Kỳ cuối: Khuyến khích lao động để sớm trở thành người có ích cho xã hội
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCú vấp ngã giữa cuộc đời
Phạm nhân Hoàng Hồng Hiếu, SN 1980, trú tại huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ là một trong số hơn 20 phạm nhân của Trại giam Tân Lập (Bộ Công an) được lọt vào vòng chung khảo của cuộc thi. Bài viết của phạm nhân Hoàng Hồng Hiếu được đánh giá cao, có tính tuyên truyền giáo dục đối với những phạm nhân trong trại giam.
Được sinh ra trong gia đình có nề nếp, bố mẹ công tác trong lực lượng và bản thân Hoàng Hồng Hiếu cũng từng được ăn học đến nơi đến chốn, từng tốt nghiệp một học viện có tiếng ở Hà Nội. Nhưng vì tiền, Hiếu đã không làm chủ được bản thân. Khi đang làm ở một Cty chứng khoán, dù có thu nhập rất tốt, nhưng lợi dụng những kẽ hở, Hiếu đã sử dụng máy tính, mạng internet thiết bị số chiếm đoạt tài sản. Đối mặt với 7 năm tù về tội danh trên, Hiếu như người mất hồn. Bởi bỗng chốc, tương lai, hạnh phúc gia đình bị ảnh hưởng, đặc biệt là người vợ đảm, đứa con nhỏ dại của Hiếu phải chịu cảnh thiệt thòi khi thiếu vắng bóng cha.
Cuộc thi “Cảm nhận về sách” không chỉ góp phần thiết thực nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục cải tạo và hòa nhập cộng đồng mà còn giúp phạm nhân thông qua việc đọc sách định hướng tư tưởng, tình cảm, nâng cao hiểu biết về pháp luật, đạo đức, lối sống... |
Phạm nhân Hoàng Hồng Hiếu bảo rằng, những ngày đầu về trại giam, anh ta như người mất hồn và đã nhiều đêm không ngủ, nghĩ vừa thương vợ con, vừa ân hận, cay đắng với chính mình. Thế nhưng, chính cuộc thi viết cảm nhận về sách đã làm cho Hiếu thay đổi. Hiếu cho biết, trong nhiều cuốn sách mình từng đọc nhưng có lẽ, cuốn sách “Sự hồi sinh trong tuyệt vọng” đã làm bản thân anh ta nghĩ khác. “Tác giả cuốn sách này là những phạm nhân trong nhà giam. Với ngôn ngữ mộc mạc, giản dị được lấy cảm hứng từ chính cuộc đời của họ, những cuộc đời từng lầm đường lạc lối, những mảnh đời chắp vá, ghép lại. Nên khi đọc nó tôi thấy mình ở trong đó bởi sự cô đơn, chán nản, tuyệt vọng. Từ đó, tạo cho tôi sự đồng cảm, gần gũi để thấy rằng, trên cuộc đời này còn có nhiều người, nhiều số phận bất hạnh hơn tôi. Thế nhưng, họ vẫn phải sống, vẫn phải vượt qua, phải đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã, để bước về phía mặt trời...”, phạm nhân Hoàng Hồng Hiếu viết.
Những mảnh đời chắp vá, ghép lại
Cũng theo Hoàng Hồng Hiếu thì đâu phải cuộc đời này chỉ ích kỷ, sống riêng cho mình, mà quên đi trách nhiệm với gia đình, với người thân. “Những người vợ, người mẹ đáng ra, họ đang được sống một cuộc đời yên vui, nhưng vì chúng ta, mà họ phải lặn lội nuôi chồng, thăm con trong vòng lao lý. Hay như lời xám hối của tử tù Đặng Văn Thế đã gợi cho chúng ta một câu hỏi lớn. Tại sao phải đứng trước ranh giới của sự sống và cái chết thì chúng ta mới nhận ra giá trị của cuộc sống. Vì thế, dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào, vẫn phải sống, phải phấn đấu để trả ơn cho những người thân mà họ đã vất vả nuôi lớn và bên mình những lúc khó khăn nhất của cuộc đời...”, phạm nhân Hoàng Hồng Hiếu chia sẻ.
“Cuốn sách đã cho tôi thấy, tất cả những tác giả đều mang một tâm tưởng, một thông điệp, quay đầu là bờ, với một lòng hướng thiện cho dù có những lúc đã muộn. Cuốn sách cũng mang giá trị nội hàm ý nghĩa, cũng như thông điệp, cách giáo dục, truyền tải cảm hứng mà các cán bộ đang làm công tác giam giữ, giáo dục, cải tạo phạm nhân gửi đi. Tôi cũng mong rằng, những ai chưa đọc cuốn sách Sự hồi sinh trong tuyệt vọng, thì hãy đọc nó một lần, để cảm nhận và đồng cảm với những góc khuất của cuộc đời, những con người đã từng sống trong mặt trái của xã hội, để cảm nhận rằng, họ cũng có những phút giây nhìn lại mình, cũng có khát khao và sự luyến tiếc, hối hận, ăn năn cho những ngày tháng nông nổi đã di qua cho dù có là muộn màng, cho dù đã đánh mất niềm tin với chính mình và mọi người...”, phạm nhân Hoàng Hồng Hiếu viết.
Trao đổi với phóng viên, Đại tá Nguyễn Khắc Chính, Giám thị trại giam Tân Lập cho biết: Đây là cuộc thi dành cho tất cả các phạm nhân đang cải tạo, chấp hành án phạt tù ở các trại giam, trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục trên toàn quốc. Ngay sau khi nhận được công văn của cấp trên phát động cuộc thi, trại giam đã lên kế hoạch để triển khai đến các phân trại. Theo đó, các phạm nhân của trại giam Tân Lập đều được nghe phổ biến thể lệ cuộc thi để khuyến khích mọi người cùng tham gia. Sách, báo, chuyện được luân chuyển về các buồng giam, thư viện để mọi phạm nhân đều có thể tiếp cận, từ đó tạo cảm hứng tham gia dự thi. Những bài viết hay, biểu cảm sẽ được Ban tổ chức lựa chọn để thi tranh giải giữa các phân trại sau đó là tham gia dự thi vòng sơ khảo, chung khảo nên tạo được khí thế thi đua trong toàn trại”.
Cũng theo Đại tá Nguyễn Khắc Chính thì chỉ sau 4 tháng phát động cuộc thi, đã có hơn ngàn bài viết của các phạm nhân tham gia dự thi. Trong số này, Ban tổ chức lựa chọn được hơn 20 bài viết xúc tích, thiết thực và hay nhất để tham gia vòng chung khảo. “Phạm nhân lọt vào vòng chung khảo phải tự diễn thuyết về bài viết của mình hoặc chuyển thể thành hoạt cảnh được biểu diễn trên sân khấu, thành hành động cụ thể. Cảm nhận của họ về một cuốn sách nào đó, có thể được trình bày dưới dạng một bài viết, cũng có thể là một bài thơ, một dạng kịch nói, hò vè… rất đa dạng, phong phú và chứng tỏ đó là tác phẩm do chính phạm nhân tạo nên”, Giám thị trại giam Nguyễn Khắc Chính cho biết thêm.
Đánh giá về cuộc thi, Đại tá Nguyễn Khắc Chính cho rằng, cuộc thi không chỉ góp phần thiết thực nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục cải tạo và hòa nhập cộng đồng mà còn giúp phạm nhân thông qua việc đọc sách định hướng tư tưởng, tình cảm, nâng cao hiểu biết về pháp luật, đạo đức, lối sống từ đó khuyến khích họ tích cực học tập, lao động tiến bộ, sớm trở thành người có ích cho xã hội.
(Tên phạm nhân trong bài đã được thay đổi)
Sau khi được cảm hóa, giáo dục, được tham gia cuộc thi viết cảm nhận về sách, nam thanh niên đã nhận ra giá trị của cuộc sống và đã hăng say lao động, đạt thành tích cao trong cải tạo. Vì vậy, anh đã được giảm án, tha tù và đã trở về với cuộc sống đời thường. Hiện nhân vật trong bài viết đã trở về cùng gia đình, có một công việc ổn định ngoài cuộc sống và có mức thu nhập tốt. |
Kỳ 14: Sách giúp ta biết cười và chào đón những điều tốt đẹp sẽ đến... |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại