Thứ năm 21/11/2024 22:34

Việt Nam ghi nhận một số điểm sáng về hoạt động đầu tư

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo báo cáo đầu tư khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Savills (APIQ) quý 3/2024 mới công bố, Việt Nam ghi nhận một số điểm sáng về hoạt động đầu tư trong bối cảnh nền kinh tế ổn định. Báo cáo ghi nhận một số thương vụ đầu tư trong lĩnh vực bất động sản bán lẻ, công nghiệp và nhà ở.
Việt Nam ghi nhận một số điểm sáng về hoạt động đầu tư
Vinhomes Global Gate rộng 385 ha – thành phố thương mại toàn cầu tại cửa ngõ Hà Nội. Ảnh: Vinhomes

Cụ thể, Ngân hàng Thế giới ghi nhận vào cuối tháng 8, GDP Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng 6,1% vào năm 2024, tăng so với mức 5% vào năm 2023. Tỷ lệ lạm phát được dự báo sẽ được kiểm soát ở mức 4,5% vào năm 2024, cho thấy sự ổn định của nền kinh tế.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục đóng vai trò quan trọng, với FDI đã đăng ký đạt 20,52 tỷ USD vào cuối tháng 8 - tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. FDI thực hiện ước tính đạt 14,15 tỷ USD, phản ánh mức tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, bất chấp những diễn biến tích cực này, nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa trở lại quỹ đạo tăng trưởng trước đại dịch, với chi tiêu của người tiêu dùng vẫn ở mức thấp.

Đánh giá chung về môi trường đầu tư trong quý của Việt Nam, ông Troy Griffiths - Phó Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam cho biết: “Nền kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng 6,1% vào năm 2024, với lạm phát dự kiến đạt 4,5%. Đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 7% so với cùng kỳ năm trước, hỗ trợ bất động sản công nghiệp, trong khi du lịch quốc tế và lĩnh vực bán lẻ cho thấy những dấu hiệu phục hồi đầy hứa hẹn”.

Tăng trưởng FDI hàng năm ổn định là động lực chính thúc đẩy ngành bất động sản công nghiệp tại Việt Nam. Hiện tại, cả nước cung cấp 33.000 ha khu công nghiệp cho thuê, với tỷ lệ lấp đầy khoảng 80%. Tháng 9 vừa qua, Tập đoàn T&T đã khởi công cụm công nghiệp rộng 41,7 ha tại Hà Nội và Cty CP Đầu tư và Phát triển hạ tầng Hightech đã được phê duyệt phát triển dự án khu công nghiệp quy mô 105,5 ha tại Bắc Giang.

Đối với lĩnh vực bán lẻ và tiêu dùng, mặc dù dự kiến chi tiêu trong nước sẽ chậm lại, thị trường bán lẻ vẫn ghi nhận tình hình hoạt động mạnh mẽ do mặt bằng bán lẻ hạn chế và tầng lớp khách hàng tiêu dùng trung lưu đang gia tăng. Ở lĩnh vực du lịch và nghỉ dưỡng, du khách quốc tế đang quay trở lại Việt Nam với hơn 11,4 triệu lượt khách trong 8 tháng đầu năm 2024, tăng 45,8% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn 1% so với năm 2019.

Đến năm 2028, 191 dự án khách sạn dự kiến sẽ mang đến khoảng 49.800 phòng; 75% nguồn cung mới này thuộc phân khúc trung cấp đến cao cấp, với 70% mang thương hiệu của các chuỗi khách sạn hạng sang quốc tế, định vị Việt Nam là thị trường trọng điểm trong khu vực.

Mặc dù Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực vào tháng 8, thị trường nhà ở vẫn hoạt động khá trầm lắng trong quý 3/2024. Vinhomes đã giới thiệu dự án Vinhomes Global Gate rộng 385 ha tại Hà Nội, gồm hơn 4.100 căn hộ thấp tầng và 12.600 căn hộ cao tầng, dự kiến sẽ chính thức ra mắt thị trường vào cuối năm nay.

Về thị trường văn phòng, khoảng 35.000 m2 diện tích sàn văn phòng sẽ được bổ sung tại TP Hồ Chí Minh vào nửa cuối năm 2024 từ ba dự án hạng B và C. Tại Hà Nội, hai dự án hạng A là Taisei Ha Noi Office Tower và Heritage West Lake sẽ bổ sung thêm 46.000 m2 vào cuối năm.

Phó Giám đốc Bộ phận Tư vấn Đầu tư Savills, Trần Thị Khánh Linh cho biết, thị trường Việt Nam vẫn luôn là nơi có cơ hội tăng trưởng cao với dòng FDI bền vững, hạ tầng đang phát triển mạnh mẽ, nhờ đó nhu cầu đối với hầu hết các phân khúc bất động sản như nhà ở, công nghiệp, thương mại văn phòng,.. Điều này góp phần tạo nên sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam đối với các nhà đầu tư.

“Với việc các bộ luật liên quan đến thị trường bất động sản đồng loạt có hiệu lực vào tháng 8 vừa rồi tạo niềm tin cho các nhà đầu tư về một môi trường pháp lý ổn định và minh bạch giúp rút ngắn thời gian phê duyệt pháp lý, giúp nhà đầu tư xác định rõ ràng chi phí đầu tư ban đầu (chi phí sử dụng đất), từ đó giúp các dự án đầu tư bất động sản trở nên hấp dẫn hơn” - bà Trần Thị Khánh Linh nói.

Theo chuyên gia, hiện nay các nhà đầu tư có nhiều cơ hội M&A các dự án tiềm năng hoặc hợp tác với các đối tác địa phương để phát triển các dự án lớn. Nhu cầu thị trường đa dạng thu hút các khẩu vị đầu tư khác nhau. “Nhu cầu của khối ngoại đối với dự án bất động sản nhà ở thực chất vẫn rất lớn, không kém nhu cầu đối với các dự án khu công nghiệp, văn phòng. Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, họ luôn yêu cầu các dự án bất động sản đều phải có hiện trạng pháp lý rõ ràng, sẵn sàng để phát triển” - bà Trần Thị Khánh Linh chia sẻ.

Cụ thể, hầu hết các nhà đầu tư đều yêu cầu dự án cần có quy hoạch chi tiết 1/500, thậm chí nhiều nhà đầu tư còn yêu cầu dự án phải có thông báo đóng tiền sử dụng đất. Trong khi đó, thời gian gần đây việc phê duyệt pháp lý dự án đang chậm lại do trong thời kỳ thay đổi nhiều bộ luật liên quan đến thị trường bất động sản.

“Do đó, gần đây nguồn cung các dự án bất động sản nhà ở khá hạn chế. Khối ngoại vì vậy, chuyển hướng sang các dự án khu công nghiệp, văn phòng, vốn là những dự án đang vận hành, pháp lý rõ ràng và sẵn sàng hơn, dễ thực hiện M&A hơn” - bà Trần Thị Khánh Linh phân tích rõ hơn.

Thị trường đấu giá đất Hà Nội: hơn 11.000 tỷ đồng thu ngân sách, tăng cường kiểm soát Thị trường đấu giá đất Hà Nội: hơn 11.000 tỷ đồng thu ngân sách, tăng cường kiểm soát "thổi giá"

Hà Nội đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thị trường đấu giá đất với số lượng phiên đấu giá tăng đáng kể, ...

Ngô Sơn
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động