Thứ sáu 26/04/2024 13:31
Để nhà vệ sinh công cộng trở thành điểm mạnh trong mục tiêu “Vì môi trường xanh - sạch - đẹp” của Thủ đô:

Kỳ cuối: Để nhà vệ sinh công cộng trở nên thân thiện...

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Ủy viên thường vụ Hội kiến trúc sư Hà Nội nhấn mạnh một số nước như Thái Lan, Nhật Bản, Singapore,… đã có những chính sách hay nhằm phát triển hệ thống nhà vệ sinh công cộng, coi đó là sản phẩm văn hóa du lịch, đóng góp vào sự phát triển đất nước.
Hình ảnh một nhà vệ sinh công cộng của Nhật Bản
Hình ảnh một nhà vệ sinh công cộng của Nhật Bản

Sản phẩm văn hóa du lịch

Nhà vệ sinh công cộng của Thái Lan là một trong những yếu tố khiến người dân nước này cảm thấy yêu thích và tự hào. Bên cạnh hệ thống nhà vệ sinh công cộng thông thường, đất nước này còn có nhà vệ sinh công cộng hạng sang với nhiều ưu điểm nổi bật như: Nội thất bắt mắt với tường được ốp gỗ, trang bị máy điều hòa, hệ thống xông hương thơm loại bỏ mùi khó chịu, thậm chí còn có thể đo huyết áp, đo tỷ lệ mỡ trong cơ thể hay có máy phát nhạc để người sử dụng "thư thái". Trong tương lai, hệ thống nhà vệ sinh này sẽ được phát triển thành các trung tâm y tế điện tử góp phần vào sức khỏe cộng đồng. Đặc biệt, hệ thống nhà vệ sinh hạng sang này rất sạch sẽ và được cam kết loại bỏ vi khuẩn tối đa khi sử dụng loại nước lau rửa đặc biệt và có nhân viên tẩy trùng sau mỗi lần sử dụng. Hầu hết thiết bị - từ nút xả nước, thùng rác đến hộp đựng xà phòng đều được điều khiển bằng cảm biến, hạn chế các tiếp xúc thông thường.

Tại Singapore, nhà vệ sinh công cộng được cung cấp bởi các trung tâm mua sắm, siêu thị, chợ… Bộ luật về sức khỏe môi trường của Cơ quan Môi trường quốc gia Singapore quy định các tiêu chuẩn thiết kế tối thiểu cơ bản của nhà vệ sinh để giải quyết các vấn đề sức khỏe cộng đồng. Vị trí nhà vệ sinh dễ tiếp cận, không quá xa khu vực giao thông chính, tránh phải di chuyển khoảng cách dài (thường đặt ở siêu thị, chợ, nơi ăn uống, trung tâm hội nghị, nhà hát, rạp chiếu phim, công viên, khu du lịch, trạm dừng xe buýt, trạm xăng, ga xe điện ngầm, sân vận động, hồ bơi công cộng...). Việc dọn dẹp, vệ sinh sạch sẽ nhà vệ sinh công cộng ở Singapore được thực hiện hằng ngày, theo trình tự giúp ngăn ngừa sai sót trong quá trình làm sạch.

Nhật Bản được biết đến là quốc gia có hệ thống nhà vệ sinh công cộng sạch sẽ và được chăm chút nhất thế giới. Chính quyền các thành phố lớn ở Nhật còn liên tục tổ chức các dự án để biến nhà vệ sinh công cộng trở thành những công trình kiến trúc độc đáo. Nhật Bản coi nhà vệ sinh công cộng như một chuẩn mực về văn minh, phẩm chất văn hóa của quốc gia.

Nâng cao công tác quản lý, vận hành

Kiến trúc sư Phan Tấn Lộc có nhiều năm nghiên cứu các giải pháp của quốc tế về nhà vệ sinh công cộng chia sẻ về giải pháp phát triển nhà vệ sinh công cộng, trước hết cần phải thay đổi quan điểm về nhà vệ sinh công cộng, đó là phải đẹp, hiện đại và văn minh.

Về vị trí, nhà vệ sinh công cộng phải đặt nơi dễ thấy. Đa số nhà vệ sinh công cộng đều được xây dựng ở những góc sâu hoặc nằm ở tầng hầm. Nhiều nơi vẫn coi nhà vệ sinh công cộng là công trình cần phải giấu đi khiến nhiều người dân, du khách muốn sử dụng nhưng không tiếp cận được nhà vệ sinh công cộng. Khi nhà vệ sinh công cộng không được hiện hữu ở những vị trí dễ nhận ra thì đó chính là trở ngại cho công tác xã hội hóa.

Hiệp hội Nhà Vệ sinh Việt Nam cũng ghi nhận thực trạng nhiều nhà chờ xe buýt, thậm chí nhiều điểm du lịch ở Việt Nam không có nhà vệ sinh công cộng, dẫn đến tình trạng người dân “đi bậy” rất nhiều. Vì vậy, rất cần nhà vệ sinh công cộng sạch sẽ, hiện đại kết hợp nhà chờ xe buýt hay nhà vệ sinh công cộng nên đặt ở những những nơi nhiều người qua lại như đường phố, chợ, siêu thị, trung tâm mua sắm, trung tâm văn hóa giải trí,…

Các vị trí xây dựng nhà vệ sinh công cộng cần có quy hoạch cụ thể trong các chương trình quy hoạch của địa phương hằng năm, phải được xây dựng ở những vị trí dễ quan sát và mang tính bền vững. Nếu có thay đổi thì cần phải có những vị trí thay thế tương xứng với vị trí cũ. Nếu không, các đơn vị, doanh nghiệp sẽ rất khó tham gia vì kinh phí đầu tư một nhà vệ sinh công cộng rất lớn.

Yếu tố quan trọng nữa để phát triển nhà vệ sinh công cộng là chú trọng công tác quản lý, vận hành. Chất lượng nhà vệ sinh tại các trường học, bệnh viện ở trung tâm thành phố tạm ổn nhưng cũng rất cần thêm các thiết bị, công nghệ, tính năng và các chương trình truyền thông liên quan đến nhà vệ sinh công cộng.

Bên cạnh đó, đội ngũ nhân viên quản lý nhà vệ sinh công cộng cần được đào tạo, huấn luyện bài bản. Khi nhân viên được trang bị đầy đủ các kỹ năng cũng như đạo đức nghề nghiệp thì không chỉ nâng cao chất lượng nhà vệ sinh công cộng mà còn góp phần nâng cao ý thức cho người sử dụng.

Ngoài ra, muốn cải thiện chất lượng nhà vệ sinh công cộng cần phải xã hội hóa, vận động nguồn thu nội lực của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, giúp tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước, đồng thời thúc đẩy trách nhiệm của đơn vị tham gia xã hội hóa trong quá trình thiết kế, thi công, quản lý, vận hành, cải tạo, nâng cấp, sửa chữa. Từ đó phát huy tính bền vững, lâu dài cho công trình này.

Sau khi hình thành cơ chế thu từ công tác xã hội hóa nhà vệ sinh công cộng, đơn vị phụ trách có thể dùng một phần doanh thu để tài trợ cho các dự án cộng đồng tại vùng sâu vùng xa để cùng lan tỏa những thông điệp nhân văn, cũng là cách giới thiệu, quảng bá, nâng cao vị thế và hình ảnh của công trình nhà vệ sinh công cộng.

Theo kiến trúc sư Phan Tấn Lộc, nên thay nhà vệ sinh công cộng truyền thống làm bằng gạch bằng nhà vệ sinh lưu động, thông minh. Chỉ cần tìm vỉa hè rộng (khoảng trên 10 m) để gắn những nhà vệ sinh công cộng bảo đảm tính tiện dụng. Tại những vỉa hè phải thiết kế chỗ đỗ xe cho người sử dụng.
Kỳ 1: “Ngại” khi bước chân vào nhà vệ sinh công cộng
Kỳ 2: Đề xuất từ chuyên gia
An Nhiên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động