nhiên, các vụ bạo lực mạng vẫn phổ biến, không chỉ có chiều hướng giảm mà ngày càng gia tăng về mức độ và tần suất.

“Bạo lực mạng” là một vấn nạn nhức nhối

Theo một khảo sát vào năm 2023 của Chương trình nghiên cứu internet và xã hội (VPIS, thuộc Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội) cho thấy 78% người dùng mạng khẳng định mình từng là nạn nhân hoặc biết những trường hợp phát ngôn gây thù ghét trên mạng xã hội; 61,7% từng chứng kiến hoặc trở thành nạn nhân của trò nói xấu, phỉ báng, bôi nhọ danh dự và 46,6% từng bị vu khống, bịa đặt thông tin.

Chúng ta đều hiểu rằng trong thời đại của công nghệ thì mạng xã hội như là một xã hội thu nhỏ trên internet. Nơi đó chúng ta có thể bày tỏ tất cả các cảm xúc “hỉ, nộ, ái, ố”, chia sẻ các khoảnh khắc đời sống, về thói quen, sở thích, công việc, buôn bán online…

Kỳ 1: những dòng chữ “vô tri” có sức “sát thương” cao

Bạo lực mạng xã hội vẫn là một vấn nạn nhức nhối. Ảnh minh họa

Mạng xã hội online rộng mở, giúp mỗi chúng ta kết giao được với nhiều người ở khắp nơi trên thế giới, mở rộng sự hiểu biết… nhưng đồng nghĩa người dùng mạng xã hội sẽ đối diện với nhiều sự tiêu cực khi vô tình trở thành đối tượng bị công kích, bị chê bai, bị xúc phạm… đến từ những người quen và không quen biết.

Cái nguy hại đó là bạo lực mạng thể hiện dưới nhiều hình thức như tung tin đồn, kỳ thị đến quấy rối trực tuyến và xâm phạm quyền riêng tư, phân biệt đối xử về ngoại hình, giới tính, công việc, vùng miền.... Ngoài ra, đối tượng bị bạo lực mạng còn phải đối diện với các “anh hùng bàn phím” theo tâm lý a dua, hiệu ứng đám đông trên không gian mạng đã khiến một vài bình luận trở thành tâm bão bạo lực ngôn từ gây ra những tổn thương khó có thể tưởng tượng được.

Trong các vụ bạo lực mạng, chúng ta có thể thấy rằng “thủ phạm” vô tư bạo lực bằng những ngôn từ, hình ảnh mà không biết rằng những hành động đó là vi phạm pháp luật. Còn nạn nhân cứ phải cắn răng chịu đựng “nỗi đau” một mình mà không biết “kêu cứu” ở đâu?!

Có thể thấy, những hành vi công kích trên mạng xã hội bằng ngôn từ không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý và tinh thần của nạn nhân mà còn góp phần tạo ra một môi trường trực tuyến độc hại và không an toàn. Những cá nhân bị chỉ trích rơi vào trạng thái tâm lý: stress, trầm cảm, ám thị. Nguy hại hơn, có nạn nhân không chịu được áp lực đã tìm đến cái chết...

Trong trường hợp những “nạn nhân” đủ mạnh mẽ vượt qua những bắt nạt trên không gian mạng thì hệ quả để lại không hề bị mất đi. Những bình luận công kích, quy chụp, bôi nhọ... ảnh hưởng đến danh dự cá nhân ai sẽ là người giải quyết? Những ảnh hưởng về tâm lý, tinh thần… của các nạn nhân này thì ai sẽ là người chữa lành?

Cho dù đã có những luật định riêng về an ninh mạng, thế nhưng có lẽ vẫn chưa đủ răn đe với những trường hợp coi thường pháp luật. Và bạo lực mạng vẫn đang là một vấn nạn không hồi kết và để lại những hậu quả vô cùng nặng nề đối với các nạn nhân.

Trước làn sóng đòi tước vương miện Hoa hậu Ý Nhi từ cộng đồng anti-fan, Trưởng BTC Miss World Vietnam 2023 hai lần xin lỗi khán giả Trước làn sóng đòi tước vương miện Hoa hậu Ý Nhi từ cộng đồng anti-fan, Trưởng BTC Miss World Vietnam 2023 hai lần xin lỗi khán giả
Lùm xùm Hoa hậu Ý Nhi chưa hạ nhiệt, Á hậu 1 Đào Thị Hiền gây “bão” vì phát ngôn “vạ miệng” Lùm xùm Hoa hậu Ý Nhi chưa hạ nhiệt, Á hậu 1 Đào Thị Hiền gây “bão” vì phát ngôn “vạ miệng”
Hoa hậu Ý Nhi vướng tranh cãi khi được cử đi thi Miss World 2025 Hoa hậu Ý Nhi vướng tranh cãi khi được cử đi thi Miss World 2025

(còn nữa)

Mộc Miên - Hải Yến
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động