Kỳ 4: Nâng cao hiểu biết về kiến thức pháp luật, trau dồi nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênÔng Phạm Văn Trung (thứ hai từ trái sang) có nhiều năm kinh nghiệm trong công tác hòa giải tại phường Thượng Thanh (quận Long Biên, Hà Nội). Ảnh: NVCC |
Tích cực trau dồi, nâng cao kiến thức pháp luật
Ông Phạm Văn Trung, hòa giải viên phường Thượng Thanh (quận Long Biên, Hà Nội) cho biết, khi có vụ việc phát sinh, ông thường đến tận nơi để tìm hiểu, xác minh sự việc, lắng nghe tâm tư, tình cảm của những người trong cuộc cũng như ý kiến của bà con khu dân cư để có thêm cơ sở đánh giá, tìm ra hướng giải quyết hiệu quả nhất cho vụ việc.
Đặc biệt, ông thường xuyên chủ động nghiên cứu, nắm vững những đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, vận dụng những phong tục tập quán, những quy ước của tổ dân phố, sau đó tiến hành gặp gỡ các bên để hòa giải một cách thấu tình, đạt lý.
Bà Vương Thị Tuy, thành viên tổ hòa giải của thôn Quảng Tái (xã Trung Tú, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội) cho biết trong những năm qua, công tác tập huấn nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho lực lượng hòa giải viên ở cơ sở luôn được UBND xã Trung Tú chú trọng, triển khai thường xuyên. Mạng lưới tổ hòa giải được kiện toàn đã thu hút nhiều thành phần, lực lượng tham gia như: Mặt trận Tổ quốc, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội người cao tuổi, Hội cựu chiến binh, Hội nông dân.
Hàng năm, các tổ trưởng, hòa giải viên được bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải, các kiến thức pháp luật về đất đai, hôn nhân và gia đình, hình sự, dân sự, chuẩn tiếp cận pháp luật, phòng chống tham nhũng, khiếu nại, tố cáo, giao thông, bảo vệ môi trường.
Nhờ đó, hoạt động hòa giải cơ sở tại xã Trung Tú đã thực sự thu hút được các nguồn lực xã hội cùng tham gia, góp phần nâng cao hiệu quả của tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, hình thành cho mỗi cá nhân ý thức chấp hành pháp luật, ý thức sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; lựa chọn hình thức hòa giải cơ sở để giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn trong Nhân dân, tránh kiến nghị vượt cấp; xây dựng xã Trung Tú ngày càng giàu mạnh, văn minh, gia đình ấm no, hạnh phúc, bình đẳng tiến bộ.
Để làm tốt công tác hòa giải, bà Tuy thường xuyên tìm hiểu thêm kiến thức pháp luật, nhất là những bộ luật liên quan đến các sự việc thường gặp. Bà cũng kiên trì, nhiệt tình và gần gũi người dân để thấu hiểu tâm tư, tình cảm của họ. Khi sự việc xảy ra, bà luôn có mặt kịp thời, xử lý thành công các vụ mâu thuẫn.
Tận dụng "thời cơ" tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật
Theo ông Nguyễn Phúc Khách - hòa giải viên thôn Dư Xá (xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa, Hà Nội), trong những năm qua, xã Hòa Nam nói chung, thôn Dư Xá nói riêng đã có nhiều buổi tuyên truyền cho người dân nâng cao hiểu biết pháp luật, mang lại những ý nghĩa thiết thực, giảm tình trạng vi phạm pháp luật, hướng đến lối sống văn minh, lịch sự trong đời sống của người dân.
Làm công tác hòa giải cơ sở, trong các buổi tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tại địa phương, hướng đến chuẩn tiếp cận pháp luật, ông Khách thường lồng ghép các kiến thức pháp luật ngay tại các hội nghị, cuộc họp của thôn, xã. Để mọi người có cái nhìn sâu sắc trước từng tình huống mâu thuẫn, ông lấy ví dụ cụ thể để người dân cùng nêu ý kiến xem ai đúng, ai sai, từ đó biết được người dân đã hiểu kiến thức đến đâu, còn thiếu những gì. Qua đó, định hướng cho mọi người nên xử lý, ứng xử như thế nào để vừa hợp tình, hợp lý.
“Tại mỗi hội nghị, lượng đại biểu đến dự khá đông và đó là cơ hội để chúng tôi thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật đến các đại biểu. Và họ lại là những “sứ giả” tiếp tục tuyên truyền kiến thức pháp luận đến nhiều người dân trên địa bàn họ sinh sống. Dù diễn ra trong ít phút nhưng người dân được nghe trực tiếp nên hiệu quả tuyên truyền cao hơn”, ông Khách chia sẻ.
Theo ông Khách, một trong những khó khăn trong quá trình tuyên truyền kiến thức pháp luật là những kiến thức này thường bị nhận xét là khô cứng, thiếu hấp dẫn. Thế nhưng, ông không “ngại” điều đó mà dùng bí quyết của mình để chinh phục người dân. Cụ thể, tùy từng tình huống, ông sẽ đưa những câu chuyện gần gũi để người dân tập trung lắng nghe và tiếp thu có hiệu quả các kiến thức.
Thông qua đó, ông sẽ giải thích, phân tích, định hướng giúp họ hiểu đúng vấn đề và đi đến hành động đúng. Ngoài ra, trong quá trình thuyết trình, ông luôn trò chuyện một cách nhẹ nhàng, khéo léo, vui vẻ để tạo thiện cảm với người dân, kết nối họ tích cực tham gia các chương trình về tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, hướng đến chuẩn tiếp cận pháp luật.
“Người cán bộ làm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trước tiên phải hiểu biết pháp luật. Lĩnh vực này vô vàn kiến thức nên bản thân phải không ngừng tìm tòi, học hỏi. Nếu chưa rõ vấn đề có thể nhờ cơ quan chức năng chia sẻ để có thêm kiến thức, tư vấn, tuyên truyền đến người dân", ông Khách nêu quan điểm.
Kỳ 1: Nếu không khéo léo, không làm được hòa giải |
Kỳ 2: Cầu nối giúp nhiều cặp vợ chồng hàn gắn tình cảm |
Kỳ 3: Gắn kết tình làng nghĩa phố Các hòa giải viên đều nhận thấy tình làng nghĩa phố rất quan trọng trong đời sống thường ngày của bất cứ gia đình nào ... |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại