Thứ sáu 17/05/2024 14:29
Cần sự minh bạch trong giám sát và giá điện:

Kỳ 1: Mỗi năm đến hè lại than… giá điện

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Như một quy luật, bước vào những tháng hè hóa đơn tiền điện nhiều gia đình lại nhảy vọt đến chóng mặt. Đi kèm với đó là một loạt thắc mắc, kiến nghị và thậm chí là khiếu nại của người dân gửi tới ngành điện. Minh bạch cách tính tiền điện và giám sát thiết bị đo điện luôn là sự quan tâm của khách hàng.

Hoang mang vì hóa đơn tăng phi mã

Ngày 31-7, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giảm tiền điện cho các khách hàng dùng điện sinh hoạt ở các tỉnh, thành phố đang phải thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị số 16 với mức giảm 10-15% trong 2 tháng. Cụ thể, mức hỗ trợ sẽ giảm 15% tiền điện (trước thuế VAT) trên hóa đơn tiền điện cho các khách hàng dùng điện dưới 200 kWh/tháng và giảm 10% tiền điện (trước thuế VAT) trên hóa đơn tiền điện cho các khách hàng dùng trên 200 kWh/tháng. Thời gian giảm tiền điện là 2 tháng tại các kỳ hóa đơn tiền điện tháng 8 và kỳ hóa đơn tiền điện tháng 9-2021.

Nhận được thông báo thanh toán tiền điện từ Điện lực Nam Từ Liêm, Hà Nội, chị Nguyễn Thị Vĩnh Hà, phường Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội cũng không lấy làm vui. Theo cách tính mới, gia đình chị trong vùng đang áp dụng chỉ thị 16 của Chính phủ, được giảm 273.845 đồng, số điện tiêu thụ tháng này của gia đình là 940KWh. Sau khi trừ đi số tiền hỗ trợ Covid-19 là 273.845 đồng thì số tiền phải thanh toán là 2.464.684 đồng.

Theo chị Hà, mặc dù được tiền hỗ trợ Covid-19 nhưng cách chốt chỉ số điện không làm chị hài lòng, bởi cũng trong thời gian cả gia đình cùng ở nhà nghỉ giãn cách và vẫn dùng ngần ấy thiết bị điện nhưng tháng 7, gia đình chị phải thanh toán 2.239.485 đồng cho mức sử dụng 785KWh. “Tháng 7 số ngày nắng nóng còn nhiều hơn tháng 8, gia đình tôi còn sử dụng điều hòa và các thiết bị điện khác nhiều hơn tháng 8 nhưng không hiểu sao mức tiêu thụ điện của tháng 8 còn được ngành điện tính cao hơn tháng 7. Nếu không nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ, gia đình tôi phải thanh toán gần 3 triệu đồng”, chị Hà nói.

2.	Nhiều khách hàng không khỏi băn khoăn vì hóa đơn điện tăng đột biến trong những ngày hè                                                                                            	Ảnh: G.B
Nhiều khách hàng không khỏi băn khoăn vì hóa đơn điện tăng đột biến trong những ngày hè. Ảnh: G.B

Cũng trong các tháng 5, 6-2021 một loạt địa phương trong cả nước đều ghi nhận việc nhiều khách hàng kiến nghị về hóa đơn tiền điện tăng phi mã. Gia đình chị Thu Hương, Quan Hoa, Cầu Giấy tháng 5, hóa đơn tiền điện phải thanh toán làm tròn là 2,3 triệu đồng, trong khi bình thường mỗi tháng trước đó nhà chị chỉ dùng hết khoảng 600.000 - 700.000 đồng tiền điện/tháng. Dù đã chuẩn bị tinh thần cầm hóa đơn tiền điện, nhưng với mức tăng gấp 3 lần so với tháng trước khiến chị không khỏi ngỡ ngàng. Không chỉ năm nay, gần như thành điệp khúc của mọi năm, hễ đến hè là hóa đơn tiền điện của không ít gia đình lại nhảy vọt.

Điện lực tự kiểm tra, tự kết luận?

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng, việc tiêu thụ điện của nhiều hộ gia đình tăng cao là do thời tiết nắng nóng kéo dài, nhu cầu sử dụng thiết bị làm mát như điều hòa không khí tăng mạnh, dẫn đến tiền điện tăng.

Cách giải thích này khiến nhiều người dân không đồng tình. Chị Vĩnh Hà cho biết, năm 2020 chị cũng từng kiến nghị tới Điện lực Hà Nội về hóa đơn điện tăng phi mã. Kết quả, điện lực cho người về kiểm tra theo cách lấy chỉ số đầu, cuối của hai tháng liền kề trừ đi và kết luận việc gia đình phải thanh toán số tiền điện như điện lực thông báo là đúng. Chính vì vậy, tháng 8-2021, sau khi nhận được thông báo đóng tiền điện, chị Hà có khiếu nại gửi tới Điện lực Hà Nội thông qua đường dây nóng và đề nghị thay đồng hồ điện.

Chị Hà kể lại: “Tiếp nhận khiếu nại của tôi, bên điện lực hẹn hết giãn cách sẽ cho người xuống kiểm tra. Tuy nhiên, tôi vẫn cương quyết yêu cầu kiểm tra và thay công tơ điện mới. Lý do, không chỉ những tháng mùa hè, bình thường vào năm học cả gia đình tôi ở tại quận Ba Đình để tiện việc học tập cho trẻ nhỏ, đến cuối tuần mới về nhà ở Nam Từ Liêm, các thiết bị điện gần như không dùng, ngoại trừ tủ lạnh nhưng tháng nào cũng phải thanh toán trên 500.000 đồng.

Tháng 5, số tiền phải thanh toán là 607.262 đồng. Bước sang tháng 6, chắc để khách hàng không sốc nên bên điện lực có nhắn tin rằng sản lượng điện tiêu thụ tăng thêm 30% so với tháng 5. Kết quả, gia đình tôi phải thanh toán số tiền 2.258.803 đồng cho 791KWh. Khi không thấy gia đình có ý kiến gì thì các tháng sau tiền điện liên tục ở mức trên 2 triệu đồng. Nếu như tháng 8, tiền điện phải đóng là 2.464.684 đồng thì gia đình thấy cũng tương đương tháng trước, đằng này cộng cả tiền hỗ trợ Covid-19 cho thấy số điện sử dụng trong tháng lên tới gần 3 triệu đồng quả thực hết sức vô lý”.

Điều mong muốn của chị Hà và nhiều hộ dân khác khi chúng tôi tiếp xúc, rất cần một cơ quan độc lập, có chuyên môn về điện và không nằm trong biên chế của ngành điện đứng ra giải quyết các thắc mắc, khiếu nại… của khách hàng.

Luật sư Hoàng Văn Doãn, Đoàn luật sư TP Hà Nội hướng dẫn: “Theo quy định tại khoản 3 Điều 25 Luật Điện lực 2004, khi có nghi ngờ thiết bị đo đếm điện (gồm: công tơ, các loại đồng hồ đo điện) không chính xác, bên mua điện (người dân) có quyền yêu cầu bên bán điện (EVN) kiểm tra. Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của bên mua điện, EVN phải tiến hành kiểm tra, sửa chữa (nếu có sai sót). Trường hợp EVN tổ chức kiểm tra, kiểm định, người dân không phải trả phí.

Trường hợp không đồng ý với kết quả kiểm tra, sửa chữa hoặc thay thế của EVN, người dân có quyền đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động điện lực và sử dụng điện tại địa phương tổ chức kiểm định độc lập. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của người dân, cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động điện lực và sử dụng điện tại địa phương có trách nhiệm tổ chức việc kiểm định.

Theo ông Trần Đình Long, Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, nắng nóng là một nguyên nhân khiến lượng tiêu thụ điện tăng cao, bên cạnh đó còn có nguyên nhân từ việc ngành Điện đang áp dụng biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang. Hiện, giá bán điện được EVN tính theo biểu giá bậc thang 6 bậc (bậc cao nhất là 401 kWh) và cách tính này không còn phù hợp.
Thống kê kiểm định 6 tháng đầu năm 2020, về lỗi công tơ, theo Cty TNHH MTV Thí nghiệm điện miền Bắc, tổng số kiểm định công tơ 3 pha cảm ứng là 31.019 công tơ, trong đó, công tơ đạt chất lượng là 25.781 công tơ, công tơ không đạt chất lượng là 5.238 công tơ; công tơ điện 1 pha cảm ứng là 842.751 công tơ, trong đó đạt chất lượng là 768.101 công tơ, công tơ không đạt là 75.650 công tơ.

(Còn nữa)

Gia Bảo
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động