Thứ hai 25/11/2024 09:49
Hòa giải viên kỳ cựu và những "chiêu" chữa lành các mâu thuẫn:

Kỳ 2: Cầu nối giúp nhiều cặp vợ chồng hàn gắn tình cảm

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trong hành trình nhiều năm làm công tác hòa giải, những vụ hàn gắn tình cảm cho các cặp đôi chính là dấu ấn không thể nào quên với các hòa giải viên, trở thành động lực để họ tiếp tục gắn bó với công việc của mình.
Kỳ 2: Cầu nối giúp nhiều cặp vợ chồng hàn gắn tình cảm
Bà Nguyễn Thị Loan - tổ trường tổ dân phố số 6 phường Giang Biên, đồng thời làm hòa giải viên được 20 năm. Ảnh: NVCC

“Lấy nhu thắng cương”

Là Tổ trưởng tổ dân phố số 6 phường Giang Biên, quận Long Biên, TP Hà Nội 20 năm, bà Nguyễn Thị Loan cũng có ngần ấy thời gian làm công tác hòa giải, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật tại địa phương.

Bà Loan không nhớ mình đã hòa giải thành công bao nhiêu vụ mâu thuẫn trong 20 năm qua nhưng những vụ hòa giải về hôn nhân luôn để lại trong bà nhiều ấn tượng sâu sắc. Bà Loan kể có vụ đôi vợ chồng suýt chia tay nhau vì người vợ nghi cho chồng ngoại tình dẫn đến hai vợ chồng xô xát nhau.

Khi bà Loan đến hòa giải, người vợ khóc lóc nghi ngờ chồng có người khác, còn người chồng kể bản thân đã cố gắng giải thích nhưng có nói như thế nào vợ cũng không chịu hiểu, vẫn nghi ngờ, thậm chí còn làm to chuyện hơn. “Chắc bọn em không ở được với nhau mất. Vợ em liên tục vu oan cho em tội lăng nhăng”, người chồng buồn bà kể.

Bà Loan nghe hết tâm tư của từng người, sau đó phân tích cho hai vợ chồng những được và mất khi ly hôn. Bà cũng khuyên bảo hai người nên lắng nghe, tin tưởng và quan tâm nhau để tình cảm vợ chồng được nhân lên thay vì ngày càng nhạt nhòa đi.

Bà Loan khuyên hai người nên nhìn vào các con của mình để giữ gìn hạnh phúc gia đình. Chúng rất ngoan ngoãn, học giỏi thì cớ sao hai người không chịu ngồi xuống tìm cách tháo gỡ những mâu thuẫn, hiểu nhầm. Sau nhiều lần đến hòa giải, cuối cùng, cả hai đều đã nhận ra những thiếu sót của mình và cùng hứa sẽ thay đổi để gia đình được đủ đầy.

Theo bà Loan, để hòa giải thành công các sự việc mâu thuẫn của người dân, cán bộ hòa giải phải là người kiên trì, hiểu biết, lắng nghe tâm tư, tình cảm của người dân. Từ đó phân tích, giải thích cho người dân hiểu.

“Khi đang bức xúc, mâu thuẫn với nhau thì người dân thường thể hiện sự nóng nảy, có những lời lẽ, hành động không hay với nhau, thậm chí là với cả những hòa giải viên. Khi ấy, cán bộ hòa giải lại phải ứng xử bằng sự điềm đạm, chân thành để người trong cuộc thấy họ đang được thấu hiểu, lắng nghe.

“Lấy nhu thắng cương” là điều mà tôi luôn tâm đắc trong quá trình làm công tác hòa giải. Có những vụ việc người trong cuộc cứ “găng” lên có những lời lẽ không hay, thậm chí ngôn từ còn mang tính chất xúc phạm.

Tuy nhiên, khi họ đang “cứng” thì mình phải điềm đạm, nhẹ nhàng, nói chuyện tình cảm để dần dần phân tích cho họ những đúng sai, được mất. Có những vụ việc chúng tôi đi một lần chưa hiệu quả, lại đi tiếp cho đến khi nào người dân hiểu ra vấn đề mới thôi”, bà Loan chia sẻ.

Phản ứng nhanh

Bà Nguyễn Thị Tố Nga, hòa giải viên có 16 năm kinh nghiệm của phường Giang Biên, quận Long Biên cho rằng trước các mâu thuẫn của người dân, các hòa giải viên nên vào cuộc tìm hiểu nhanh chóng để tìm cách “gỡ rối” bởi mâu thuẫn càng để lâu càng khó giải quyết.

Bà Nga kể lần bà hòa giải cho một đôi vợ chồng trẻ xảy ra cãi vã, xô xát, người vợ có ý định ly hôn, dẫn theo con cái về nhà bố mẹ đẻ. Hôm đó đúng vào ngày mồng 1 Tết Nguyên đán. Nhận được cuộc điện thoại thông báo về sự việc, bà Nga nhanh chóng cùng tổ hòa giải có mặt tại gia đình cặp vợ chồng này. Nghe người vợ khóc lóc kể lại chuyện chồng mình đi nhậu nhẹt về, rồi sinh ra trách móc, cãi vã với vợ. Quá bức xúc trước cách hành xử của chồng nên người vợ định đưa con về nhà đẻ.

Thấy vậy, bà Nga khuyên người vợ nên bình tĩnh đợi chồng tỉnh rượu rồi hai vợ chồng nói chuyện. Bà Nga cũng ở lại trò chuyện, phân tích cho người chồng không nên đi uống rượu về rồi nói những lời không hay với vợ, nhất là đang dịp Tết, các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau. Người chồng hiểu ra mình đã sai nên đã xin lỗi vợ. Anh cũng cảm ơn tổ hòa giải đã kịp thời đến giúp vợ chồng anh làm hòa. Cũng từ đó, gia đình trẻ này trở nên hòa thuận hơn.

Một gia đình khác cũng đứng trước nguy cơ tan vỡ cũng đã được bà Nga “ra tay” giúp hai vợ chồng làm lành. Chuyện là hai vợ chồng này thường xuyên xảy ra cãi vã, người chồng liên tục “mượn rượu” để về mắng mỏ vợ con. Dần dần, những ức chế tích tụ lâu ngày khiến người vợ chán nản. Tuy nhiên, người vợ vẫn hy vọng chồng mình sửa đổi trở nên tốt hơn nên đã đến nhờ bà Nga giúp đỡ.

Biết hoàn cảnh gia đình của đôi vợ chồng nên bà Nga đến nhà chơi, dùng sự khéo léo, tình cảm để thuyết phục người chồng hãy biết thương vợ con, đặc biệt là các con đang tuổi lớn, nếu nhìn thấy bố mẹ cãi cọ, chúng sẽ bị ảnh hưởng về tâm lý, học hành, sự phát triển,…

Bà Nga cũng khuyên người vợ “cơm sôi nhỏ lửa”, khi chồng quá chén, say xỉn thì cố gắng bình tĩnh, để chồng tỉnh rượu rồi nói chuyện. Biết tính người vợ nóng giận nên bà Nga khuyên chị nên giữ thái độ ôn tồn, khéo léo góp ý với chồng, tránh phản ứng thái quá dẫn đến cãi vã căng thẳng. Khi hai vợ chồng sống hòa thuận thì các con cũng lấy đó làm niềm vui, lấy bố mẹ ra làm gương để sống tốt, trở thành người có ích.

Sau này, bà Nga vẫn thường lui đến hỏi thăm gia đình này, không ngừng động viên, chia sẻ với họ. Sự bền bỉ của bà cũng đã cho “quả ngọt” khi người chồng hiểu ra vấn đề, bỏ hẳn rượu, tập trung làm ăn, cùng vợ vun đắp cho gia đình, nuôi dạy các con.

(Còn nữa...)

Kỳ 1: Nếu không khéo léo, không làm được hòa giải Kỳ 1: Nếu không khéo léo, không làm được hòa giải
An Nhiên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động