Thứ bảy 23/11/2024 00:27
Hà Nội triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị

Kỳ 2: Chủ động để không để có sự gián đoạn trong khi chuyển giao

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Việc thực hiện cơ bản thuận lợi, song thực tế cũng bộc lộ một số vướng mắc cần sớm tháo gỡ, không để ảnh hưởng đến việc quản lý, điều hành của UBND quận, thị xã và UBND phường...
Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận một cửa phường Khương Đình, quận Thanh Xuân
Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận một cửa phường Khương Đình, quận Thanh Xuân.

Năng động và sáng tạo

Tập trung triển khai Nghị quyết số 97 của Quốc hội và Nghị định số 32 của Chính phủ về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội. Đặc biệt, để nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động, HĐND TP đã được Quốc hội thống nhất biểu quyết tăng thêm số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách với tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay, là điều kiện quan trọng để HĐND TP thực hiện tốt chức năng, quyền hạn và nhiệm vụ theo quy định của Luật.

Theo Sở Nội vụ Hà Nội, thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, các phường trên địa bàn TP đã tổ chức bộ máy bảo đảm đúng quy định. Việc sắp xếp, bố trí các chức danh cán bộ, công chức ở phường phù hợp với vị trí việc làm, năng lực chuyên môn; bộ máy đi vào hoạt động ổn định, thông suốt.

Theo hướng dẫn của Quốc hội, UBND phường gồm Chủ tịch, Phó chủ tịch và công chức khác, trong đó Chủ tịch có quyền tự quyết định và chịu trách nhiệm cá nhân về mọi vấn đề trong phạm vi thẩm quyền của phường do mình quản lý. Chủ tịch, Phó chủ tịch phường do Chủ tịch UBND quận, thị xã bổ nhiệm, thay vì bầu thông qua HĐND.

Từ trước thời điểm 1-7, các địa phương đã sớm triển khai việc rà soát, bố trí nhân sự theo mô hình chính quyền đô thị đã vận hành trơn tru theo mô hình mới, mà không bị phát sinh vấn đề đặc biệt. Như tại quận Thanh Xuân, quận Hà Đông, thị xã Sơn Tây, đã rà soát hiện trạng đội ngũ chủ tịch, phó chủ tịch UBND và công chức phường để sắp xếp. Công chức phường cũng rất niềm nở, nhiệt tình hướng dẫn, không để có sự gián đoạn khi chuyển giao thực hiện mô hình chính quyền đô thị.

Tại Quận Hà Đông, trước khi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, có 18 trường hợp đã ký hợp đồng dài hạn đang làm việc tại các phường, nhưng chưa tuyển dụng vào công chức phường theo quy định. Sau khi báo cáo và được Sở Nội vụ hướng dẫn, UBND quận đã tổ chức kiểm tra, sát hạch tiếp nhận các trường hợp này vào công chức phường không qua thi tuyển để kịp thời vận hành thí điểm mô hình chính quyền đô thị. UBND quận đã bổ nhiệm 45 chủ tịch, phó chủ tịch UBND các phường; hàng trăm công chức phường và bộ máy hoạt động ổn định.

Vì thế, việc vận hành mô hình chính quyền đô thị ở các quận và thị xã Sơn Tây cơ bản diễn ra trơn tru, hiệu quả, mang lại sự hài lòng cho người dân khi đến làm thủ tục hành chính.

Nhanh chóng ổn định tổ chức

Theo Sở Nội vụ , tổng số biên chế công chức làm việc tại 175 phường là 2.625 người. Trong khi đó, từ khi triển khai xây dựng Đề án thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, TP Hà Nội không tổ chức tuyển dụng công chức phường, do vậy số lượng công chức làm việc tại UBND các phường không đủ số lượng theo quy định.

Thực tế sau triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị cũng có những khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ sớm. Chẳng hạn, theo Nghị định số 32/2021/NĐ-CP ngày 29-3-2021 của Chính phủ về “Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27-11-2019 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội” quy định số lượng biên chế công chức làm việc tại UBND phường bình quân là 15 người/phường.

UBND TP Hà Nội đã kiến nghị với Bộ Nội vụ sớm báo cáo Chính phủ giao đủ 2.625 biên chế công chức phường trong thời gian thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị để có căn cứ giao các đơn vị thực hiện việc tuyển dụng.

Ngoài ra, theo Nghị định số 32/2021/NĐ-CP, từ ngày 1-7-2021 chuyển toàn bộ công chức cấp xã làm việc ở phường thành công chức thuộc biên chế do quận, thị xã quản lý. Tuy nhiên, Nghị định chưa quy định rõ sự liên thông giữa công chức thuộc UBND phường và công chức thuộc các phòng chuyên môn thuộc UBND quận. Do đó, việc điều động đội ngũ công chức phường với các phòng chuyên môn chưa có hướng dẫn cụ thể.

Từ thực tế cơ sở, hiện nay khi dịch Covid-19 được tạm thời khống chế và đẩy lùi, rất cần tháo gỡ những bất cập trên để giúp UBND các phường hoàn thành khối lượng công việc đang ngày một nhiều lên.

Các ý kiến cho rằng, do đặc thù của quản lý đô thị đòi hỏi nhanh nhạy, tập trung, thống nhất, thông suốt, có hiệu lực cao, sau sáp nhập, việc có đạt yêu cầu nâng cao năng lực hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương hay không, chỉ số hài lòng của người dân thế nào chính là các yếu tố quan trọng cần thống kê và tổng kết để đưa ra lộ trình phù hợp ổn định tổ chức, đạt hiệu quả cao trong thực hiện mô hình chính quyền đô thị.

TP Hà Nội đã ban hành hướng dẫn số 205, trong đó cụ thể hóa mối quan hệ giữa UBND quận, thị xã với CATP; mối quan hệ giữa UBND phường với CA quận, thị xã. CATP Hà Nội có trách nhiệm theo dõi việc thực hiện các nhiệm vụ về bảo vệ an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khi triển khai thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội.

(Còn nữa)

Kỳ 1: Các điểm mới nâng cao hiệu quả chính quyền địa phương Kỳ 1: Các điểm mới nâng cao hiệu quả chính quyền địa phương
Anh Hùng
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động