Kỳ 9: Tôi đã tìm được những bài học mới từ những cuốn sách cũ
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCánh cửa cuộc đời chưa khép lại
Những năm tháng đầu tiên đối diện với bản án 17 năm tù ở trại giam Tân Lập (Bộ Công an) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Thủy như người mất hồn. Nhưng cũng chính ở môi trường trại giam ấy, được sự quan tâm của cán bộ, những cuốn sách cũ hay những cuốn sách từ những mảnh đời lầm lỗi ở trong thư viện của trại giam đã khiến cho Thủy như tìm được người bạn tri kỷ.
Phạm nhân Đinh Thị Bích Thủy bảo rằng, xưa kia cô từng có một gia đình khiến nhiều người ước vọng. Nhưng Thủy không cam chịu với cuộc sống của một công chức bình thường mà tìm cách ăn mặc, đi lại bằng phương tiện sang trọng hơn. Tiền mua ô tô không có, Thủy đã tính cách làm giàu bằng mọi cách để rồi nhận về kết quả không như mong đợi.
Bài viết cảm nhận về sách của phạm nhân Định Thị Bích Thủy đã được Ban giám thị, Hội đồng cán bộ đánh giá cao, có tính tuyên truyền, giáo dục |
Rồi như không muốn nói nhiều về gia đình mình, Thủy kể về cuộc sống của mình trong trại giam, về những suy nghĩ, cảm nhận của Thủy về nơi cô sẽ phải gắn bó nhiều năm nữa. “Tôi cải tạo ở đội trực sinh nên công việc khá thoải mái. Những lúc rảnh rỗi tôi thường lên thư viện đọc sách báo. Trong số những quyển sách mà tôi đã đọc, ấn tượng nhất là cuốn viết về lịch sử trại giam Tân Lập và cuốn sự hồi sinh từ trong tuyệt vọng do chính các phạm nhân viết về cuộc đời mình. Đọc những mảnh đời ấy, tôi thấy có một phần của mình trong đó, từ đó mà khâm phục và thấy như được tiếp thêm nghị lực để sống”, Thủy bộc bạch.
Trong cuộc thi viết cảm nhận về sách, Đinh Thị Bích Thủy đã viết: Tôi đã đọc được sự hối hận thấm đẫm trong chính những trang sách mà chính những phạm nhân viết ở các tập sách “Sự hồi sinh từ trong tuyệt vọng” và “Gửi lời xin lỗi” do Nhà xuất bản Công an nhân dân phát hành.
Mỗi bài viết trong đó ấn chứa biết bao nỗi niềm, bao phận đời. Không cần đến sự tưởng tượng, hư cấu, các biện pháp tu từ như trong tiểu thuyết, những chuyện đời trong 2 cuốn sách vẫn đủ sức hấp dẫn và lôi cuốn người đọc. Sức hút đó chính là sự chân thực khi tác giả kể lại câu chuyện của mình. Trong đó, tôi gặp được những nhân vật nổi tiếng một thời từng tốn không biết bao giấy mực của báo chí, truyền thông.
Trong đó có phạm nhân Quỳnh Ngọc, hiện đang chấp hành án tại trại giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với mức án 20 năm tù. Hay phạm nhân Đặng Văn Thế, người được đặc xá tha tội chết sau nhiều năm mang trên mình bản án tử hình, hiện đang thụ án ở trại giam. Sau những giấc mộng phù du tan vỡ, giờ đây khoác trên mình bộ quần áo sọc, họ cũng như bao phạm nhân khác, ngày ngày hối hận về những tội lỗi cho mình gây ra và tích cực lao động cải tạo mong sớm ngày được hoàn lương.
Những bài học mới từ những cuốn sách đã cũ
Tôi đã được đọc những trang viết của những người từng là tử tù, ngày ngày phải đối diện với sự phấp phỏng lo âu, trong ranh giới mong manh của sự sống và cái chết. Thậm chí có người đang chờ đợi quyết định ân xã của Chủ tịch nước trong phòng biệt giam đến 11 năm. Bởi đâu họ có được sức mạnh tinh thần để vượt qua giai đoạn khó khăn đến vậy. Tôi nghĩ, đó chính là những người quản giáo đã truyền cho họ niềm tin và sự khát khao được sống, niềm tin vào chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước cho người phạm tội...
Từ sự hối hận sâu sắc về tội lỗi mình gây ra, người phạm nhân như chúng tôi đã được cán bộ gợi ý, động viên để biết nói lời xin lỗi. Từ xưa đến nay, người ta dễ dàng nói lời “cảm ơn” hơn là lời “xin lỗi”. Nhất là những phạm nhân phần nhiều là đối tượng cộm cán, nhiều lần vào tù ra tội, tâm hồn đã chai sạn những va vấp cuộc đời. Khi cầm trong tay tập sách “Gửi lời xin lỗi”, tôi đã thấy vô cùng xúc động khi đọc những dòng xin lỗi vẫn còn nguyên sự run rẩy của cảm xúc từ những phạm nhân như tôi.
Qua những trang sách, tôi khá bất ngờ khi đọc được những bức thư xin lỗi của phạm nhân Hoàng Thị Loan, hiện đang chấp hành án tại phân trại số 5, trại giam Tân Lập cùng tôi. Đằng sau bề ngoài có vẻ khó gần và một quá khứ bất hảo, tôi được tiếp cận với một góc mới hoàn toàn khác của Loan, đó là phần người nhạy cảm, cô đơn và ao ước có một gia đình đoàn tụ, đầm ấm. “Xin lỗi để được thanh thản, xin lỗi sẽ nhận lại thứ tha”.
Thông điệp ấm áp mà cuốn sách mang lại đã giúp bao phạm nhân thấy nhẹ lòng, lấy lại được cân bằng trong cuộc sống. Đọc xong tập sách, tôi thật sự muốn cầm ngay bức thư để gửi lời xin lỗi đến gia đình và những người bị hại của tôi dẫu biết rằng có thể lời xin lỗi của tôi sẽ chẳng bao giờ được những bị hại của tôi trả lời nhưng tôi vẫn muốn làm một lần. Một lần đối diện thẳng thắn với lương tri của mình. Đó cũng là cách để tìm được con đường giải thoát cho tâm hồn mình. Bên cạnh những cuốn sách định hướng cho phạm nhân, tôi còn đọc những tác phẩm văn học nổi tiếng trong nước và thế giới.
Những tác phẩm mang giá trị nhân văn sâu sắc, mang người đọc đến với sự lương thiện. Tôi đã thấy những phạm nhân đánh vần suốt buổi sáng cũng chỉ được vài trang sách, nhưng ánh mắt họ vẫn lấp lánh như những đứa trẻ lần đầu được chạm đến thế giới thần tiên. Những trang sách như một phép màu kỳ diệu tưới tắm những tâm hồn khô cằn của chúng tôi. Bên cạnh đó, tôi còn rất yêu thích những cuốn sách về danh nhân, sách về Bác Hồ, các vị tướng trong và ngoài nước. Mỗi người là một bài học lớn để chúng tôi noi theo trên bước đường hoàn lương của mình.
Thư viện nhỏ với những cuốn sách cũ, đối với tôi và các phạm nhân khác ở phân trại này là cả một kho báu vô giá, đầy ắp tình thương yêu, sự quan tâm của Ban giám thị, Hội đồng cán bộ dành cho chúng tôi. Ở đó còn là con thuyền chở những ước mơ được trau dồi tri thức, được tìm đến bến bờ của tự do, những phận đời lầm lỗi. Cũng tại thư viện này, tôi học được về sự nâng niu và giữ gìn những quyển sách. Đó cũng là cách để rèn luyện sự kiên nhẫn, chỉn chu của bản thân. Giữ một quyển sách cũ đồng nghĩa với việc mang đến niềm vui cho người khác.
Trong bài thi viết cảm nhận về sách, phạm nhân Đinh Thị Bích Thủy đã trích lại một đoạn thư của một người bạn tù của Thủy – một phạm nhân bị kết án chung thân về tội Giết người, hiện đang cải tạo ở phân trại số 1, Trại giam Tân Lập để thay cho lời kết bài viết. Người bạn tù ấy viết: “Tôi đã đọc 6 lần cuốn “Mẹ” của Tào Đình mà vẫn chưa muốn dừng lại. Bạn có tin không? Trong đời 36 năm của mình, đây là lần thứ 3 tôi khóc. Tôi thấy mẹ tôi và thương hơn nữa là người mẹ của người mà tôi đã gây ra tội lỗi với họ. Tôi sẽ cố gắng để về càng sớm, càng tốt. Lúc ấy tôi sẽ làm bổn phận của người con có hai bà mẹ...”. “Tôi tin anh ấy cũng như tin những cuốn sách cũ trong thư viện của trại giam. Tôi đã thực sự tìm được những bài học mới từ những cuốn sách đã cũ. Và tôi tin, nếu những người thân và cán bộ nơi đây tin tưởng chúng tôi một lần nữa, tôi tin chúng tôi sẽ làm lại được...”, phạm nhân Đinh Thị Bích Thủy viết. |
Kỳ 8: Sách là người bạn xua tan sự dày vò | |
Kỳ 7: Đọc sách tôi như thấy mình trong đó |
Kỳ 6: Khát vọng hoàn lương của nam phạm nhân có hoa tay hội họa |
Kỳ 5: Thầy giáo trượt dốc vì lô đề và bài hát thức tỉnh những tâm hồn tội lỗi |
(Còn nữa)
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại