Kỳ cuối: Cần thực hiện đồng bộ các biện pháp khi Hà Nội "mở cửa"
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênPhó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng nhấn mạnh: TP mở cửa trở lại các hoạt động không có nghĩa là buông lỏng, mà "mở cửa" có kiểm soát, quản lý hiệu quả |
Chuẩn bị sẵn sàng khi hoạt động du lịch, dịch vụ sôi động trở lại
Vững vàng vượt qua "đỉnh dịch" với số ca tử vong được ghi nhận ở mức thấp, tỷ lệ bệnh nhân F0 nhập viện thấp, Hà Nội bắt đầu giai đoạn "mở cửa" trở lại các hoạt động để thích ứng an toàn, linh hoạt nhưng đảm bảo kiểm soát tình hình dịch.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, TP đã mở lại hoạt động du lịch và cho phép các dịch vụ hoạt động sau 21g hằng ngày. Hiện nay, lượng khách du lịch chưa nhiều, các hoạt động dịch vụ cũng còn có mức độ. Tuy nhiên, các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã phải có kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng khi các hoạt động du lịch, dịch vụ sôi động trở lại. Đặc biệt, Hà Nội là nơi sắp diễn ra SEA Games 31 với số lượng lớn vận động viên, quan chức, cổ động viên trong và ngoài nước sẽ có mặt tham gia. Vì vậy cần chuẩn bị, xây dựng phương án, tổ chức diễn tập để bảo đảm ứng phó kịp thời, bình tĩnh, hiệu quả trong mọi tình huống dịch bệnh.
Thường trực Thành ủy cũng giao Ban Cán sự đảng UBND TP chỉ đạo tổ chức phương án chủ động, sáng tạo để phát triển kinh tế - xã hội nói chung, trọng tâm trước mắt là ngành Du lịch, dịch vụ, thương mại; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tinh thần chung là phải đồng hành cùng doanh nghiệp, quyết tâm với ý chí cao nhất để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2022 mà TP đã đề ra.
Triển khai các nhiệm vụ nêu trên, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch TP đã yêu cầu các địa phương chủ động hơn nữa trong xây dựng các phương án, kịch bản ứng phó dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới. Trong đó, chú trọng công tác phòng, chống dịch theo phương châm "4 tại chỗ"; tuyệt đối không được chủ quan lơ là, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra.
Đặc biệt trong vấn đề mở cửa đón khách du lịch quốc tế, đồng chí Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND Thành phố, Phó trưởng BCĐ Phòng chống dịch TP đã giao Sở Du lịch chủ động các phương án để bảo đảm đón du khách an toàn phòng, chống dịch theo đúng quy định của Bộ Y tế, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Sở Du lịch cần phối hợp với các cơ quan báo chí để đẩy mạnh thông tin truyền thông nhất là trong thời gian diễn ra SEA Games 31, góp phần thúc đẩy quảng bá du lịch Thủ đô, thu hút du khách quốc tế đến với Hà Nội.
"Việc TP mở cửa trở lại các hoạt động không có nghĩa là buông lỏng, mà "mở cửa" có kiểm soát, quản lý hiệu quả. Công việc sẽ nhiều hơn, trách nhiệm nặng nề hơn, đòi hỏi các địa phương phải chủ động hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch" - đồng chí Chử Xuân Dũng nhấn mạnh.
Vẫn còn những băn khoăn
Để thích ứng với trạng thái mở cửa, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trạm trường Trạm Y tế phường Phúc La, quận Hà Đông thì nhiệm vụ mà cơ sở đang tập trung thực hiện là phối hợp với nhà trường và các tổ dân phố triển khai rà soát trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi chưa được tiêm phòng vắc-xin Covid-19. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay với tuyến cơ sở là y tế vẫn phải "ôm" thêm việc của bên BHXH.
Trạm y tế phụ trách nhiều công việc liên quan đến các thủ tục cho F0 (quyết định cách ly, hết cách ly). Sau đó lại thêm cả việc làm thủ tục thanh toán BHXH cho F0 với rất nhiều thủ tục, giấy tờ khiến cán bộ y tế vất vả. "Trong khi đó hiện chưa có sự phối hợp giữa 2 bên nên chưa biết nguồn nào chi trả việc in giấy tờ cũng như chưa biết chế độ cho anh em y tế ra sao khi làm thêm việc của bên BHXH", ông Hùng chia sẻ.
Thời gian qua y tế tư nhân tham gia hỗ trợ Hà Nội chống dịch hiệu quả, cần có cơ chế chính sách huy động hỗ trợ lâu dài |
Với quận Nam Từ Liêm, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Y tế quận thì với số ca nhiễm đột ngột tăng rất nhanh sau tết Nguyên Đán nên cán bộ y tế cơ sở-cụ thể là trạm y tế phường đang bị quá tải rất nhiều. Bên cạnh đó, các trạm y tế lưu động ở các phường-là cánh tay nối dài của trạm y tế cố định nhưng chỉ huy động được trên 70 người của y tế tư nhân tham gia. Hơn nữa lực lượng này chỉ tham gia thời gian có hạn thôi, 1 tháng cùng lắm 2 tháng chứ không thể bỏ tất công việc, đóng cửa để phục vụ trạm y tế lưu động.
"Y tế tư nhân mỗi cơ sở chỉ phục vụ 1 tháng hoặc vài tuần, trạm y tế lưu động đến nay cũng hoạt động được 3-4 tháng, nhân lực thiếu hụt nhưng chưa có cơ chế chính sách huy động y tế tư nhân tham gia vào trạm y tế lưu động mà cấp trên chỉ có công văn yêu cầu huy động. Cần có cơ chế chính sách rõ ràng chứ vận động thì họ chỉ tham gia lúc đỉnh điểm chứ không lâu dài được. Vì vậy cần có cơ chế chính sách rõ ràng để y tế tư nhân có thể tham gia bất cứ lúc nào mình huy động", Trưởng phòng Y tế quận Nam Từ Liêm bày tỏ.
Nói về những việc cần làm tốt khi Hà Nội mở cửa trở lại, PGS-TS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng-Bộ Y tế cho rằng: Hà Nội nới lỏng và đón khách du lịch vào là chuyển từ "Zero F0" sang chấp nhận ca mắc trong cộng đồng, chuyển từ cấm đoán sang kiểm soát rủi ro. Đã kiểm soát rủi ro thì phải theo dõi, tiếp tục giám sát, đánh giá đề phòng, tăng cường năng lực cho công tác phòng chống bệnh dịch chứ không thể bỏ rơi. Nới lỏng chứ không phải là buông trôi thả lỏng.
Bên cạnh đó là nới lỏng đồng bộ thì phải dự phòng đồng bộ: Hà Nội cho khách du lịch nước ngoài vào, cho bán hàng đêm, cho nhiều hoạt động được phép trở lại nhưng cũng phải đồng bộ không thể không dự phòng. Ví dụ cho nhập cảnh thì mới có khách du lịch, có khách du lịch thì mới có khách sạn, vui chơi giải trí hoạt động nhưng phải đồng bộ. Các khách sạn, khu vui chơi giải trí cũng phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh bởi nếu chúng ta thả lỏng ra thì lại lây lan rất mạnh, bùng phát lên lại chật vật, quá tải cho hệ thống y tế.
Cùng đó là triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19, những người nào già, bệnh nền chưa tiêm hoặc có chống chỉ định thì cần tiêm được tiêm, đặc biệt lưu ý người già. Đáng lưu ý Hà Nội nhiều dân di cư đến làm ăn-nhất là khi du lịch mở ra thì dân di cư về Hà Nội làm nhiều nên cần xem họ đã tiêm vắc-xin chưa để tiêm tránh bỏ sót đối tượng đó.
Thêm nữa là tăng cường các thông điệp truyền thông thực hiện 5K lúc này vô cùng quan trọng-dù nới lỏng nhưng thực hiện các biện pháp phòng bệnh vô cùng quan trọng. 5K không phải lúc nào cũng thực hiện được đầy đủ mà lúc nào thực hiện K nào nhưng áp dụng tối đa có thể-K nào chính, K nào phụ và có sự linh hoạt: Ăn uống không đeo khẩu trang được thì khử khuẩn, giữ khoảng cách; hoặc nếu xem bóng đá không giữ khoảng cách được thì lại đeo khẩu trang.
"Mọi người cần áp dụng tối đa có thể, mục đích của chúng ta không cản được sự lây lan nhưng làm chậm sự lây lan để không bị quá tải hệ thống y yế. Không quá tải hệ thống y tế thì không bị tử vong vì người bệnh nhẹ nhận được sự can thiệp của cơ quan y tế", TS. Trần Đắc Phu phân tích. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại