Thứ bảy 20/04/2024 03:12
Cần sự minh bạch trong giám sát và giá điện

Kỳ cuối: Cần một cơ quan có vai trò độc lập giám sát hoạt động của ngành điện

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Dư luận dường như đang chạy theo cuộc chơi về giá điện do Bộ Công thương và tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) dẫn dắt. Bởi phương thức tính theo một giá hay nhiều bậc hoàn toàn do hai đơn vị này đưa ra. Môt mặt hai đơn vị này khuyến cáo người dân sử dụng tiết kiệm điện nhưng lại quên đi rằng chính mình đang là nguyên nhân chậm hoàn thành không ít dự án điện.

Nếu khách hàng không lên tiếng

Tháng 6-2020, bà Đào Thị Gái, thôn 7, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh không khỏi tá hỏa khi nhận được thông báo của Điện lực Vân Đồn rằng sản lượng điện tiêu thụ tháng 6 tăng cao đột biến với số tiền lên tới 89 triệu đồng (làm tròn-P.V). Sau khi bà Gái làm đơn đề nghi ngành điện xác minh lại mới lộ ra câu chuyện nhầm lẫn. Bởi tháng này, gia đình bà dùng hết 200kWh, với số tiền điện là 368.335 đồng.

Cùng thời điểm này, tại Quảng Bình, một khách hàng sống tại Đồng Hới cũng không khỏi hoang mang khi nhận được hóa đơn tiền điện phải thanh toán lên tới 58 triệu đồng. Điện lực tỉnh Quảng Bình sau đó tiến hành xác minh đã thấy sự bất hợp lý, tiền điện thực tế khách hàng này phải thanh toán là 554.090 đồng.

Hai trường hợp trên cho thấy, nếu ngành điện phát hiện ra bất thường trong việc sử dụng điện gây ảnh hưởng, thiệt hại cho mình lập tức sẽ cho kiểm tra ngay. Nhưng khi tính hóa đơn làm tăng vống tiền điện của khách hàng lại không chủ động phát hiện và chỉ vào cuộc xác minh khi nhận được phản ánh.

Ngoài những Nhà máy điện đã đi vào vận hành như Thủy điện Hòa Bình, hiện vẫn còn 10 DA điện chậm tiến độ, chưa được đưa vào vận hành 									    Ảnh: G.B
Ngoài những Nhà máy điện đã đi vào vận hành như Thủy điện Hòa Bình, hiện vẫn còn 10 DA điện chậm tiến độ, chưa được đưa vào vận hành Ảnh: G.B

Theo đại diện EVN, trong tháng 6-2020, có 6.271 khách hàng phải điều chỉnh lại hoá đơn, trong đó có 519 trường hợp huỷ bỏ hoàn toàn hoá đơn, huỷ bỏ lập lại hoá đơn là 3.828 trường hợp, truy thu do sai gây giảm cho khách hàng là 1.249 trường hợp, thoái hoàn do sai gây tăng cho khách hàng là 675 trường hợp.

Từ phản ánh của dư luận về thời gian qua hóa đơn tiền điện của một số hộ dân tăng cao bất thường, trong cuộc họp Thường trực Chính phủ về các cơ chế phát triển nguồn và lưới điện, Thủ tướng yêu cầu EVN làm rõ thông tin trên, bảo đảm không để xảy ra sai sót và ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng điện, nếu phát hiện vi phạm phải xử lý nghiêm.

Giá điện, ai đang làm chủ cuộc chơi?

Tháng 8-2020, Bộ Công Thương đề xuất rút phương án điện một giá. Điều đáng nói đề xuất này mới chỉ được đưa ra vài ngày trước đó.

Vẫn còn một lý do khác khiến điện một giá “chết yểu” là do Bộ Công Thương và EVN lấy ý kiến đánh giá ở diện hẹp, Uỷ ban Quản lý vốn là đơn vị chịu trách nhiệm về quản lý vốn của EVN cũng như Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội không được mời tham gia. Người dân cũng không được lấy ý kiến rộng rãi.

Cách đây không lâu, Ủy ban Kinh tế đã tổ chức Phiên giải trình về "Thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội". Tại Phiên giải trình, các đại biểu chỉ ra quy hoạch điện của nước ta thời gian qua có phần xơ cứng, chậm điều chỉnh, cập nhật tình hình nên đã để mất nhiều cơ hội trong đầu tư về điện. Bên cạnh đó, chủ trương của Đảng là vận hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường, nhưng cả giá điện đầu vào và giá điện bán ra đều chưa theo cơ chế thị trường, cho nên dẫn đến giảm động lực của sự phát triển điện năng.

Theo chuyên gia kinh tế Huỳnh Mạnh An, lâu nay người tiêu dùng gần như đang bị Bộ Công thương và EVN dẫn dắt về giá điện. Phương thức tính cho dù là tính điện một giá hay 5 hoặc 6 bậc hoàn toàn do các đơn vị này đưa ra. Còn người tiêu dùng bị động và chạy theo phản biện từ chính những đề xuất này. Cơ sở nào để Bộ Công thương và EVN đưa ra cách tính trên cũng chưa được làm rõ. Điện là một loại dịch vụ công nên cần được công bố cụ thể. Mong muốn được giám sát giá điện của người dân là chính đáng.

Ở một góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế Trần Văn Thời đưa ra so sánh, xăng dầu cũng là mặt hàng nhậy cảm như điện nhưng vì sao cùng là một mặt hàng chẳng hạn như xăng A95 người đi xe máy đều được mua một giá như người đi ô tô. Sẽ thế nào đây, nếu cho rằng đi xe máy tiêu thụ ít xăng thì giá sẽ rẻ hơn đi ô tô? Bao giờ mới hết phải nghe ngành điện than thở, kêu gọi người dân sử dụng tiết kiệm điện, nhất là giờ cao điểm vì hệ thống quá tải. Từ đó, tính ra phương thức lũy tiến, dùng nhiều điện sẽ phải trả giá cao? Tiêu thụ điện là nhu cầu của khách hàng, còn đáp ứng phải thuộc trách nhiệm của ngành điện. Việc chậm đưa các dự án điện lớn vào hoạt động, sự phát triển chưa đồng bồ giữa nguồn điện và lưới điện, miền Bắc dư điện còn miền Nam có nguy cơ thiếu điện, chưa kể đầu tư dàn trải sang những lĩnh vực khác ngoài điện. Trách nhiệm này phải thuộc về ngành điện. Nhưng rõ ràng, giá điện đã tăng tới 9 lần, chưa thấy một lần giảm.

Sự bất hợp lý này rất cần một cơ quan có vai trò độc lập giám sát hoạt động của ngành điện cũng như giải quyết các thắc mắc, khiếu nại… của khách hàng.

Kỳ 2: Vẫn có trên 75.000 công tơ không đạt chất lượng Kỳ 2: Vẫn có trên 75.000 công tơ không đạt chất lượng
Gia Bảo
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động