Kỳ 4: Đề xuất 4 sản phẩm du lịch mới để hút khách
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênShow diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” gồm 250 diễn viên tái hiện chân thực đời sống văn hóa đồng bằng Bắc Bộ. Ảnh: Minh An |
Điểm sáng từ tour đêm ngoại thành Hà Nội
So với 16 tour đêm đặc sắc Hà Nội được giới thiệu, show diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” (huyện Quốc Oai) được các đoàn du khách trong nước và quốc tế đánh giá là vở diễn nhất định phải xem khi đến Hà Nội. Được xây dựng với diện tích sân khấu lớn 4.300m2 nằm ngay dưới chân núi chùa Thầy thuộc xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai).
Từ bối cảnh trên mặt nước, 250 diễn viên của “Tinh hoa Bắc Bộ” giới thiệu du khách bức tranh sống động về đời sống văn hóa Bắc Bộ xưa cùng các trải nghiệm văn hóa lúa nước, bắt cá, múa rối nước, quan họ, chầu văn,… Theo đơn vị tổ chức, thời điểm ra mắt, mỗi tháng có khoảng 200 du khách đến nay con số đã tăng lên hàng nghìn du khách. Đây là show diễn đêm ngoại thành được nhận xét là thành công nhất hiện nay.
Từ thành công của show diễn thực cảnh đầu tiên Việt Nam, ngành du lịch Hà Nội lên phương án mở rộng tour đêm ngoại thành Hà Nội. Đề xuất 2 sản phẩm du lịch đêm ngoại thành Hà Nội là mô hình hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, mua sắm, giải trí đêm, giới thiệu văn hóa ẩm thực, dịch vụ ăn uống về đêm tại xã Đông Xuân (huyện Quốc Oai) và mô hình văn hóa ẩm thực Vân Đình - Làng nghề sản xuất hương xã Quảng Phú Cầu tại Trung tâm Thương mại thị trấn Vân Đình (huyện Mỹ Đức) và xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa). Việc xây dựng sản phẩm đêm ngoại thành Hà Nội nằm trong Kế hoạch phát triển xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch đêm trên địa bàn TP Hà Nội do Sở Du lịch Hà Nội ban hành.
Trong kế hoạch này, ngành du lịch Hà Nội đề xuất xây dựng 2 sản phẩm du lịch đêm tại Chợ hoa đêm Tây Hồ (đường Âu Cơ, phường Quảng An, quận Tây Hồ) và Điểm giới thiệu, trưng bày sản phẩm khách du lịch và phát triển kinh tế đêm Hà Nội tại Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm). Mục tiêu đến 2025, có tối thiểu 1 mô hình về phát triển sản phẩm du lịch đêm; hình thành tổ hợp giải trí đêm riêng biệt trên địa bàn TP Hà Nội theo kế hoạch Đề án “Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành.
Khai thác “mỏ vàng” du lịch đêm
Để thực hiện kế hoạch, Sở Du lịch Hà Nội tiến hành khảo sát tình hình hiện trạng, khả năng phát triển sản phẩm du lịch đêm tại một số quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP. Cụ thể, khu vực 1 (các quận: Hoàn Kiếm, Hồ Tây, thuộc cụm du lịch trung tâm TP và quận Long Biên, huyện Gia Lâm); khu vực 2 (các quận, huyện Phúc Thọ, Hoài Đức, Đan Phượng, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm); khu vực 3 (các huyện Sóc Sơn, Mê Linh, Đông Anh); Khu vực 4 (các huyện, thị xã Quốc Oai, Thạch Thất, Sơn Tây, Ba Vì); khu vực 5 (các huyện Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên).
Qua đó, đánh giá hiện trạng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch và khả năng phát triển sản phẩm du lịch đêm phục vụ cho việc hình thành ý tưởng để xây dựng các sản phẩm du lịch đêm mang nét đặc trưng của từng địa phương, phù hợp với định hướng phát triển sản phẩm du lịch đêm của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.
Sau kết quả khảo sát, Sở Du lịch Hà Nội lựa chọn 1 địa điểm trên mỗi khu vực đã khảo sát có tiềm năng, phù hợp để xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch đêm. Trên cơ sở đó tổ chức hội nghị với các địa phương chọn “mô hình điểm” để xây dựng sản phẩm du lịch đêm trên địa bàn.
Thời gian qua, văn hóa xứ Đoài được giới thiệu và tạo sức hút tới đông đảo du khách. Các hoạt động “Tết Việt” tổ chức tại làng cổ Đường Lâm dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 được chú ý. Lễ hội du lịch sinh thái Hà Nội 2023 diễn ra khu du lịch Ao Vua (xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì) đã mang đến cho du khách trải nghiệm ý nghĩa. Từ hiệu ứng đón nhận của du khách là tiền đề để ngành du lịch Thủ đô thí điểm xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm thực tế tại làng nghề và các điểm du lịch gắn với các giá trị truyền thống thiểu số tại huyện Ba Vì.
Làng hương Quảng Phú Cầu được nhắc đến làng tăm hương nổi tiếng xứ Kinh kỳ. Nghề truyền thống ngót nghét hơn 100 năm tuổi được người dân thôn Phú Lương Thượng, Đạo Tú, Cầu Bầu lưu giữ và phát triển. Kích cầu du lịch ngoại thành Hà Nội, người dân làng nghề đã sáng tạo những mô hình du lịch mang tính thẩm mỹ cao, thiết kế tiểu cảnh với các biểu tượng đặc trưng văn hóa Việt Nam như bản đồ Việt Nam, hình ảnh lá quốc kỳ,…trở thành điểm check-in ấn tượng cho du khách.
Việc mở rộng tour đêm huy động tối đa nguồn lực xã hội hóa, phát huy lợi thế sẵn có của địa phương. Đồng thời, tăng cường thu hút khách, tăng chi tiêu và tăng thời gian lưu trú trung bình của khách du lịch nội địa và quốc tế, góp phần đưa du lịch đêm trở thành sản phẩm chủ đạo để phát triển kinh tế ban đêm ở Hà Nội.
Đề xuất 4 sản phẩm du lịch đêm Hà Nội nằm trong Kế hoạch triển khai Quyết định số 1894/QĐ-BVHTTDL ngày 14/7/2023 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về ban hành Đề án “Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm” và thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025”; Quyết định 3195/QĐ-UBND ngày 13/6/2023 của UBND TP về việc phê duyệt Đề án phát triển kinh tế đô thị TP Hà Nội; Kế hoạch số 287/KH-UBND ngày 30/11/2023 của UBND TP thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2023-2025. |
(Còn nữa)
Kỳ 1: Luồng gió mới khác biệt so với tour du lịch truyền thống | |
Kỳ 2: Nơi nhộn nhịp, chỗ thưa vắng |
Kỳ 3: Khi tour đêm vẫn chưa được “thắp sáng” |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại