Kỳ 2: hiểm họa từ những phòng trọ mini
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐể tận dụng tối đa diện tích và tối ưu hóa lợi nhuận nên nhiều chủ trọ sẵn sàng cơi nới diện tích mà quên đi các vấn đề an toàn phòng cháy, chữa cháy. Ảnh: H.Y |
Nhìn lại vụ cháy chung cư mini ở phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân vào năm 2023, đến hiện tại, nỗi đau của các gia đình các nạn nhân hay xã hội vẫn còn đó vì hậu quả quá nặng nề.
Ngay sau đó, một cuộc tổng kiểm tra, rà soát về vấn đề đảm bảo phòng cháy, chữa cháy… tại các chung cư mini, phòng trọ trên địa bàn TP Hà Nội được triển khai. Thế nhưng, những giải pháp chưa được đưa ra, những biện pháp xử lý chưa được đồng bộ dù đã có quy định.
Trên thực tế, các chung cư mini, các phòng trọ siêu nhỏ ở Hà Nội vẫn luôn trong tình trạng khan hiếm dù thực tế nỗi lo cháy nổ vẫn lơ lửng trên đầu. Đơn giản vì giá cả hợp lý, gần trung tâm, thuận tiện cho việc đi làm cũng như đi học.
Nhàn, sinh viên năm 3 trường Đại học Kinh tế Quốc dân mất gần 2 tuần mới tìm được phòng trọ nằm cách trường khoảng 3km. Nhàn kể, trước ở trọ cùng bạn trong ngõ nhỏ ở phố Trương Định nhưng phòng trọ ẩm thấp, mùa mưa thì đường vào ngập nước mùa nắng thì nóng không thể ngủ được. Gia đình ở quê không có điều kiện, Nhàn chấp nhận tìm đến các căn trọ 1 người vì vừa đảm bảo tiêu chí riêng tư vừa hợp với chi phí của bản thân.
Hay như em Hằng (quê Vĩnh Phúc - sinh viên năm cuối Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), hiện trọ trong căn phòng chưa đến 10m2, nằm trên phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng. Căn phòng chỉ vừa đủ kê 1 chiếc đệm nhỏ, phòng vệ sinh ngay cạnh nơi ngủ, rất bất tiện, bí bách, ẩm thấp, không có cửa sổ. Hằng chia sẻ: "Mỗi phòng ở đây có giá thuê là 2,5 triệu đồng/tháng, chưa tính điện nước. Em vẫn bắt buộc phải chọn thuê, phần vì được thoải mái thời gian để đi làm thêm, phần vì tiện đường đi học".
Vợ chồng chị Hằng (quê Thanh Hóa) cũng từng thuê một chung cư mini 25m2 trên đường Vương Thừa Vũ, quận Thanh Xuân cho 4 người sinh hoạt. Tòa nhà có 9 tầng, dao động từ trên 20 đến dưới 50m2/phòng. Mỗi tầng lại có 3 phòng. Chiếc thang máy nhỏ chỉ vừa đủ 2 người lớn đi vào, cầu thang lên xuống cũng chỉ đủ diện tích cho 1 người lớn đi.
“Chật chội, bất tiện nhưng giá hợp lý. Biết là tiềm ẩn nguy cơ an toàn cháy nổ nhưng nó phù hợp với những người thu nhập thấp như vợ chồng tôi” - chị Hằng nói.
Dù được trang bị bình cứu hỏa nhưng do lối đi chật hẹp, lại chỉ có một cầu thang nên nếu xảy ra hỏa hoạn thì hậu quả là không tránh khỏi. Ảnh: H.Y |
Trường hợp của Nhàn, Hằng hay vợ chồng chị Hằng là điển hình cho những sinh viên, công nhân di cư đến Hà Nội học tập và làm việc. Điều này tạo ra những sức ép về hạ tầng và dịch vụ xã hội đối với TP Hà Nội nói riêng và các TP lớn trên cả nước nói chung. Trên thực tế, dù đã có những thay đổi nhưng việc bảo đảm chỗ ở cho người dân đang là một trong những vấn đề khó giải quyết nhất.
Theo thống kê, Hà Nội có hàng chục trường đại học, cao đẳng… với số lượng hàng trăm nghìn sinh viên theo học mỗi năm. Bên cạnh đó, Hà Nội hiện có 10 khu công nghiệp - chế xuất và khu công nghệ cao, với hơn 660 doanh nghiệp, khoảng 165.000 lao động, 80% (tương ứng với 132 nghìn người) là dân ngoại tỉnh nhập cư - theo số liệu công bố tại cuộc đối thoại giữa công nhân và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh hồi tháng 5/2023.
Những số liệu năm 2023 cho thấy có 80% lao động ngoại tỉnh ở Hà Nội đang phải thuê nhà trọ ở các khu dân cư, do nhà ở xã hội vừa thiếu, vừa khó tiếp cận. Diện tích phòng trọ phổ biến ở mức 12m2, không đảm bảo các điều kiện sống cơ bản. Đó là chưa kể đến đối tượng là sinh viên ngoại tỉnh đang theo học tại Hà Nội.
Trên thực tế, nhiều giải pháp được đưa ra nhưng gần như chưa đồng bộ và đa phần vẫn còn nằm trên kế hoạch. Các phòng trọ đều được các tư nhân đầu tư tự phát. Vì tự phát nên phần lớn họ sẽ tối đa về lợi nhuận, tiết giảm chi phí, tối ưu hóa diện tích để có càng nhiều phòng càng tốt. Mọi nguyên tắc về phòng cháy, chữa cháy gần như bị bỏ qua, điều này dẫn đến những ẩn họa tiềm tàng, trong đó, cháy nổ, hỏa hoạn là nguy cơ nhãn tiền nhất.
Việc hạn chế đáng kể các vụ hỏa hoạn, đặc biệt là những thảm họa gây tổn thất lớn về người tất cả không chỉ trông chờ vào ý thức mà nó cần trông chờ vào những thay đổi căn bản về chính sách, nhằm xóa bỏ những căn phòng siêu nhỏ, đảm bảo an toàn tối đa có thể cho sinh viên, người lao động…
(Còn nữa)
Kỳ 1: Phòng trọ mini siêu nhỏ “cháy” khách thuê |
Kiến nghị ngừng cấp điện đối với công trình vi phạm về trật tự xây dựng, an toàn PCCC | |
Hà Nội phê bình các đơn vị chậm xử lý cơ sở không bảo đảm phòng cháy, chữa cháy |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại