Kỳ 4: “Náo loạn” mạng xã hội - Đừng đùa với pháp luật!
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNam Em và Quế Vân “náo loạn” mạng xã hội khiến dư luận bức xúc. Ảnh cắt từ clip |
Nghệ sĩ lộng ngôn
Thời gian gần đây, người đẹp Nam Em xuất hiện nhiều trên mạng xã hội, tuyên bố không còn hoạt động trong làng giải trí, cũng không cần đến hào quang showbiz, tuyên bố "chiến đấu" vì chính nghĩa, "đứng lên bảo vệ những người yếu thế như mình". Sau đó, người đẹp này đã có những buổi livestream "bóc phốt" nhiều chuyện chưa có tính xác thực về một số nghệ sĩ của showbiz Việt. Một số nhân vật khác mà cô gọi tắt tên như: "ngọc nữ", "CD" (bạn trai cũ của ngọc nữ), "Sờ A Mờ", "Mờ Tê Pê"...
Chưa dừng lại ở đó, Nam Em còn đưa ra nhiều phát ngôn như "khui hết showbiz xem có ai không cặp đại gia", rồi việc diễn viên muốn đóng phim, được đóng vai ok thì phải đánh đổi,...
Nam Em không nói đích danh tên của các nghệ sĩ nhưng khán giả đều có thể đoán ra đó là ai. Đỉnh điểm, khi cư dân mạng nhắc đến quá khứ của chồng sắp cưới, Nam Em đã có những lời lẽ phản cảm, gây bức xúc cho dư luận xã hội.
Bên cạnh đó, ca sĩ, người mẫu Quế Vân cũng tham gia nhiều buổi livestream của Nam Em, đồng thời cùng Nam Em đưa ra nhiều thông tin chưa được kiểm chứng. Hai nữ nghệ sĩ có cách nói chuyện rất phản cảm, gọi những người xem livestream là "mày, chúng mày". Trong nhiều buổi livestream của Nam Em, người đàn ông Nam Em gọi là chồng cũng xuất hiện và có nhiều phát ngôn gây tranh cãi không kém, thậm chí còn tuyên bố rằng vợ chồng mình sẽ "phá nát cái showbiz này".
Trước những hành động trên của Nam Em, Sở Thông tin & Truyền thông TP Hồ Chí Minh cho biết đã nắm được thông tin qua phản ánh của dư luận và đang phối hợp với Sở Văn hóa &Thể thao TP Hồ Chí Minh tiến hành tìm hiểu, rà soát và tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật.
Nếu có dấu hiệu vi phạm sẽ bị xử lý
TS.Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết: Với sự phát triển của mạng viễn thông, mạng internet và những tính năng của mạng xã hội thì việc đăng tải những thông tin, thậm chí là phát trực tiếp theo hình thức livestream trên mạng xã hội là rất dễ dàng, phổ biến. Đây cũng là một trong những hình thức thể hiện quyền tự do dân chủ.
Theo quy định của pháp luật, mọi công dân đều có quyền tự to ngôn luận, bày tỏ ý kiến của mình đối với các vấn đề xã hội, thậm chí là nhận xét khen, chê, bày tỏ quan điểm của mình đối với các cá nhân, tổ chức có liên quan. Đó là quyền tự do ngôn luận được Hiến pháp và pháp luật ghi nhận và bảo đảm thực hiện.
Tuy nhiên, pháp luật cũng bảo vệ danh dự, nhân phẩm của mọi công dân, bảo vệ uy tín của các cơ quan, tổ chức. Pháp luật nghiêm cấm việc lợi dụng quyền tự do ngôn luận để xâm phạm trái pháp luật đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
“Chính vì vậy, khi chúng ta thực hiện những hoạt động, đưa những thông tin trên không gian mạng thì đòi hỏi thông tin phải chính xác và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đó. Kể cả thông tin có thật nhưng liên quan đến bí mật đời tư, bí mật cá nhân, người dùng mạng tự đưa lên và không có căn cứ thì hành vi đó là vi phạm pháp luật”, TS. Luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh.
Cũng theo TS. Luật sư Đặng Văn Cường, việc các nghệ sĩ livestream, đưa những thông tin bóc phốt người này người kia, các nghệ sĩ phải rất thận trọng, tránh trường hợp bị đơn thư tố cáo, tố giác, cơ quan chức năng vào cuộc, xâu chuỗi, xác minh sự việc, làm rõ nguyên nhân động cơ, mục đích, các thông tin trong buổi livestream có hợp pháp hay không, có vượt quá giới hạn của tự do ngôn luận hay không,... Nếu có dấu hiệu vi phạm thì người sai phạm sẽ bị xử lý.
TS. Luật sư Đặng Văn Cường cho biết thêm, những hành vi bị cấm trên không gian mạng theo Điều 8, Điều 16, Điều 17 và Điều 18 của Luật An ninh mạng là đưa thông tin sai sự thật, hoặc thu thập trái phép dữ liệu cá nhân, sử dụng trái phép dữ liệu cá nhân, vu khống, làm nhục, xúc phạm người khác, đưa thông tin bị cấm liên quan đến bí mật đời tư, bí mật kinh doanh, bí mật gia đình lên không gian mạng. Nếu vi phạm Luật An ninh mạng thì tùy vào tính chất mức độ, người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
“Trong những trường hợp đưa thông tin bị cấm lên không gian mạng như đưa thông tin bí mật đời tư cá nhân, thông tin bịa đặt, vu khống, những thông tin sai sự thật, gây dư luận xấu, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm cá nhân, uy tín của cơ quan, tổ chức thì người vi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội “Lợi dụng quyền tự do dân chủ, để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo quy định tại Điều 331 của Bộ Luật Hình sự.
Ngoài ra, nếu hành vi đưa thông tin sai sự thật, rõ ràng là bịa đặt, vu khống, xúc phạm người khác thì có thể bị xử lý về tội vu khống hoặc tội làm nhục người khác tùy thuộc vào hành vi và hậu quả cụ thể”, TS.Luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh.
(Còn nữa)
Kỳ 3: Người dùng mạng bị “nhiễm độc” Những hậu quả tiêu cực mà những Tiktoker, YouTuber tạo ra từ các clip có nội dung “bẩn” là vô cùng lớn. Bên cạnh đó, ... |
Kỳ 2: Bất chấp để trở thành “ai-đồ-tóp-tóp” Chỉ cần lập kênh TikTok, YouTube, đăng tải những nội dung “khác người”, nhiều người ngay lập tức nổi tiếng khắp cõi mạng, trở thành ... |
Kỳ 1: Đăng tải nội dung nguy hiểm, sai sự thật Thông tin sai sự thật, đăng tải nội dung phản cảm, gây sốc là những cách thức được nhiều Tiktoker, YouTuber sử dụng nhằm thu ... |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại