Thứ hai 25/11/2024 08:58
Sống trong trại giam:

Kỳ 6: Khát vọng hoàn lương của nam phạm nhân có hoa tay hội họa

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Mỗi bức tranh của phạm nhân Trần Xuân Trường được treo trên tường thư viện trại giam Nam Hà và lưu ở tủ sách của trại với nhiều chủ đề khác nhau, nhưng đều như muốn gửi đến một thông điệp cho các phạm nhân: Hãy chăm chỉ lao động và học tập thì sẽ có kết quả...

Cái giá phải trả của một phút tham tiền

Gặp lại Trần Xuân Trường, SN 1980, trú tại TP HCM đang thụ án tại trại giam Nam Hà (tỉnh Hà Nam) sau hơn một năm, nét mặt Trường có già hơn trước nhưng vẫn ngượng ngùng, bẽn lẽn mỗi khi trả lời phỏng vấn. Đã gần 5 năm trôi qua kể từ ngày bị bắt vì tội danh cướp tài sản, song Trường chưa quên được cái ngày cùng bạn thân, em trai bị CA bắt tạm giam.

Tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật công nghiệp, Trường được nhận về làm việc ở một Cty xây dựng ở TPHCM. Sau một thời gian, lại ra Hà Nội học tiếp văn bàng 2 ĐH Kinh tế. Do mới xa nhà, Trường đã tiêu tiền hơi quá và bị thiếu tiền. Không dám gọi điện về nhà xin ba mẹ, vì nghĩ ba mẹ cũng chỉ có lương hưu, lấy đâu ra nhiều tiền để cho mình. Trong lúc túng quẫn, Trường nảy ra ý định đi cướp.

Trường nhờ người mua hộ 4 khẩu súng hàn điện, 3 bình xịt hơi cay và 2 dùi cui điện rồi rủ em trai là Trần Xuân Hòa, khi đó cũng là sinh viên một trường ĐH ở Hà Nội cùng đi cướp tài sản. Hòa cũng đã rủ thêm người bạn thân là Vũ Thế Quang cùng tham gia cướp.

Trường trực tiếp gọi điện đến cửa hàng kinh doanh vàng Quốc Tín ở Hà Nội do anh Nguyễn Văn San làm chủ tiệm vàng, nói có 35 cây vàng cần bán, đề nghị anh San cử người mang tiền đến tòa nhà Licogi 13 (đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân để giao dịch.

Sau khi thỏa thuận giá cả, anh San đã cử hai nhân viên đi giao dịch thay mình. Cả hai người này được chủ tiệm vàng đưa cho 15 triệu đồng, nói là dùng số tiền trên sau khi gặp gỡ bạn hàng để đặt cọc.

Hẹn đối tác xong, Trường đưa cho Hòa và Quang mỗi tên 2 khẩu súng bắn điện và dặn: "Hai người cứ đến tòa nhà Licogi 13 đợi, thấy nhân viên cửa hàng vàng đến thì cướp tài sản". Hòa và Quang đã đi "xe ôm" đến tòa nhà Licogi 13, còn Trường đi một mình bằng xe máy của Quang đến sau.

Khi 2 nhân viên tiệm vàng đến tòa nhà Licogi 13, gặp 2 nam thanh niên cùng vào một thang máy mà không biết đó là 2 tên cướp. Do đã được Trường nói trước về đặc điểm của 2 nhân viên cửa hàng vàng bạc Quốc Tín nên khi thang máy đang chạy lên tầng 7, Quang và Hòa liền dùng súng bắn điện bắn vào ngực 2 thanh niên tiệm vàng.

Sau khi chống trả quyết liệt hai thanh niên thoát được ra ngoài và hô cướp. Ngay sau đó Trường, Hòa và Quang đã bị CA bắt giữ. Với hành vi cướp tài sản có vũ khí, Trường bị tuyên phạt 15 năm tù giam, cao hơn Hòa và Quang 2 năm vì là đối tượng chủ mưu, cầm đầu vụ việc.

ky 6 khat vong hoan luong cua nam pham nhan co hoa tay hoi hoa
Phạm nhân Trần Xuân Trường đang đọc bản tin của trại cho các phạm nhân ở 2 phân trại nghe.

Gửi lòng mình vào những bức tranh

Ngày đầu vào trại giam Nam Hà, Trường làm việc ở đội trồng rau. Những lúc được nghỉ ngơi sau giờ lao động vất vả, Trường cũng lấy giấy bút ra vẽ tranh. Đầu tiên chỉ là khung cảnh trại giam, rồi cảnh những phạm nhân sau giờ lao động...Sau khi phát hiện ra Trường có năng khiếu mỹ thuật, cán bộ trại đã xin phép Ban giám thị điều chuyển Trường sang làm việc ở tổ văn hóa của trại.

Hàng ngày, từ sáng sớm, Trường ngồi đọc trước loa, bản tin của trại cho các phạm nhân ở hai phân trại cùng nghe. Thường thì những bản tin ấy, Trường và một số phạm nhân khác trong đội phải chuẩn bị từ chiều hôm trước và chuyển cho cán bộ duyệt, sau đó chuyển tải đến các phạm nhân.

Với cái tên “Trường kẻ vẽ”, Trường được đảm nhiệm việc cắt, vẽ pa nô, khẩu hiệu để treo, dán ở từng phân trại của trại giam Nam Hà. Công việc ngày thường không vất vả lắm nhưng vào những dịp lễ lớn như: Tết, 30 - 4 và 1 - 5, mùng 2 - 9 thì công việc rất bận rộn. Nhưng Trường và các anh em trong tổ luôn hoàn thành nhiệm vụ, chưa bao giờ để chậm hoặc xảy ra sai sót gi. Nhận xét về Trường, các cán bộ trong đội giáo dục cho biết, Trường thật thà và hiền lắm, lại là người thông minh, cẩn thận, nên chúng tôi cũng rất yên tâm khi Trường làm ở tổ văn hóa.

Giờ thi Trường càng tự tin và thấy yêu nghề vẽ hơn. Được các quản giáo, cán bộ động viên, Trường ngày càng hăng say vẽ tranh, mối bức tranh Trường vẽ đều có một ý tưởng khác nhau. Thấy tranh Trường vẽ đẹp, cán bộ trại gửi lên Tổng cục VIII tham gia dự thi và đã đoạt giải.

Trường được giải 3 bức tranh vẽ về buổi văn nghệ, thể dục thể thao trong cuộc thi vẽ "Khát vọng hoàn lương" do Tổng cục VIII tổ chức. Cuộc thi nhằm khơi dậy trong phạm nhân, trại viên, học sinh khát vọng về cái đẹp, cái thiện, giúp họ có niềm tin để phấn đấu trong học tập và cải tạo.

Đã hơn 4 năm sống trong trại giam, nhưng phạm nhân, họa sĩ đó vẫn chưa nguôi nỗi dằn vặt vì mình mà cha mẹ phải khổ, em trai cũng bị ngồi tù. Cậu ta bảo, ngày đầu vào trại cứ lầm lũi 1 mình, chả muốn chuyện trò với ai, buồn nhất là khi chiều về, nhớ ba mẹ, nhớ em, nhớ chị. Em trai cũng cải tạo cùng trại Nam Hà nhưng ở phân trại khác nên chả mấy khi được gặp nhau. Càng nghĩ càng thấy mình có lỗi lớn với gia đình.

Trường bảo thời gian ở trại chưa nhiều nhưng cũng đủ để anh ta có điều kiện tiếp xúc với cán bộ và từ đó mới thấy quản giáo nào cũng tâm lý, đối xử rất chân tình nên những lời khuyên nhủ, động viên của họ khiến Trường rất thấm thía. Qua đó cũng càng thấy thương hơn, xót xa hơn cho những bạn tù không biết chữ, quê quán xa xôi, hàng ngày phải lao động vất vả.

"Những ngày trong trại giam, em luôn ân hận về những gì mình đã làm. May mắn là cán bộ nơi đây thường xuyên khuyên nhủ, động viên nên em thấy có nhiều điều để mình hy vọng. Em sẽ mãi khắc cốt ghi tâm và luôn nhắc nhở bản thân sống tốt hơn, có trách nhiệm hơn và trở thành một người có ích cho xã hội”, Trường bộc bạch.

Những khi phạm nhân vào thư viện cầm quyển sách lên mà không đọc được chỉ xem tranh, Trường lại đọc cho họ nghe một vài truyện trong sách, đọc cho họ nghe những bài báo bổ ích. Khi đó, các phạm nhân rất vui và cảm ơn Trường nhiều. Trường đã vẽ bức tranh về họ, ví dụ khi nhìn những người dân tộc được cán bộ cầm tay nắn từng nét chữ cho phạm nhân, Trường cũng vẽ tranh.

Với bức tranh này, Trường bảo muốn nói lên tình cảm của cán bộ với phạm nhân, dù ở hoàn cảnh nào cán bộ cũng không xa cách phạm nhân, phạm nhân được cán bộ giáo dục, dạy dỗ và uốn nắn cho từng nét chữ đầu tiên để làm lại cuộc đời. Với bức tranh, cán bộ dạy cho phạm nhân sắp hết hạn tù trở về cộng đồng những kỹ năng giao tiếp, giúp họ không bị mặc cảm, tự ti khi hòa nhập cộng đồng, Trường muốn gửi đến thông điệp: giữa con người với con người hãy biết giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn.

Những bức tranh của Trường còn như truyền tải câu chuyện về những phạm nhân vươn lên, làm lại cuộc đời, như minh chứng rằng phía sau song sắt, cuộc sống đang được hồi sinh chứ không phải là im lìm, đi vào ngõ cụt. Trại giam cũng như ngôi trường thứ 2 giúp những con người lầm đường lạc lối cải tạo, sớm trở về gia đình.Trong chốn lao tù, điều thực sự có ý nghĩa với các phạm nhân là học tập. Và họ đã bắt đầu làm lại cuộc đời như thế, từ những con chữ chập chững đến niềm tin, hy vọng để bước vào đời. Họ bắt đầu lại những điều họ đã đánh mất trên bước đường đời lầm lỡ của mình. Đó là chìa khóa giúp họ trở lại cuộc sống, tái hòa nhập với cộng đồng và cũng là những ấp ủ cháy bỏng trong tâm hồn mỗi phạm nhân. Học tập chính là cầu nối giúp các phạm nhân trở lại với cuộc đời. Điều mà Trường muốn nhắn nhủ gửi đến phạm nhân đang cải tạo trong trại giam qua những bức tranh mà anh ta tâm huyết.
Nguyễn Vũ – Hạ My
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động