Thứ sáu 03/05/2024 01:44
Cần sự minh bạch trong giám sát và giá điện

Kỳ 2: Vẫn có trên 75.000 công tơ không đạt chất lượng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Giá điện chênh lệch khá lớn giữa mùa đông và mùa hè khiến nhiều khách hàng nghi ngờ tính chính xác của công tơ điện. Trên thực tế, kiểm tra của chính ngành điện thời điểm tháng 6-2020 cho thấy có tới 6.271 khách hàng bị ghi không đúng hóa đơn tiền điện, 519 trường hợp huỷ bỏ hoàn toàn hoá đơn, huỷ bỏ lập lại hoá đơn là 3.828 trường hợp, truy thu do sai gây giảm cho khách hàng là 1.249 trường hợp…

Nghi ngờ công tơ không chính xác

Liên tiếp các năm gần đây, hễ mùa hè đến đồng loạt khách hàng tại nhiều địa phương than thờ về việc giá điện tăng đột biến gấp đôi, thậm chí gấp ba lần so với các tháng mùa đông. Nhiều người chấp nhận lý giải của ngành điện, rằng sự tăng này là do việc sử dụng các thiết bị điện, trong đó có điều hòa, tủ lạnh… nhiều hơn lúc trước.

Tuy nhiên, không ít khách hàng tỏ ra hoài nghi sự minh bạch của công tơ điện, rằng có sự can thiệp nào đó vào chỉ số tiêu thụ điện trên công tơ.

Tại Hà Nội, EVNHANOI đang áp dụng 3 hình thức ghi chỉ số công tơ: ghi chỉ số trực tiếp, ghi chỉ số bán tự động, ghi chỉ số tự động. Với hình thức ghi chỉ số công tơ trực tiếp, công nhân điện chỉ cần sử dụng thiết bị camera để chụp ảnh công tơ cùng với chiếc máy tính bảng. Chỉ số công tơ sẽ được lưu lại tại thời điểm ghi số.

Cho dù là công tơ ở dạng cơ hay điện tử đều chịu sự quản lý, giám sát và vận hành của con người                 Ảnh: L.Đ
Cho dù là công tơ ở dạng cơ hay điện tử đều chịu sự quản lý, giám sát và vận hành của con người. Ảnh: L.Đ

Hình thức bán tự động, chỉ số công tơ được xác định bằng việc sử dụng công nghệ đo đếm từ xa, cho phép cập nhật chỉ số thông qua đường truyền sóng tần số radio RF bằng thiết bị cầm tay. Với hình thức ghi chỉ số tự động, các thiết bị đọc chỉ số công tơ được cài đặt tự động thu thập và truyền trực tiếp về hệ thống quản lý của EVNHANOI.

Nói thế không có nghĩa ngành điện cứ vận hành và mọi thứ đều êm đẹp. Như trường hợp chị Vĩnh Hà, phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội chúng tôi đề cập ở số báo trước, bản thân chị không hài lòng với cách giải thích của Điện lực Hà Nội khi lấy chỉ số điện tháng trước và sau trừ đi để rồi khẳng định việc thông báo hóa đơn tiền điện là đúng. Chính vì vậy, trước việc hóa đơn tiền điện tăng phi mã thời điểm tháng 8-2021, gia đình chị đã khiếu nại tới đường dây nóng của Điện lực Hà Nội, đề nghị thay công tơ điện khác.

Theo luật sư Nguyễn Phương Tuyến, Đoàn luật sư TP Hà Nội, người dân khiếu nại hoàn toàn có căn cứ, điều này được quy định tại quy trình giải quyết của ngành điện cũng như Luật Điện lực. Từ đó cho thấy rất cần thành lập một cơ quan độc lập giải quyết các thắc mắc, khiếu nại của khách hàng liên quan đến việc sử dụng điện.

Tháng 6-2020, trước phản ánh hóa đơn tiền điện tăng cao trong những tháng hè, nhiều khách hàng tại một số quận, huyện của Hà Nội nghi ngờ đồng hồ điện chạy không chính xác. Đây cũng là lý do để Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thành lập đoàn kiểm tra xuống địa phương. Thành phần của đoàn còn có sự tham gia của đại diện Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), Hội Bảo vệ người tiêu dùng, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học - Công nghệ).

Tại huyện Mê Linh, nếu như các tháng 2,4 và 5 chỉ có gần 60 khách hàng kiến nghị thì bước sang tháng 6, con số này là 160 khách hàng nghi ngờ đồng hồ điện chạy không chính xác so thực tế sử dụng điện.

Buổi kiểm tra này cho thấy tính hình thức khá cao, phía Cty Điện lực Mê Linh khẳng định việc đưa ra chỉ số đồng hồ điện để khách hàng thanh toán là đúng, nghĩa là phản ánh việc sử dụng điện tăng vọt của khách hàng chưa chính xác. Còn đại diện Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng kiểm tra bằng cách xem một số đồng hồ điện có bảo đảm các yêu cầu về kiểm định chất lượng, niêm phong, kẹp chì, thông tin kiểm định.

Trưởng đoàn là ông Võ Quang Lâm, Phó TGĐ EVN thừa nhận có các sai sót trong quá trình ghi chỉ số đồng hồ điện, chốt số điện thời gian qua. Tuy nhiên, EVN cho rằng đây là sai sót cá nhân, không liên quan hệ thống đo đếm, kỹ thuật.

75.650 công tơ không đạt chất lượng

Ngày 30-6- 2020, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã làm việc với Cty TNHH MTV Thí nghiệm điện miền Bắc về vấn đề đo chỉ số công tơ, kiểm định phương tiện đo - sau những lùm xùm về hoá đơn điện tăng vọt trong thời gian vừa qua. Thống kê kiểm định 6 tháng đầu năm 2020 về lỗi công tơ, theo Cty TNHH MTV Thí nghiệm điện miền Bắc, tổng số kiểm định công tơ 3 pha cảm ứng là 31.019 công tơ, trong đó, công tơ đạt chất lượng là 25.781 công tơ, công tơ không đạt chất lượng là 5.238 công tơ; công tơ điện 1 pha cảm ứng là 842.751 công tơ, trong đó đạt chất lượng là 768.101 công tơ, công tơ không đạt là 75.650 công tơ.

Khi được hỏi các kiểm định viên có thể can thiệp vào công tơ hay không, ông Tô Tuấn Anh - Phó GĐ Cty TNHH MTV thí nghiệm điện miền Bắc cho biết, thiết bị kiểm định công tơ được cài đặt phần mềm chương trình kiểm định, các kiểm định viên không thể tự ý can thiệp được vào chương trình đã cài đặt. Kết quả sai số của công tơ được tự động ghi nhận và thu thập về phần mềm điều khiển, có cảnh báo khi công tơ không đạt yêu cầu kỹ thuật đo lường. Lưu trữ và bảo mật kết quả, chống can thiệp trái phép, thay đổi kết quả kiểm định.

Theo chuyện gia kinh tế Lý Minh Long, dù EVN có tự tin vào hệ thống công tơ điện đến đâu thì thực tế cũng cho thấy vẫn có sai số như đã nêu trên. Việc đưa hệ thống đồng hồ điện tử vào vận hành và quản lý chúng vẫn do con người. Vì thế, khách hàng đặt ra giả thiết có sự can thiệp của con người vào hệ thống công tơ hay không hoàn toàn có căn cứ. Chuyện EVN hay EVN Hà Nội có đưa ra khẳng định 100% số công tơ lắp đặt của khách hàng tại Hà Nội đều được kiểm định đạt tiêu chuẩn theo quy định của Nhà nước thì cũng chỉ là quan điểm của ngành điện. Nếu mọi thứ đều được vận hành tốt đã không có phản ánh hay khiếu nại của khách hàng, đã không có tới 75.650 công tơ không đạt chất lượng.

Khách hàng khi có nghi ngờ có sai sót, nhầm lẫn trong quá trình ghi công tơ điện có thể liên hệ trực tiếp đến trung tâm chăm sóc khách hàng của EVN để yêu cầu kiểm tra lại. EVN miền Bắc: 19006769. EVN miền Trung: 19001909. EVN miền Nam: 19001006 – 19009000. EVN Hà Nội: 19001288. EVN TP HCM: 1900545454.

EVN có trách nhiệm kiểm tra và thông tin lại cho người dân về kết quả kiểm tra. Tuy nhiên, nếu người dân vẫn chưa hài lòng với cách giải thích của EVN thì có thể yêu cầu kiểm tra công tơ điện hoặc nhờ một đơn vị độc lập tại địa phương kiểm chứng. Đơn vị độc lập này thường là Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tại địa bàn.

(Còn nữa)

Kỳ 1: Mỗi năm đến hè lại than… giá điện Kỳ 1: Mỗi năm đến hè lại than… giá điện
Gia Bảo
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động