Kỳ 13: Những phạm nhân từng một thời lầm lỡ... hãy tìm đến sách để hướng thiện
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênVết trượt dài cho hành vi sốc nổi
Tâm sự với chúng tôi, phạm nhân Nguyễn Thế Tấn bảo rằng, nếu như hiểu thấu được như bây giờ có lẽ, anh ta đã được xét giảm án và đã được đủ điều kiện để ra trại. Nhưng tiếc rằng, những ngày đầu vào trại, Tấn đã không nghĩ được như thế và nhiều lần vi phạm nội quy.
Sinh ra trong một gia đình bố mẹ làm nông nghiệp, bản thân Nguyễn Thế Tấn dù được ăn học đàng hoàng nhưng vì mải chơi hơn làm nên trước tương lai sự nghiệp của bản thân đã không có một xác định nghiêm túc. Tấn bảo ngày đó không hiểu sao chỉ thích chơi bời. Thậm chí cả khi đã lấy vợ, có con rồi nhưng Tấn vẫn không từ bỏ được cái tính ngao du bốn biển, thích lông bông, lang thang. Để rồi, anh ta đã rơi vào túng quẫn mà làm liều.
Một xã hội phát triển bền vững là một xã hội học tập, ở đó mỗi người dân đều phải coi việc tiếp cận tri thức là thói quen, là nghĩa vụ, là nhu cầu nội tại, là mục đích theo đuổi suốt đời. |
“Thực ra không phải lúc nào tôi cũng đi lêu lổng”, Tấn kể. Nam phạm nhân này cho biết có thời điểm cũng ao ước có cuộc sống bình thường với một gia đình yên ấm như bao người khác. Đó là thời điểm Tấn chịu đi làm công nhân bao bì, chăm chỉ làm việc đều đặn để hàng tháng nhận đồng lương công nhân mang về cho gia đình. Thế nhưng không hiểu sao ngôi nhà nhỏ với người vợ cùng tuổi và đứa con nhỏ lại không đủ sức để níu chân anh. Kết cục là chỉ ngoan ngoãn được vài năm, Tấn lại chứng nào tật đó. Và điều khiến cả gia đình bất ngờ là sau lần lừa lấy xe máy của chị bạn cùng phân xưởng, Tấn lại phạm tiếp tội nghiêm trọng hơn.
Theo tài liệu điều tra, trước khi bị bắt, Tấn đang làm việc tại HTX bao bì Hoàng Minh đã lấy lý do có chút việc cần phải ra ngoài giải quyết nên đã hỏi mượn xe máy của chị Hiền là người làm cùng với mình. Mượn được xe, Tấn đã mang đến tiệm cầm đồ đặt xe để vay 3,5 triệu đồng rồi bỏ việc luôn. Lang thang lêu lổng đến lúc hết tiền, Tấn nảy sinh ý định cướp tài sản của xe ôm nên ra chợ mua một con dao nhọn giắt vào trong người. Sau đó, Tấn thuê ông Thật làm nghề chở xe ôm chở lên TP Yên Bái. Để người đàn ông này đồng ý chở mình đi, Tấn bảo vì có việc gấp nên thuê ông Thật chở với giá 400.000 đồng, cao hơn so với bình thường. Tin lời Tấn, ông Thật đồng ý chở đi. Dọc đường đi, Tấn mấy lần định ra tay sát hại ông Thật nhưng không tìm được cơ hội do thời điểm đó có nhiều người đi lại trên đường, vả lại ông Thật cũng đi chậm. Khi lên đến TP Yên Bái, Tấn đã lấy dao nhọn đâm 1 nhát vào gáy ông Thật nhưng trong lúc vội vàng, mũi dao đâm trượt vào chiếc mũ bảo hiểm, không làm nguy hiểm tới tính mạng ông Thật. Nhảy ra khỏi xe, người lái xe ôm liền cất tiếng hô hoán và may mắn nhận được sự hỗ trợ của người dân xung quanh nên sau một hồi đuổi bắt đã bắt giữ được tên cướp đội lốt khách thuê xe này. Với hành vi trên, Nguyễn Thế Tấn bị TAND tỉnh Yên Bái tuyên phạt 19 năm tù giam về các tội Giết người, Cướp tài sản và Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Về trại giam Tân Lập cải tạo, Tấn bảo thời gian đầu suy nghĩ không thấu đáo nên tư tưởng còn tiêu cực. Nhất là những khi không nhận được tin tức của gia đình, ít được vợ thăm gặp thì hay suy diễn lung tung, rồi Tấn 5 lần 7 lượt vi phạm nội quy. “Lần đầu tiên tôi vi phạm là năm 2010. Lần đó là dịp tết, vừa qua một dịp nghỉ tết dài ngày xong phải đi lao động lại nên tôi có tâm trạng bất an trong lòng. Tôi đã xích mích với bạn cùng buồng và ẩu đả với người đó. Hai năm sau tôi tiếp tục vào buồng kỷ luật vì mang vật cấm vào buồng giam. Năm 2014, tôi lại tiếp tục vi phạm lần nữa”. Theo lời Tấn kể thì anh ta mất gần chục năm để tuột mất cơ hội được giảm án vì cứ gần đến dịp đủ điều kiện để được xét giảm án thì anh ta lại vi phạm và thế là lại phải cố gắng lại từ đầu.
Từng nhận những hình thức kỷ luật như: Cùm chân trong nhà kỷ luật, Phạt giam trong buồng kỷ luật; Nhận hình thức cảnh cáo trước toàn phân trại,…Tấn hiểu rằng mọi sự quậy phá, đi ngược lại với qui luật của cuộc sống đều phải trả giá. Thế nên anh ta đang phấn đấu để “ngã ở đâu, đứng lên từ đó” sửa chữa những sai lầm để sớm quay về với cuộc sống bình thường, lương thiện.
Sách đã tác động, cảm hóa người lầm lỗi
Chính vì vậy, thời gian qua đi, nhìn bạn bè cùng buồng lần lượt ra tù khiến Tấn không khỏi suy nghĩ. Rồi những lần gặp con, nghe con trò chuyện về gia đình và bệnh tật của người mẹ già đã tác động không nhỏ tới suy nghĩ về trách nhiệm của Tấn. Bên cạnh đó, sau khi được cán bộ trại giam giải thích, động viên, cùng với việc đọc sách trong trại giam đã giúp Tấn hiểu ra nhiều điều.
Phạm nhân Nguyễn Thế Tấn bảo rằng, hầu như cuối tuần nào, anh cũng lên thư viện trại giam tìm sách để đọc. Bởi mỗi lần cầm vào sách, đọc những trang sách tuy đã cũ, nhưng đã giúp cho Tấn đầu óc được thư thái hơn, nghĩ tích cực hơn về cuộc sống cũng như định hướng cho tương lai của mình sau ngày ra trại.
“Theo quan điểm của cá nhân tôi thì loại sách mà tôi yêu quí và thích đọc nhất chính là các loại sách viết về lịch sử. Hiểu lịch sử dân tộc không chỉ là theo nhu cầu mà còn là nghĩa vụ của mỗi con người, nhất là giới trẻ như tôi. Người xưa từng dạy: “Ôn cố tri tân”, theo tôi nghĩ điều đó có nghĩa là phải ôn lại chuyện cũ để hiểu được chuyện nay”, Tấn bày tỏ suy nghĩ của mình.
Trong tư tưởng của Tấn, anh ta cho rằng: Bất cứ ai muốn thành công trong cuộc sống đều phải có tri thức. Một xã hội phát triển bền vững là một xã hội học tập, ở đó mỗi người dân đều phải coi việc tiếp cận tri thức là thói quen, là nghĩa vụ, là nhu cầu nội tại, là mục đích theo đuổi suốt đời. Sách chính là tri thức và hãy đọc sách để thấy cuộc sống tràn đầy ý nghĩa và có vô vàn những điều kỳ diệu. “Tôi yêu sách và tôi mong mọi người, những phạm nhân từng một thời lầm lỡ như tôi hãy tìm đến sách để giải khuây tâm hồn và để hướng thiện...”, phạm nhân Nguyễn Thế Tấn chia sẻ.
(Còn nữa)
Kỳ 12: Cần phải rèn luyện làm lại cuộc đời khi vấp ngã... Đó là tâm sự của phạm nhân Nguyễn Tiến Tuấn, SN 1989, trú tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Tuấn đã phải nhận mức án ... |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại