Kỳ 1: Các điểm mới nâng cao hiệu quả chính quyền địa phương
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênViệc tổ chức chính quyền đô thị để hướng đến mục tiêu tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực hiệu quả chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm đô thị ở Hà Nội |
Mô hình ưu việt
Chính quyền đô thị là một dạng cụ thể của chính quyền địa phương, được tổ chức phù hợp với các đặc điểm của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và các điều kiện tự nhiên của đô thị, nhằm quản lý đô thị hiệu quả cao và mang đầy đủ đặc điểm cơ bản của chính quyền địa phương.
Chính quyền đô thị vừa thể hiện các vấn đề chung của chính quyền địa phương về bản chất, vị trí, vai trò, chức năng đại diện của nhân dân và các mối quan hệ giữa chính quyền các cấp theo quy định của pháp luật, vừa thể hiện các yêu cầu đặc thù riêng của phương thức tổ chức, quản lý và phát triển đô thị.
Sự phức tạp, đa dạng về hoạt động kinh tế - xã hội của đô thị ngày càng gia tăng ở nước ta đặt ra những yêu cầu mới về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của chính quyền đô thị các cấp cũng như đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị.
Chính quyền đô thị có ưu điểm tinh gọn, minh bạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phân cấp, ủy quyền trên nhiều lĩnh vực nhằm phát huy mọi năng lực, tiềm năng của đô thị để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.
Từ nhận thức này, việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 97/2019/QH14, có hiệu lực từ ngày 1-7-2021.
Ngày 29-3-2021, Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 32/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành nghị quyết của Quốc hội, trong đó có nhiều quy định mới, phân định rõ cách quản lý của chính quyền đô thị khác với chính quyền ở khu vực nông thôn, tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phù hợp với đặc thù đô thị...
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 32/2021/NĐ-CP ngày 29-3-2021 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27-11-2019 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP. Hà Nội, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 100/KH-UBND ngày 12-4-2021 để triển khai thực hiện Nghị định này.
Nghị định 32/2021/NĐ-CP của Chính phủ về xây dựng chính quyền đô thị tại Hà Nội có những đặc điểm ưu việt riêng so với hai mô hình chính quyền đô thị tại TP HCM và Đà Nẵng.
Đặc thù chính quyền đô thị tại Hà Nội
Khi tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội là đã thống nhất được về chế độ công vụ, công chức giữa UBND quận và UBND phường. Biên chế công chức làm việc tại UBND phường thuộc biên chế công chức của UBND quận, thị xã và do UBND quận, thị xã quản lý, sử dụng.
Khi tổ chức mô hình chính quyền đô thị, chúng ta tạo được nền tảng để phục vụ cho cải cách công vụ trong thời gian tới. Cụ thể, công chức của UBND phường thì thuộc biên chế UBND quận và công chức phường có quyền và nghĩa vụ bình đẳng như công chức làm việc tại các đơn vị hành chính cấp huyện trở lên.
Đây là điểm mới mang tính cải cách mạnh mẽ trong chế độ công vụ, công chức của mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội.
Bên cạnh đó, các chức danh chủ tịch, phó chủ tịch UBND phường theo mô hình này là công chức do Chủ tịch UBND quận xem xét, bổ nhiệm theo phân cấp và quy định của pháp luật.
Theo quy định mới, căn cứ quy định của pháp luật về thẩm quyền và phân cấp, UBND TP. Hà Nội và Chủ tịch UBND quận, thị xã thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức làm việc tại UBND phường.
Tổ chức và hoạt động, chế độ trách nhiệm của UBND, Chủ tịch UBND phường cũng có nhiều điểm mới. Cụ thể, cơ cấu của UBND phường gồm: Chủ tịch phường, Phó Chủ tịch phường, Trưởng CA phường, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự… trong cơ cấu tổ chức của UBND phường cũng là sự tiến bộ, vượt qua trở ngại về tư duy cũ.
Một trong những quan điểm quan trọng để tổ chức chính quyền đô thị ở Thủ đô là UBND phường được xác định là cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn, hoạt động theo nguyên tắc chế độ thủ trưởng, đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ; gắn với cải cách hành chính, hiện đại hóa nền hành chính UBND phường hoạt động theo chế độ thủ trưởng.
Chủ tịch phường là người đứng đầu, có trách nhiệm lãnh đạo, quản lý, điều hành công việc của UBND phường theo quy chế làm việc của UBND phường, bảo đảm nguyên tắc tập trung, dân chủ và tuân thủ quy định của pháp luật.
Một điểm rất mới để giảm tải công việc và giải quyết nhanh, phục vụ người dân nhanh nhất, đó là, tại Nghị định 32/2021/NĐ-CP quy định, chủ tịch UBND phường được ủy quyền cho công chức tư pháp - hộ tịch thực hiện ký chứng thực và đóng dấu đối với chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc chứng nhận, chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản theo quy định của pháp luật. Đây là sáng kiến chỉ có của TP Hà Nội đề xuất và rất phù hợp với đặc điểm đô thị.
Việc tổ chức chính quyền đô thị để hướng đến mục tiêu tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực hiệu quả chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm đô thị ở Hà Nội.
Cụ thể là cần quản lý theo ngành, lĩnh vực, theo địa bàn thống nhất, tập trung, xuyên; phát huy hiệu quả việc công tác giám sát của các đoàn thể, MTTQ các cấp…
Để nâng cao chất lượng hoạt động của HÐND 12 quận và thị xã Sơn Tây khi thực hiện thí điểm mô hình CQÐT, Thường trực, các ban HÐND TP tăng cường tổ chức các hội nghị giao ban chuyên đề, trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng hoạt động của HÐND. Ðặc biệt chú trọng tới hoạt động giám sát, khảo sát chuyên đề, để giúp đại biểu các đơn vị thực hiện thí điểm mô hình CQÐT thêm kiến thức, kỹ năng, áp dụng vào hoạt động thực tiễn ở địa phương, nâng cao hiệu quả hoạt động. |
(Còn nữa)
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại