Thứ hai 25/11/2024 09:29
Hòa giải viên kỳ cựu và những "chiêu" chữa lành các mâu thuẫn:

Kỳ 3: Gắn kết tình làng nghĩa phố

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Các hòa giải viên đều nhận thấy tình làng nghĩa phố rất quan trọng trong đời sống thường ngày của bất cứ gia đình nào nên càng hạn chế những mâu thuẫn càng tốt. Để giữ gìn những tình cảm tốt đẹp ấy, rất cần đến sự chân thành, gắn bó, thấu hiểu, cảm thông cho nhau. Đó cũng là lý do họ nhanh chóng vào cuộc, cố gắng hàn gắn tình cảm người dân trước những mâu thuẫn to, nhỏ.
Kỳ 3:
Bà Vương Thị Tuy (giữa) - hòa giải viên tích cực của huyện Ứng Hòa. Ảnh: NVCC

Hòa giải trên tình thần góp ý, xây dựng

Bà Vương Thị Tuy, thành viên tổ hòa giải của thôn Quảng Tái (xã Trung Tú, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội) là người có gần 20 năm tham gia công tác hòa giải tại địa phương. Bà thường tâm niệm, tình làng nghĩa xóm rất quan trọng trong đời sống thường ngày của tất cả mọi người nên càng hạn chế những mâu thuẫn càng tốt. Để giữ gìn những tình cảm tốt đẹp ấy, rất cần đến sự chân thành, gắn bó, thấu hiểu, cảm thông cho nhau.

Trong quá trình hòa giải cho bà con trong thôn, bà Tuy luôn hướng đến cách giải quyết biến mâu thuẫn to thành bé, việc bé thành việc không có gì. Đối diện với các vụ mâu thuẫn, bà kịp thời có mặt tìm hiểu toàn bộ câu chuyện, nguyên nhân mâu thuẫn sau đó dùng lời lẽ nhẹ nhàng, tình cảm để xoa dịu sự bức xúc trong lòng họ, sau đó mới chính thức đi vào vấn đề.

Bà Tuy kể trong thôn có 2 nhà vốn là chị em họ hàng thân thích, cũng là hàng xóm cạnh nhà nhau nhưng lại mâu thuẫn về việc lấn đất trong khi xây dựng nhà cửa. Nhà người này lấn sang phần đất nhà người kia khiến họ nói qua nói lại, rồi thành cãi nhau to, gây mất trật tư thôn xóm.

Bà Tuy khi đó đã có mặt kịp thời và phân tích cho hai gia đình hiểu để họ hòa giải mâu thuẫn. Những phần lấn sang nhà hàng xóm được tháo dỡ, tình chị em, láng giềng vì thế cũng được giữ gìn.

Có tiếng là người nhiệt tình, khéo léo, lại hiểu biết nên khi tham gia các vụ hòa giải, bà Tuy luôn làm việc trên tinh thần góp ý, xây dựng, người trong cuộc vì thế cũng nhanh chóng nhận ra vấn đề, đồng ý hòa giải.

Sự thành công của các vụ hòa giải đã góp phần vào ổn định chính trị, an ninh trật tự ở địa phương, trở thành động lực để bà Tuy tiếp tục gắn bó với công tác "vác tù và hàng tổng", gìn giữ những mối quan hệ gia đình, tình làng nghĩa phố trở nên tốt đẹp hơn.

Phân tích kỹ lưỡng cho người trong cuộc hiểu vấn đề

Bà Nguyễn Thị Loan, hòa giải viên phường Giang Biên (quận Long Biên, TP Hà Nội) chia sẻ, có nhiều nguyên nhân dẫn đến những vụ việc hàng xóm mâu thuẫn với nhau, có khi chỉ vì cái thùng rác mà sinh ra cãi vã. Bà kể, có vụ hai gia đình dùng những từ nặng nề để chỉ trích, đe dọa nhau chỉ vì thùng rác nhà người này hơi chếch sang phần nhà người khác.

Tuy nhiên, khi tổ hòa giải đến tìm hiểu sự việc, phân tích, giải thích cho hai nhà thì họ đã đồng ý bỏ qua cho nhau, cùng ký cam kết không cãi vã nữa để tránh làm ảnh hưởng đến người dân xung quanh.

Có vụ khác liên quan đến tranh chấp đất cát của hai anh em, bà Loan cũng có mặt kịp thời tìm hiểu rõ ngọn nguồn câu chuyện để vào cuộc giải quyết. Bà Loan đã dùng cả tình và lý để làm dịu những căng thẳng.

Đầu tiên, bà ngồi nói chuyện với người anh, phân tích một cách sâu sắc cho người anh hiểu nếu bản thân phá tài sản của em trai thì anh sẽ vi phạm pháp luật và bị xử lý, như thế người khổ đầu tiên chính là anh, sau đó là người thân gia đình anh. Ngoài ra, vì mâu thuẫn mà anh em, con cháu khó nhìn mặt nhau, con cái ra đường cũng cảm thấy “mất mặt”, còn ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh.

“Nếu có bức xúc gì cần giải quyết, anh có thể làm đơn gửi đến cơ quan chức năng thay vì chửi bới, dọa dẫm, đánh đập em mình. Như thế là vi phạm pháp luật. Nếu người em kiện anh ra cơ quan chức năng thì người chịu thiệt hại nhất là anh và gia đình anh”, tôi giải thích cho người anh trong vụ mâu thuẫn này. Phân tích một lúc thì người anh hiểu ra vấn đề và hứa không gây chuyện nữa”, bà Loan chia sẻ.

Không chỉ giải quyết những vụ người trong cuộc trẻ tuổi bồng bột, bà Loan còn tham gia hòa giải nhiều vụ mà người trong cuộc là người cao tuổi. Cụ thể, trong tổ dân phố có cụ ông thường xuyên bật loa đài to khiến cuộc sống người dân xung quanh bị ảnh hưởng, đặc biệt là các cháu lứa tuổi học sinh cần không gian yên tĩnh để học tập cũng như nhiều người cần làm việc, nghỉ ngơi.

Bên cạnh đó, cụ ông này còn để nước thải sinh hoạt nhà mình chảy lênh láng ra đường, gây mất vệ sinh. Nhiều lần được người dân xung quang góp ý nhưng cụ vẫn không thay đổi. Người dân nghĩ cụ cũng đã già nên cũng ngại nói nặng lời, đành nhờ bà Loan giải quyết.

Xác định đây là "ca khó" vì cụ ông đã già, chuyện lại thường xuyên lặp đi lặp lại, không có tiến triển nên bà Loan càng phải cố gắng hơn. Khi bà Loan sang nhà, cụ vẫn đang bật loa đài inh ỏi. “Tôi ở đó một lúc đã cảm thấy khó chịu thì làm sao người dân quanh đó không bực tức trước hành động của cụ ông. Thấy vậy, tôi mới giải thích nhẹ nhàng cho cụ là cụ bật loa đài to sẽ khiến các cháu học sinh xung quanh đây không thể học bài được, khổ thân các cháu.

Tiện thể, tôi cũng khuyên cụ nên tìm cách xử lý nước thải nhà mình, tránh để chảy lênh lang ra đường xóm, gây mất cảnh quan và ô nhiễm môi trường sống. Tôi cũng đưa ra vài đề xuất cụ thể để cụ áp dụng trong việc xử lý nước thải sinh hoạt. Từ đó, cụ không còn bật loa đài to hay để nước thải chảy ra đường, làm ảnh hưởng người khác như trước”, bà Loan cho biết.

(Còn nữa…)

Kỳ 1: Nếu không khéo léo, không làm được hòa giải Kỳ 1: Nếu không khéo léo, không làm được hòa giải
Kỳ 2: Cầu nối giúp nhiều cặp vợ chồng hàn gắn tình cảm Kỳ 2: Cầu nối giúp nhiều cặp vợ chồng hàn gắn tình cảm
An Nhiên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động