Dịch Covid-19 có thể không chấm dứt được
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênWHO cảnh báo chưa thể lơ là với đại dịch, bởi kịch bản có thể nhẹ đi nhưng cũng có thể nặng lên vì chưa thể đánh giá biến chủng của virus SARS-CoV-2 một cách rõ ràng (ảnh minh hoạ: V.H) |
Theo PGS-TS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng-Bộ Y tế, dịch Covid-19 tại Việt Nam giảm mạnh trong thời gian qua là do tỷ lệ tiêm vắc-xin cao, người đã nhiễm Covid-19 nhiều, Việt Nam đã qua thời kỳ đỉnh dịch.
Hiện nay, nước ta đang kiểm soát được số ca mắc nặng và tử vong khi 2 tháng qua số mắc vẫn cao nhưng chuyển nặng và tử vong thấp. Đặc biệt, ngày 3/5, sau 1 năm bùng phát đợt dịch thứ 4, nước ta không ghi nhận ca tử vong nào.
Tuy nhiên, trước ý kiến cho rằng khi dịch giảm mạnh cả số ca mắc lẫn tử vong thì nên đưa Covid-19 ra khỏi danh mục bệnh truyền nhiễm nhóm A, TS. Trần Đắc Phu cho rằng: Thời điểm này chưa nên đưa Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B (bệnh lưu hành). Lý do bởi Covid-19 vẫn có thể xuất hiện biến chủng mới. Đây chính là giai đoạn chuyển tiếp để “nghe ngóng”, đánh giá tình hình dịch một cách chính xác.
Bộ Y tế đưa ra 2 kịch bản: Chủng virus vẫn tiếp tục tiến triển, tuy nhiên do cộng đồng đã có miễn dịch nên số trường hợp nặng và tử vong giảm dần dẫn đến các ổ dịch không còn nghiêm trọng như trước hoặc xuất hiện biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 nhưng ít nghiêm trọng hơn.
Tình huống thứ hai xuất hiện biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng làm giảm hiệu quả vắc-xin hoặc miễn dịch, khiến ca nhiễm có triệu chứng nghiêm trọng hoặc tử vong tăng lên, đặc biệt ở các nhóm dễ bị tổn thương.
"Hiện nay chúng ta vẫn chưa đánh giá được theo chiều hướng nào mà cần sẵn sàng đối phó với cả hai tình huống mà Bộ Y tế đưa ra. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chưa tuyên bố kết thúc đại dịch mà mới tuyên bố làm sao để kết thúc tình trạng khẩn cấp. WHO cũng đang cảnh báo chưa thể lơ là với đại dịch, bởi kịch bản có thể nhẹ đi nhưng cũng có thể nặng lên vì chưa thể đánh giá biến chủng của virus SARS-CoV-2 một cách rõ ràng", nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh.
Việt Nam cũng như thế giới vẫn đang theo dõi các biến thể phụ của Omicron, biến chủng mới. Về câu chuyện của Nam Phi gia tăng số ca đột biến do 2 biến thể phụ BA.4 và BA.5, chúng ta cũng không nên lo lắng quá nhưng cần theo dõi sát diễn biến để ứng phó phù hợp. Việc xuất hiện các biến thể phụ mới, biến chủng mới là điều tất yếu.
TS. Trần Đắc Phu phân tích, dịch Covid-19 có thể không thể hết được, thậm chí ngay cả khi Covid-19 trở thành bệnh lưu hành thì số mắc vẫn có thể tăng lên nhưng ổn định và chúng ta có thể dự báo được.
“Với tình hình dịch trong nước hiện nay chúng ta không quá lo ngại về việc số ca mắc có thể tăng trở lại. Chúng ta vẫn dự báo các kịch bản có thể xảy ra, bản thân tôi nghiêng về kịch bản dịch nhẹ đi, số mắc có thể giảm rồi lại tăng lên chứ không kết thúc được mà Covid-19 trở thành bệnh dịch lưu hành”, TS. Trần Đắc Phu nói.
TS. Trần Đắc Phu bày tỏ, chúng ta cũng không nên quá bận tâm về việc xem Covid-19 như bệnh nhóm A hay nhóm B khi mà chúng ta vẫn đang phải đầu tư vắc-xin, đầu tư của công vào công tác phòng, chống dịch. Điều quan trọng là chúng ta đánh giá đúng nguy cơ để có đáp ứng phù hợp.
Cùng với việc mở cửa các hoạt động, du lịch, đưa trẻ em quay trở lại trường học, không còn cách ly F1… thì vẫn phải kiểm soát rủi ro. Dịch diễn biến tới đâu, đáp ứng tới đó. Cần đánh giá nguy cơ một cách chính xác để có đáp ứng phù hợp nhất. Nếu đáp ứng không tới sẽ không kiểm soát được dịch, đáp ứng thái quá, đặc biệt là cấm đoán không hợp lý sẽ ảnh hưởng tới làm kinh tế và an sinh xã hội. Nếu từ giờ tới cuối năm tình hình thực sự ổn định thì mới nên quyết định chuyển sang nhóm B.
Đây là quyết định yêu cầu sự chắc chắn, nên cần phải có giai đoạn chuyển tiếp là như vậy. Nếu chuyển sang nhóm B ngay có thể làm mất cảnh giác, khi dịch quay lại, việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch sẽ khó khăn hơn, mất thời gian hơn…
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại