Kỳ 2: Lý do khiến người lao động khó tiếp cận nhà ở xã hội
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênMột góc khu NƠXH Đặng Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Ảnh: N.D |
Bất cập từ chính sách giá đến điều kiện người thu nhập thấp
Theo quy định tại Luật Nhà ở 2014, người được mua NƠXH gồm: Người có công với cách mạng; hộ gia đình nghèo, cận nghèo ở nông thôn và đô thị; người thu nhập thấp tại đô thị; lao động tại khu công nghiệp; sĩ quan, quân nhân, công nhân thuộc đơn vị CA, quân đội; hộ gia đình, cá nhân thuộc diện thu hồi đất mà chưa được bồi thường.
Một trong những điều kiện quan trọng để trở thành người thu nhập thấp ở các TP lớn là mọi thành viên trong gia đình thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập cá nhân, tức không quá 11 triệu đồng/tháng.
Anh Lý Ngọc (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, như dự án NƠXH NHS Trung Văn, giá đã là 19,5triệu đồng/m2, để sở hữu căn nhỏ nhất (diện tích 69,9 m2) tại dự án NHS Trung Văn, người mua cần bỏ ra khoảng 1,39 tỷ đồng và 1,52 tỷ đồng cho căn lớn nhất (diện tích 76,8 m2). Trong khi đó, như vợ chồng anh có tổng thu nhập khoảng 16 triệu đồng/tháng.
“Chi phí sinh hoạt hàng tháng bao gồm tiền thuê nhà, ăn uống, học phí của các con dù tiết kiệm nhưng đã hết 2/3. Việc mua NƠXH theo quy định, người mua phải phải thanh toán trước 30% rồi mới được vào hợp đồng và thực hiện những việc tiếp theo như thế chấp tài sản đang hình thành để vay ngân hàng. Như vậy, số tiền ban đầu bỏ ra cũng không ít” – anh Ngọc nói.
Anh tính, cụ thể 30% của 1 căn hộ 1,5 tỷ là 450 triệu đồng, số vay ngân hàng gói 120.000 tỉ đồng trong 20 năm lãi suất 8,2%/năm. “Với số tiền vay có thể lên đến hơn 1 tỷ, như vậy mỗi tháng trả gốc và lãi trung bình từ 10-13 triệu đồng/tháng. Thực tế, số tiền còn lại không đủ cho gia đình tôi trang trải. Bởi thế giấc mơ NƠXH vẫn không dễ thực hiện”.
Cùng với đó cư trú cũng là một trong những điều kiện cần để có được suất mua nhà xã hội. Đây là một trong những quy định bắt buộc tại Điều 22 về Hồ sơ chứng minh đối tượng, điều kiện để được hưởng chính sách hỗ trợ về NƠXH, của nghị định Số 100/2015/NĐ-CP về quản lý và phát triển NƠXH.
Chị Nguyễn Thị Lan (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng cho biết, trước đó chị cũng đã từng làm hồ sơ để mua NƠXH. Mọi vấn đề không sao, nhưng khó khăn nhất là việc xin giấy chứng nhận của phường về tình trạng nhà ở/đất thuộc sở hữu.
“Cả hai vợ chồng cùng ở ngoại tỉnh, lên Hà Nội vì chưa có nhà nên chưa có hộ khẩu. Việc xin xác nhận về tình trạng sở hữu nhà ở/đất thực sự khó khăn. Cũng dễ lý giải vì vợ chồng tôi chỉ tạm trú, phường cũng không thể rõ ở quê thế nào nên sẽ tìm cách tránh né việc xác nhận” – chị Lan nói. Và dĩ nhiên theo chị, khâu quan trọng nhất đó chị không làm được, đồng nghĩa với việc chị không có cơ hội xét duyệt hồ sơ.
Rào cản tiếp cận vốn ngân hàng
Theo một báo cáo nghiên cứu mới đây, thông qua kết quả khảo sát 3 khu NƠXH tại Tây Mỗ, Nam Từ Liêm; Hưng Thịnh, Hà Đông và Rice city, Linh Đàm cho thấy đa số người mua NƠXH có hộ khẩu Hà Nội chiếm 73,6%; 26,4% người mua nhà có hộ khẩu tại tỉnh/thành khác. Như thế có nghĩa, mặc dù dự án NƠXH là dành chung cho người lao động, nhưng có vẻ như người dân Hà Nội đang được ưu ái.
Bởi lẽ, để mua được NƠXH, người mua cần đáp ứng được rất nhiều các điều kiện xét duyệt, cũng chính vì vậy, quá trình xác định đối tượng đúng là rất quan trọng. Các điều kiện đều yêu cầu các bằng chứng đi kèm, được thể hiện bởi các văn bản hành chính. Thông thường, người mua NƠXH sẽ có từ 3-6 tuần để hoàn thiện hồ sơ.
Một trong những khó khăn mà người mua NƠXH gặp phải đó là giấy chứng nhận xã/phường về đất ở và hộ khẩu. Để có được giấy xác nhận của xã/phường nơi cư trú về tình trạng nhà ở/đất ở thuộc sở hữu hay điều kiện nhà ở của người mua nhà thì việc họ có hộ khẩu hoặc có sổ tạm trú là yêu cầu bắt buộc. Do đó, những người có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội sẽ gặp thuận lợi hơn khi xin xác nhận này. Ngược lại, đối với những người có sổ tạm trú thì gặp không ít khó khăn, thủ tục sẽ rườm rà hơn để xin được xác nhận. Những người tạm trú cũng dễ dàng bị chính quyền địa phương từ chối xác nhận chưa có nhà ở vì lý do không có hộ khẩu tại địa bàn.
Ngoài ra, đó còn là vấn đề tiếp cận ngân hàng. Trên thực tế, NƠXH là chính sách hướng đến người có thu nhập thấp. Bởi vậy, đa số người mua NƠXH không có thu nhập cao hoặc không có nhiều tích lũy. Để mua nhà, họ cần có một số tiền nhất định để có thể ký hợp đồng mua bán hoặc thuê mua, sau đó tiếp tục trả tiền nhà thành nhiều đợt theo quy định của chủ đầu tư. Trong điều kiện đó, người mua nhà thường tìm tới các nguồn vay khác nhau, như: ngân hàng, người thân, bạn bè và hình thức khác.
Chị Nguyễn Thị Yến (Đặng Xá, Gia Lâm) cho biết, trước đó, khi trúng bốc thăm 1 căn NƠXH, sau khi vào 30% để ra hợp đồng như quy định của chủ đầu tư, chị đã chọn cách vay ngân hàng.
“Thời điểm đó là gói ưu đãi 30 nghìn tỷ với lãi suất 5 – 6%/năm. Tuy nhiên, để tiếp cận gói này cũng không hề đơn giản” – chị Yến cho biết.
Với những nhóm đối tượng thu nhập thấp, việc sở hữu một căn nhà cần có sự hỗ trợ tài chính từ phía ngân hàng là việc tất yếu, tuy nhiên không phải ai cũng đủ điều kiện để xét duyệt khi làm hồ sơ vay tại các ngân hàng.
“Việc chứng minh thu nhập ngoài thủ tục rườm rà, nhiều giấy tờ, việc chứng minh này có chiều hướng ngược lại với khi chứng minh thu nhập khi làm hồ sơ mua nhà” – chị Yến cho biết. Bởi lẽ theo chị, có nguồn thu nhập cao và ổn định, như thế các ngân hàng mới tránh được nợ xấu.
“Có nhiều người chấp nhận phải vay gói vay thương mại, hoặc vay mượn người nhà, bạn bè thay bằng gói vay ưu đãi. Cũng không thiếu người chấp nhận bỏ luôn cơ hội căn nhà có thể được mua vì không huy động được tài chính” – chị Yến nói.
(Còn nữa)
Kỳ 1: Khó cho người nghèo khi mua nhà ở xã hội |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại